

Học viên ở Trung tâm luôn mong muốn được cộng đồng nhìn nhận và sẻ chia; mong có một việc làm ổn định để tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.
Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi có dịp đến Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục và Lao động xã hội thị xã. Khuôn viên của Trung tâm không rộng lắm, nhưng rất sạch và đẹp. Có vườn hoa, cây cảnh, sân chơi thể thao cho học viên. Phía sau dãy nhà là những bãi sắn, nương ngô đang vào mùa xanh tốt. Dưới chân đồi gần chục học viên đang cho cá ăn… Cảnh vật thật bình yên, khác xa với những gì chúng tôi nghĩ khi bước chân tới nơi này.
Ở đây chúng tôi được nghe những câu chuyện tưởng như chỉ có trong cổ tích của những con người lầm lỗi đang bắt đầu một cuộc đời mới. Ấn tượng nhất là câu chuyện của học viên Trần Văn Thắng. Anh Thắng nghiện ma túy đã gần 20 năm. Những tưởng không còn hi vọng vào ngày tháng phía trước bởi đã hơn chục lần anh vào trung tâm cai và tự cai nghiện ở nhà. Song khi trở về với gia đình, không có công ăn việc làm, bị đám bạn nghiện và “nàng tiên nâu” lôi kéo, anh lại tái nghiện. Anh đã từng nghĩ cuộc đời mình coi như bỏ đi. Đầu năm 2008 bố mẹ ép anh vào Trung tâm để cai nghiện. Chính ở nơi anh không muốn đặt chân đến này lại nảy mầm một tình yêu, mở cuộc đời anh sang lối khác.
Những ngày ở Trung tâm được sự quan tâm, động viên, chia sẻ của cán bộ, được chứng kiến biết bao giọt nước mắt của thân nhân học viên mỗi khi đưa con em vào cai nghiện và thấm thía cảnh nghiện ngập gần 20 năm, anh đã nghĩ: hoặc là chết hoặc là sống mà không có ma túy. Sau một tuần cắt cơn nghiện, hàng ngày anh cùng các học viên lao động nhẹ nhàng như chăn trâu, cắt cỏ cho cá ăn… Sức khỏe dần hồi phục. Thời gian điều trị bệnh đã hết, song anh không muốn về, bởi anh biết về nhà mà chưa có công ăn việc làm, rồi sẽ lại tái nghiện nên anh đã xin phép Trung tâm được ở lại thêm một thời gian nữa. Cũng ở nơi này, một người con gái đã cảm kích và đem lòng yêu thương anh. Sau biết bao khó khăn, vất vả vượt qua sự ngăn cản của gia đình người yêu, 5 tháng sau anh kết hôn. Hiểu được suy nghĩ của của người yêu, chị chấp nhận theo anh về Trung tâm sinh sống.
Ngày đón cô dâu về trung tâm, anh biết cuộc đời mình bước sang một trang mới, dù phía trước còn nhiều khó khăn. Với ý chí, nghị lực của anh, tình yêu thương của người vợ trẻ và đứa con sắp chào đời, chúng tôi tin anh sẽ đứng dậy vững vàng hơn sau những lần vấp ngã.
Còn học viên Nguyễn Văn Quyết bày tỏ: “Trước đây, được gia đình chiều chuộng, em thường có những cuộc vui chơi thâu đêm suốt sáng với bạn bè. Chính từ những cuộc vui chơi buông thả đó mà em dính vào ma túy lúc nào không biết. Chỉ đến khi được gia đình đưa vào Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội thị xã, em mới cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống”.
Với vẻ trầm ngâm của một người trung tuổi học viênLê Văn Tình xúc động nói: “Khi vào đây, tôi rất nhớ nhà, nhớ nhất là 2 đứa trẻ. Mỗi gia đình đều có đủ cả cha lẫn mẹ, vậy mà tôi lại làm cho con tôi thiếu đi niềm hạnh phúc đó. Tôi sẽ quyết tâm từ bỏ ma túy và làm lại từ đầu”…
Ở Trung tâm Chữa bệnh, Giáo dục và Lao động xã hội thị xã Lai Châu, mỗi học viên một hoàn cảnh, một số phận nhưng cũng như bao người khác, họ cũng có những ước mơ, những khao khát trở về với cuộc sống bình thường. Vượt lên trên những khao khát đó, họ rất mong muốn được cộng đồng nhìn nhận và sẻ chia; mong muốn có một việc làm ổn định để tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.

Chiều 6/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đáp án chính thức các môn thi tốt nghiệp THPT
Sơ kết 5 năm thực hiện chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại

Hội nghị thẩm định các điều kiện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại Bệnh viện Y học cổ truyền

Hội nghị tuyên truyền, tư vấn, giải đáp chính sách bảo hiểm xã hội năm 2025
Bệnh viện Đa khoa tỉnh sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025

Lai Châu công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên quốc lộ 4D

Thăm hỏi, động viên 2 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất

Thầm lặng nghề hái chè









