Thứ bảy, 05/10/2024, 10:06 [GMT+7]

Chúng tôi những phóng viên tác nghiệp trên biển, đảo

Thứ năm, 09/05/2024 - 16:30'
(BLC) - Ngày 7 tháng 5 năm 1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể, là “cơ quan giúp Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo các lực lượng phòng thủ bờ bể, tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên thủy thủ; sản xuất, sửa chữa dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội để bàn giao cho các khu và liên khu làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các vùng sông, biển”. Từ đó, ngày 7 tháng 5 năm 1955 trở thành mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của Hải quân nhân dân Việt Nam đã 69 năm phấn đấu và trưởng thành. Nhóm phóng viên chúng tôi may mắn được tác nghiệp trên biển, đảo quê hương vào đầu tháng 5 lịch sử này và ghi lại những dấu ấn, những chiến tích của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam, những người bám biển, đảo bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa…

Trên chuyến hải trình của đoàn công tác số 13, hành trình vì biển, đảo quê hương, tôi ấn tượng với Đặng Trần Mỹ Hạnh, phóng viên của VTV2, năng nổ hoạt bát xông xáo khi tác nghiệp, nhìn bề ngoài cứng cỏi là vậy nhưng lại rất mau nước mắt. Hôm đó, Hạnh cứ tác nghiệp xong lại đứng sau lưng tôi và lau nước mắt suốt buổi lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh tại Gạc Ma. Trên vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, đồng chí Thiếu tướng, chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang đã ôn lại thời khắc lịch sử ngày 14/3/1988 tại đảo đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, vào đầu tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc huy động lực lượng 2 hạm đội đến khu vực quần đảo Trường Sa, tăng số tàu chiến hoạt động thường xuyên từ 9 - 12 chiếc. Lúc 5 giờ ngày 14/3/1988, Tàu HQ 605 được điều động từ đảo Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao, cắm cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ biển đảo của Việt Nam. Tàu HQ 604, HQ 505 được điều từ đảo Đá Lớn về Gạc Ma và Cô Lin, với 92 chiến sĩ.

Mỹ Hạnh (cầm mic) cùng các đồng nghiệp tác nghiệp tại đảo Đá Thị.

Sau khi 2 tàu HQ 604 và HQ 505 thả neo được 30 phút thì tàu hộ vệ của Trung Quốc chạy đến Gạc Ma, dùng loa khiêu khích, thay nhau chạy quanh đảo, uy hiếp các cán bộ, chiến sĩ. Cán bộ, chiến sĩ tàu 604 và 505 động viên giữ vững quyết tâm, kiên trì neo giữ bảo vệ đảo. Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân chỉ thị quyết giữ vững đảo Gạc Ma và Cô Lin; thả xuồng máy, xuồng nhôm, chuyển vật liệu làm nhà lên đảo ngay trong đêm 13 - 3. Lực lượng của Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Tổ quốc và triển khai 4 tổ chiến đấu bảo vệ đảo. Lúc này, phía Trung Quốc điều thêm 2 tàu hộ vệ trang bị pháo 100 ly đến khu vực đảo Gạc Ma. Đến 6 giờ ngày 14 - 3, tàu Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo rồi nổ súng, giật cờ của ta. Thiếu úy Trần Văn Phương đã hy sinh, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị thương. Mặc dù bị đối phương uy hiếp và nổ súng tấn công nhưng bộ đội ta vẫn kiên cường đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Không ép được bộ đội ta rút khỏi đảo, đến 7 giờ 30 ngày 14 - 3, 2 tàu Trung Quốc bắn pháo 100 ly gây hỏng nặng tàu 604, rồi bất ngờ cho quân xông về phía tàu ta. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đã bình tĩnh chỉ huy bộ đội đánh trả quyết liệt. Tàu Trung Quốc tiếp tục nã pháo dồn dập làm tàu ta bị thủng và chìm. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Phó Lữ đoàn trưởng 146 Trần Đức Thông cùng 1 số cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh ở khu vực đảo Gạc Ma. Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Tại Cô Lin và Len Đao, cán bộ, chiến sĩ tàu 505, 605 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay trên đảo. Dù tương quan lực lượng chênh lệch, phương tiện, vũ khí hạn chế, cán bộ và chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, không quản hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Với chiến công oanh liệt, tàu HQ 505 đã được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Các cán bộ, chiến sĩ Vũ Phi Trừ, Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Nguyễn Văn Lanh, Trần Văn Phương cũng được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nguyễn Thùy Liên - phóng viên Báo Hải Quân Việt Nam.

Ngay sau đó Mỹ Hạnh viết: “Trên hải trình đặc biệt đến với Trường Sa, tôi đã khóc khi tham dự lễ chào cờ và duyệt binh của quân và dân trên đảo. Xúc động biết bao ở nơi xa đất liền đến gần 400km, ở nơi chỉ có sóng biển, màu lam sắc của đại dương có gió và cát mà lại hiện hữu nhiều quá sự hi sinh! Những bước hành quân thật đều, những gương mặt rám nắng nhưng hiên ngang, những ánh mắt đầy quyết tâm và tin tưởng giống như lời khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mình. Và cũng để chạm tới niềm tự hào và quyết tâm của người phóng viên trong tôi. Rằng hãy sống tử tế hơn, bản lĩnh hơn, kiên cường hơn và có ích nhiều hơn!

