

Sau khi hoàn thành việc ký hợp đồng xuất khẩu mía với Công ty TNHH Đường Kim Kha huyện Kim Bình thuộc Tập đoàn Kim Kha Trung Quốc với quy mô 300 nghìn tấn/năm từ năm 2019, HTX Nông sản Lai Châu đã quyết định mở rộng vùng nguyên liệu mía đường tại huyện Phong Thổ và một số xã của huyện Tam Đường. Để đảm bảo sự bền vững trong nông nghiệp, HTX thực hiện ký kết hợp đồng, hỗ trợ máy móc cho các hộ dân trong khâu làm đất; vốn đầu tư trong 5 năm (năm đầu tiên là 35 triệu đồng/ha những năm tiếp 10 triệu đồng/ha tiền giống, vật tư phân bón, công làm đất).
Đồng thời, HTX cử cán bộ bám sát cơ sở, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Hộ trồng mía sẽ thanh toán vốn đầu tư 50% trong năm đầu và trả dần vào năm tiếp theo cho HTX Nông sản Lai Châu sau khi có sản phẩm tiêu thụ theo hình thức khấu trừ từ tiền bán mía, số tiền bán mía còn lại được HTX nông sản Lai Châu thanh toán trực tiếp cho các hộ.
Cây mía được người dân huyện Phong Thổ đưa vào trồng với mong muốn mang lại nguồn thu nhập cao.
Hoang Thèn là xã đầu tiên của huyện Phong Thổ được HTX Nông sản Lai Châu khảo sát, lựa chọn thực hiện thí điểm theo mô hình này với diện tích 15ha. Sau khi thu hoạch, với giá thu mua bình quân 1.000 đồng/kg, so với cây trồng trước đây mía mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều. Từ đó, tạo niềm tin cho nông hộ cũng như định hướng mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các địa phương tại huyện Phong Thổ và một số xã, thị trấn của huyện Tam Đường.
Nhờ chú trọng chăm sóc nên trong các vụ, mía luôn đạt sản lượng cao, riêng năng suất dự kiến của vụ mía năm 2022 đạt khoảng 100 tấn/ha. Vậy nhưng, thời điểm này, dù đã vào vụ mà mía không thể thu hoạch đồng loạt bởi Trung Quốc đang thực hiện chính sách “zero Covid” nghiêm ngặt kể từ khi đại dịch bùng phát mạnh, khiến cả người trồng và đơn vị bao tiêu “đứng ngồi không yên”.
Nông dân xã Hoang Thèn (huyện Phong Thổ) thu hoạch cây mía.
Sau 2 năm thay thế cây sắn bằng mía, với diện tích trên 5.000m2 đất, gia đình anh Phàn Văn Thanh ở bản Lèng Xuôi Chin, xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ có thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng/vụ. Vậy nên, vụ mía năm nay, anh rất kỳ vọng. Nhận được thông tin Trung Quốc “cấm biên”, HTX không thể xuất hàng, anh Thành rất lo lắng.
Hiện, hơn 100ha mía mà HTX ký kết với bà con đã bước vào kỳ thu hoạch, một số diện tích quá ngày, chỉ thêm 1 tháng nữa, mía bị khô, héo, trữ lượng đường giảm và khả năng phá bỏ rất lớn. Lo lắng, bất an là tâm lý chung của nông dân. Và, HTX Nông sản Lai Châu đang cố gắng tìm cách gỡ khó. Giải pháp trước mắt là mở xưởng để sản xuất mật mía nhưng cũng như “muối bỏ bể” bởi sản lượng quá lớn. Theo ông Nguyễn Trung Dũng - Phó Giám đốc HTX Nông sản Lai Châu, liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững, giúp nông dân thay đổi thói quen sản xuất, chuyển đổi mục đích sản xuất hiệu quả, chúng tôi đã chứng minh điều đó qua 2 vụ mía 2020, 2021. Tuy vậy, trước những khó khăn chung đối với sản phẩm nông nghiệp của tỉnh khi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thời gian gần đây, rất mong các cấp, ngành của tỉnh, huyện có những động thái tích cực hơn để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân.
Cùng với cây chuối, cây chanh leo, mía đang trở thành cây trồng được nhiều địa phương của huyện Tam Đường và Phong Thổ xác định là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Giờ đây, câu chuyện “được mùa - thiếu đầu ra” không khiến nông dân đau đầu vì đã có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã. Vậy nên, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục xuất khẩu đang là nhu cầu bức thiết, có như vậy cây mía nói riêng, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh mới có thể “vượt biên”.

Đoàn kiểm tra Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam làm việc tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu

Duy trì điểm giao dịch tín dụng chính sách

Hướng phát triển kinh tế mới

Tăng gần 200 đồng/lít, giá xăng RON95-III vượt ngưỡng 20.000 đồng/lít

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững

Ưu tiên nguồn lực, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng

Công ty Điện lực Lai Châu thành lập các đội quản lý khu vực

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản







