

Bà con bản Suối Lĩnh A (xã Hố Mít, huyện Tân Uyên) chăm sóc trâu.
Tận dụng lợi thế về bãi chăn thả rộng, nguồn thức ăn dồi dào, gia đình ông Vì Văn Dương (bản Suối Lĩnh B) đầu tư phát triển chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ một con trâu sinh sản dùng làm sức kéo trong nông nghiệp, đến nay gia đình ông đã nhân đàn lên 17 con trâu, bò, dê, cao điểm đàn gia súc lên tới hơn 40 con. Ngoài ra, tận dụng nguồn nước, ông đào ao thả cá với diện tích 2.000m2 và kết hợp với trồng chè (2ha), cấy lúa (1ha). Tổng các nguồn thu của gia đình hơn 100 triệu đồng/năm. Ông Dương chia sẻ: Lúc đầu việc chăn nuôi của gia đình phó mặc cho tự nhiên, không chăm sóc. Quá trình tìm hiểu, tham quan các hộ chăn nuôi khác trên địa bàn huyện, tôi nhận thấy việc nuôi nhốt gia súc đem lại hiệu quả cao hơn. Tôi làm chuồng, chuẩn bị nguồn thức ăn, tiêm vắcxin phòng bệnh cho gia súc. Nhờ đó, trâu sinh sản đều. Nếu sinh được nghé cái thì gia đình để làm giống, con đực bán lấy tiền đầu tư mua bò về nuôi. Từ việc phát triển chăn nuôi kết hợp với sản xuất nông nghiệp giúp gia đình tôi trở thành hộ có kinh tế khá, có điều kiện sửa lại nhà, mua sắm đồ dùng sinh hoạt tiện nghi, hiện đại.
Rời bản Suối Lĩnh B, chúng tôi đến bản Suối Lĩnh A gặp Trưởng bản Giàng A Vả để tìm hiểu về việc chăn nuôi của người dân trong bản. Ông Vẻ kể: Trước kia, bà con chủ yếu là thả rông gia súc trên bãi, trên rừng, đến vụ mùa cần sức trâu cày kéo mới đi tìm về, dẫn đến việc không quản lý, bảo vệ được gia súc. Nhờ được tuyên truyền, vận động, nhiều gia đình đưa gia súc về nuôi nhốt, trồng cỏ voi, dự trữ rơm, rạ làm thức ăn cho đàn vật nuôi. Thu nhập từ bán trâu, bò, dê của người dân ổn định. Bản hiện có hơn 200 con gia súc. Gia đình tôi cũng phát triển kinh tế nhờ chăn nuôi với 4 con trâu, 6 con dê.
Hiện nay, công tác phòng chống rét cho đàn vật nuôi được chính quyền, người dân quan tâm. Cán bộ chuyên môn cùng thú y viên đôn đốc bà con thực hiện các biện pháp phòng chống rét, kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh thú y trên đàn gia súc, gia cầm. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã 9 tháng đầu năm đạt 11.600 con, đạt 92,5% so với kế hoạch, tăng 1.472 con so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, gần 3 nghìn con trâu, bò, dê, lợn. Những tháng đầu năm, trên địa bàn xã xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại hầu hết các bản gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, chính quyền xã phối hợp với cơ quan chuyên môn triển khai chốt chặn, phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh khu vực chăn nuôi để đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn cho việc tái đàn.
Việc chăn nuôi gia cầm cũng có nhiều chuyển biến, số hộ làm chuồng trại và nuôi theo hướng hàng hóa tăng. Cùng với đó, xã đẩy mạnh phát triển diện tích nuôi thủy sản lên 3ha. Công tác cải tạo ao nuôi, vệ sinh môi trường nuôi, thực hiện thả cá giống được Nhân dân quan tâm. 9 tháng năm 2019, tổng sản lượng thủy sản thu hoạch từ ao nuôi đạt 2,8 tấn (tăng 6 tạ so với cùng kỳ năm 2018.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lò Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để chăn nuôi phát triển bền vững, đem lại hiệu quả và trở thành thế mạnh của địa phương, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền, vận động người dân chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Đồng thời triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ về giống, vay vốn ưu đãi… để khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi, gia tăng về số lượng, chất lượng và nguồn thu từ chăn nuôi, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.
Tăng cường kiểm tra, theo dõi tình hình dịch bệnh, thực hiện tiêm phòng định kỳ, tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi và chủ động dự trữ thức ăn, phòng chống rét cho gia súc vẫn là các giải pháp hữu hiệu để bảo vệ và phát triển đàn vật nuôi của Hố Mít.

Tăng gần 200 đồng/lít, giá xăng RON95-III vượt ngưỡng 20.000 đồng/lít

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững

Ưu tiên nguồn lực, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng

Công ty Điện lực Lai Châu thành lập các đội quản lý khu vực

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi







