Các trạm y tế vùng sâu, vùng xa: Gian nan đạt chuẩn quốc gia
TIÊU CHÍ ĐẠT CHUẨN
![]() |
Cán bộ Trạm Y tế xã San Thàng (thị xã Lai Châu) chăm sóc vườn cây thuốc nam. |
Theo tiêu chí của Bộ Y tế, các xã đủ điều kiện chuẩn quốc gia về y tế phải thực hiện đủ 10 tiêu chí: Xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác truyền thông giáo dục sức khỏe; vệ sinh phòng bệnh; khám chữa bệnh và phục hồi chức năng; y học cổ truyền; chăm sóc sức khỏe trẻ em; chăm sóc sức khỏe sinh sản; cơ sở hạ tầng và trang thiết bị; nhân lực và chế độ chính sách; kế hoạch và tài chính cho trạm y tế; thuốc thiết yếu và sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
Anh Dương Đình Mai – Phó phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) cho biết: “Trong các tiêu chí đạt chuẩn, có tiêu chí chuẩn về số lượng cán bộ y tế: 1 bác sĩ, 1 y sĩ y học cổ truyền, 1 y sỹ sản nhi. Rất ít xã đạt chuẩn đạt được tiêu chí này. Một trong những tiêu chí phụ chỉ có các trạm ở trung tâm huyện, thị xã đạt, đó là khu nhà phụ trợ của trạm, gồm: bếp, bể nước, nhà vệ sinh, chỗ để xe”.
Chúng tôi đến Trạm Y tế xã San Thàng (thị xã Lai Châu) khi cán bộ Trạm đang chăm sóc vườn cây thuốc nam với hơn 40 loại cây thuốc chữa bệnh cảm, tiêu độc, cầm máu, kháng sinh… Chị Lù Thị Ấm – Trạm phó Trạm Y tế xã cho biết: “Năm 2005, Trạm đã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Toàn Trạm có 7 cán bộ y tế (trong đó 1 cán bộ đang theo học đại học); 8 phòng chức năng: phòng thuốc đông y, phòng kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), phòng tư vấn, phòng cấp phát thuốc...”.
Tại Trạm Y tế xã, chúng tôi gặp bà Ngô Thị Xuân (77 tuổi) cán bộ hưu trí đến khám bệnh, bà tâm sự: “Mỗi khi bị ốm, tôi thường đến Trạm Y tế xã để khám và tiêm thuốc. Vì ở đây cán bộ y tế khám, chữa bệnh rất có trách nhiệm, dụng cụ y tế, tủ thuốc của Trạm cũng khá đầy đủ”.
Ở các trạm y tế đạt chuẩn, công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em được quan tâm. Các gia đình đều đưa trẻ đi tiêm vắc - xin phòng bệnh, uống vitamin A. Việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng được thực hiện khá tốt. Cũng ở những xã này, nhiều hộ dân đã xử lý rác thải và xây dựng nhà ở, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh.
Đến các trạm y tế thuộc vùng sâu, vùng xa chúng tôi thấy nhiều trạm còn sử dụng nhờ cơ sở vật chất của đơn vị khác hoặc thời gian xây dựng đã lâu, bị xuống cấp.
Phần lớn các trạm y tế không có vườn thuốc nam, thậm chí có trạm không có tường bao và cổng. Ở đây, các loại thuốc đặc trị để chữa bệnh rất hiếm, phần lớn chỉ có các loại thuốc chữa bệnh thông thường như: đau bụng, nhức đầu, cảm cúm...
Cũng vì thế, bà con đến trạm chủ yếu chỉ để khám các loại bệnh thông thường hay sinh con và nghe tuyên truyền về KHHGĐ. Bà Chìn Me Long, ở xã Nậm Ban (huyện Sìn Hồ) cho biết: “Ở vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn nhưng khi có người nhà bị ốm nặng, các gia đình đều phải đưa ra bệnh viện huyện để điều trị”.
Ở 52 trạm y tế chưa đạt chuẩn, không trạm nào có bác sỹ. Trong trạm chỉ có 3, 4 phòng làm việc phải ghép chung và các y sĩ, cán bộ dân số, nữ hộ sinh… đôi khi phải khám, điều trị, kê đơn thuốc không đúng với nhiệm vụ chuyên môn được đào tạo bởi thiếu người. Rất ít trạm có phòng y học cổ truyền, do đó số bệnh nhân được khám, điều trị bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại còn hạn chế.
Một trong những tiêu chí các trạm không thực hiện được, đó là số hộ gia đình sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh. Chỉ ở những trạm gần trung tâm huyện, thị mới đảm bảo được tiêu chí: trên 70% dân cư sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt chuẩn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh lỵ, tả… nếu không được phát hiện, chữa trị kịp thời dễ gây ra các đợt dịch, nguy hiểm đến tính mạng người dân.
HẢI YẾN
Bình luận