

Giao thông thuận tiện lại nằm ở vị trí địa lý thuận lợi (trên địa bàn thành phố Lai Châu, tiếp giáp với nhiều xã của huyện Tam Đường, gần huyện Phong Thổ), chợ phiên San Thàng được biết đến là điểm tụ họp mua bán đông đúc, tấp nập của người dân các vùng vào ngày thứ 5, chủ nhật hàng tuần. Đến chợ, người dân, khách du lịch không chỉ thỏa sức mua sắm các mặt hàng tiêu dùng trong và ngoài nước sản xuất, nông sản do Nhân dân bản địa chăn nuôi, trồng cấy, trang phục truyền thống được thêu dệt thủ công còn có dịp gặp gỡ, trò chuyện với đồng bào các dân tộc thiểu số như: Mông, Giáy… khám phá nét độc đáo trong đời sống, trang phục, ẩm thực của bà con. Tuy nhiên, do chợ xây dựng đã lâu, một số hạng mục xuống cấp, nhiều chỗ không có mái che, nền đất là chủ yếu, khi mưa xuống ứ nước, bùn đất nhiều gây mất vệ sinh, khó bày hàng hóa. Chưa kể đến diện tích chợ nhỏ không đáp ứng đủ nhu cầu buôn bán hàng của thương lái, người dân. Do đó, dẫn đến tình trạng chen lấn, lấn chiếm lòng, lề đường quốc lộ khu vực ngoài cổng chợ và đường vào bản du lịch San Thàng 1 để bày hàng hóa, gây ách tắc giao thông, mất mĩ quan đô thị.
Đáp ứng nguyện vọng buôn bán kinh doanh của Nhân dân, thành phố Lai Châu quyết định phê duyệt triển khai 2 Dự án: nâng cấp, mở rộng chợ San Thàng và xây dựng điểm du lịch bản San Thàng 1 (xã San Thàng). Thời gian xây dựng từ năm 2017 đến đầu năm 2019 với tổng kinh phí đầu tư lên đến trên 24 tỷ đồng. Trong đó, Dự án nâng cấp, mở rộng chợ San Thàng có tổng kinh phí xây dựng trên 9 tỷ đồng, đầu tư các hạng mục: nhà chợ chính, các dãy ki ốt bán hàng, sân chợ, cổng chợ, hệ thống cấp điện, cấp nước đồng bộ, nhà vệ sinh… trên diện tích 6.400m2. Dự án xây dựng điểm du lịch bản San Thàng 1 có tổng kinh phí xây dựng trên 14 tỷ đồng, xây dựng các hạng mục: nhà bán hàng khu ẩm thực, mặt sàn khu ẩm thực, sân bê tông… trên diện tích 6.500m2.
Được nâng cấp, mở rộng, chợ phiên San Thàng khang trang, sạch đẹp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua, bán hàng hóa của thương lái và người dân.
Anh Đào Mạnh Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã San Thàng cho biết: “Tháng 3/2019, 2 Dự án trên hoàn thành, chợ phiên San Thàng được bàn giao đưa vào sử dụng, thực sự thỏa nguyện lòng dân. Bởi khuôn viên chợ rất khang trang, rộng rãi, nhiều khu có mái che, đảm bảo an toàn cho hàng hóa. Đặc biệt, chợ chia thành từng khu bán hàng, tách riêng thực phẩm tươi sống với thức ăn chín, người dân rất tiện khi lựa chọn hàng hóa cũng như việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng tốt hơn”.
Điều kiện kinh doanh tốt khiến số lượng hộ đăng ký kinh doanh thường xuyên tại chợ phiên San Thàng tăng lên (hiện nay có 173 hộ). Hầu hết các hộ được bố trí kinh doanh trong các ki ốt kiên cố với mặt hàng chính gồm: phở nước 22 hộ; bánh cuốn 2 hộ; quần áo, vải thổ cẩm trên 40 hộ; hàng thịt 20 hộ còn lại là kinh doanh các mặt hàng bánh, tạp hóa. Đáng nói, ngoài các hộ kinh doanh là người dân xã San Thàng (chiếm 70%) còn có các hộ kinh doanh đến từ các xã, phường khác của thành phố Lai Châu, 3 huyện: Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ.