Để tác nghiệp trên biển đảo, phóng viên đã gặp không ít những khó khăn, Hoàng Trung Hiếu, phóng viên ban ảnh TTXVN, mỗi lần bước lên boong chuẩn bị xuống đảo, anh lại phải ngồi lâu để sấy, lau lại ống kính vì trên thì nóng mà vào phòng thì lạnh, ống kính bị hấp hơi nước đến khổ, ở nhà thì còn có máy sấy, hoặc tủ bảo quản, xuống tàu thì chịu, xung quanh là nước biển… Hiếu cười hóm hỉnh: phải bảo vệ máy ảnh như bảo vệ con ngươi của mắt mình anh ạ. Mỗi lần xuống điểm tác nghiệp, Hiếu rất xông xáo, tìm góc vị trí đứng chụp sao cho phù hợp kể cả tôn trọng vị trí tác nghiệp của đồng nghiệp.

Nguyễn Thị Hiền, phóng viên Báo Tuổi trẻ, người mảnh mai nhưng dai sức, chỗ nào cũng thấy có mặt tham gia các hoạt động chung trên tàu đến những lần tác nghiệp trên đảo, Hiền tâm sự: em còn trẻ, lần đầu tiên được cùng đoàn công tác ra biển, đảo, em cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được tác nghiệp trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi phóng viên được tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa và nhà giàn DKI đều cảm thấy rất đỗi tự hào, thấy yêu quê hương, đất nước nhiều hơn.

Chu Văn Vui quay phim của VTV, rất vui, lạc quan như cái tên của anh vậy, suốt ngày cười nói trừ lúc tác nghiệp, anh bảo: “Cái khó của phóng viên quay phim là phải bảo quản được máy quay khỏi bị ẩm, đảm bảo an toàn khi tác nghiệp vì máy quay nặng, cồng kềnh, di chuyển từ tàu lên thuyền ra đảo là cả một vấn đề, rồi lại phải bám được sự kiện xuyên suốt trong quá trình hành quân cùng đoàn”.

Theo Nguyễn Thùy Liên, Phóng viên Báo Hải Quân Việt Nam thì: “Mặc dù được công tác cùng nhiều đoàn và nhiều lần ra biển, đảo, nhưng mỗi lần đều có những cảm xúc khác nhau, được gặp nhiều người, được kết nối giao lưu học hỏi từ họ và cứ mỗi lần như thế lại cảm thấy tay nghề được nâng lên. Liên còn dặn chúng tôi những quy định tuyên truyền về biển đảo nữa làm chúng tôi rất cảm kích”.

Các phóng viên rất năng nổ hoạt bát trong tác nghiệp, kịp thời đưa tin chính xác tuyên truyền về biển đảo.

Trở về lịch sử: Ngày 24 tháng 8 năm 1955, Cục Phòng thủ bờ bể tổ chức trọng thể Lễ thành lập hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng tại Trường Huấn luyện bờ bể, bên bờ sông Cấm, thành phố Hải Phòng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh và đồng chí Đỗ Mười, Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố Hải Phòng, cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ Cục Phòng thủ bờ bể và nhân dân thành phố đã chứng kiến buổi ra mắt của hai thủy đội. Đây là những viên gạch đầu tiên, là tiền thân của lực lượng tàu chiến đấu của Hải quân nhân dân Việt Nam sau này. Được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân quan tâm, đầu tư xây dựng nên những năm 2010 - 2015 là thời kỳ Hải quân nhân dân Việt Nam phát triển với tốc độ rất nhanh, tạo bước biến đổi quan trọng cả về lượng và chất. Đến năm 2014, Hải quân đã có đủ 5 thành phần lực lượng chiến đấu là: Tàu mặt nước, Tàu ngầm, Không quân Hải quân, Pháo binh-Tên lửa bờ, Hải quân đánh bộ - Đặc công Hải quân và các lực lượng phục vụ bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự Hải quân. 

Trải qua 69 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng bằng mồ hôi, công sức và xương máu của mình nối tiếp nhau xây đắp và tô thắm truyền thống vẻ vang "Chiến đấu anh dũng; mưu trí, sáng tạo; làm chủ vùng biển; quyết chiến, quyết thắng". Hải quân nhân dân Việt Nam đã lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc và đặc biệt xuất sắc, có những chiến công như huyền thoại, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Kết thúc chuyến công tác hành trình vì biển, đảo quê hương của đoàn công tác số 13, thiếu tướng, chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang, Phó Chủ nhiệm chính trị Hải quân nhận xét: “Anh chị em phóng viên đã rất năng nổ hoạt bát trong tác nghiệp, kịp thời đưa tin chính xác tuyên truyền về biển đảo, về chuyến hành trình và đảm bảo được những yêu cầu tuyên truyền đối với Hải quân nhân dân Việt Nam”.

Mai Chí Vũ - Hội Nhà báo Việt Nam

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...