Hòa vào dòng người tiến về chợ phiên San Thàng ngày chủ nhật, chúng tôi nhận thấy dọc bên đường vào chợ đã thông thoáng, không còn tình trạng người dân bày bán, dừng xe mua hàng như trước. Trong chợ, các sản vật từ núi rừng (rau dớn, măng, mật ong...), nông, thủy sản do chính người dân địa phương làm ra (cá, ngô, khoai lang, rau các loại, gạo, chuối…) được bày bán phong phú trên nền sân bê tông. Các dãy ki ốt bán quần áo, vải thổ cẩm sắc màu sặc sỡ. Quầy bán thịt cũng kín người ra vào. Phía bên kia cầu là khu ẩm thực với rất nhiều dãy bán phở chua, phở nước, bánh cuốn, bán bánh rán, quẩy, khoai nóng. Các loại bánh truyền thống của đồng bào dân tộc Giáy ở bản San Thàng 1 cũng hấp dẫn người mua không kém.
Chị Hoàng Thị Hính (bản San Thàng 1) hồ hởi nói: “Tôi bán các loại bánh truyền thống của dân tộc Giáy như: bánh bỏng, bánh khảo... tại chợ phiên San Thàng gần 20 năm rồi nhưng bây giờ chợ mới được xây dựng rộng, sạch đẹp, rất thuận tiên buôn bán. Bán hàng trong điều kiện tốt hơn, tôi không lo hỏng bánh khi trời mưa, lượng khách hàng cũng tăng lên. Trung bình mỗi phiên chợ, tôi bán các loại bánh thu khoảng 1 triệu đồng. Tôi sẽ tiếp tục duy trì nghề bánh truyền thống của gia đình”.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, đảm bảo chợ phiên San Thàng hoạt động hiệu quả, theo đúng nội quy, Ban quản lý chợ duy trì công tác bảo vệ, thường xuyên quét dọn, vệ sinh khuôn viên. Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm xã tiến hành các đợt kiểm tra thường xuyên và đột xuất, lồng ghép tuyên truyền kiến thức an toàn thực phẩm. Yêu cầu các hộ sản xuất, kinh doanh bánh, phở nước, bánh cuốn ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối với các mặt hàng phở nước không dùng bàn ăn mặt gỗ như trước mà phải chuyển sang bàn ăn mặt đá hoặc inox dễ lau chùi, phải có giỏ đựng rác cạch các bàn, thường xuyên vệ sinh, sử dụng nước hợp vệ sinh làm nước phở.
Lên thăm người thân tại thành phố Lai Châu, anh Nguyễn Văn Tuấn (tỉnh Thái Nguyên) có dịp đi chợ phiên San Thàng và thưởng thức món phở nước của đồng bào dân tộc Giáy, anh tỏ ra rất hài lòng. Anh Tuấn nói: “Lần đầu tiên tôi được ăn món này tại chợ, thấy nước phở ngon, ngọt, sợi phở dai, trình bày khá bắt mắt. Người chế biến phở thân thiện, thường xuyên đeo găng tay trong quá trình sơ chế thức ăn, mặt bàn ăn và nền chợ sạch, tôi rất yên tâm khi thưởng thức”.
Nâng cấp, mở rộng chợ phiên San Thàng tích cực góp phần giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Giáy; quảng bá hình ảnh, thu hút du khách đến với bản văn hóa San Thàng 1. Đồng thời, tạo thêm việc làm cho người dân trong và ngoài xã. Kích cầu mua sắm, thúc đẩy sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển cũng như đẩy mạnh thông thương hàng hóa giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã San Thàng đạt 34 triệu đồng/năm.
Trước nhu cầu một số hộ bán bánh, bán phở nước có nhu cầu kinh doanh trong ki ốt, thời gian tới, xã San Thàng tiếp tục tham mưu cho thành phố xem xét, bố trí kinh phí dựng thêm nhà tôn. Bên cạnh đó, với khoảng sân bê tông rộng trên 30m2 phía đầu bản San Thàng 1, xã dự kiến xin ý kiến cấp trên và kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển khu vực ẩm thực thắng cố. Nếu điều này trở thành hiện thực, chợ phiên San Thàng sẽ mở thêm cơ hội kinh doanh mới cho người dân địa phương.

Tăng gần 200 đồng/lít, giá xăng RON95-III vượt ngưỡng 20.000 đồng/lít

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững

Ưu tiên nguồn lực, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng

Công ty Điện lực Lai Châu thành lập các đội quản lý khu vực

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi







