Thứ tư, 06/12/2023, 01:05 [GMT+7]
Hướng tới Đại hội Công đoàn tỉnh Lai Châu lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028

Nơi nào khó, có công đoàn

Thứ hai, 25/09/2023 - 11:38'
Với phương châm “Hướng hoạt động về cơ sở”, nhiệm kỳ qua Công đoàn ngành Giáo dục có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống cho đoàn viên, giáo viên các trường thuộc các xã vùng biên giới, còn nhiều khó khăn. Qua đó, góp phần lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng và khẳng định được vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công đoàn viên trong toàn ngành.

Sẻ chia khó khăn
Toàn ngành Giáo dục có 964 đoàn viên tham gia sinh hoạt ở 25 công đoàn cơ sở (CĐCS). Trong đó, chủ yếu là các trường THPT, Phổ thông dân tộc nội trú, trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện. Để chăm lo đời sống cho đoàn viên, các cấp công đoàn trong ngành tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên, người lao động; kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội và các chế độ chính sách của nhà giáo và người lao động theo quy định của Nhà nước.
Đồng chí Phạm Thị Phượng - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Lai Châu cho biết: “Công đoàn ngành đã phối hợp với cơ quan chuyên môn đồng cấp kiểm tra chế độ chính sách, việc thực hiện quy chế dân chủ, đảm bảo để đội ngũ nhà giáo, người lao động được bàn bạc, tham gia ý kiến vào nội quy, quy chế cơ quan, quy chế chi tiêu nội bộ. Các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao... tạo sân chơi lành mạnh cho đoàn viên và triển khai thực hiện chương trình phúc lợi cho đoàn viên, người lao động; duy trì tổ chức các hoạt động “Tết sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Quỹ tương hỗ công đoàn”.
Điển hình như CĐCS Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh triển khai “Quỹ tương hỗ công đoàn” với số tiền 65 triệu đồng hỗ trợ 6 đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Thực hiện chương trình “Tết sum vầy”, công đoàn ngành tham mưu cho Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao tặng 430 suất quà cho nhà giáo, người lao động, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, bị ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt với số tiền trên 170 triệu đồng. Các CĐCS tặng 370 suất quà cho ĐVCĐ trị giá trên 140 triệu đồng. Trao quà cho 811 học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, trị giá trên 230 triệu đồng và 475 áo ấm mùa đông.

Đại diện Công đoàn ngành Giáo dục Lai Châu cùng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình giáo viên ở huyện Sìn Hồ bị ảnh hưởng do thiên tai, hỏa hoạn.

Sẻ chia khó khăn với giáo dục vùng khó, Công đoàn ngành Giáo dục trích từ nguồn Quỹ Hỗ trợ giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn mua mới 2.707 áo ấm tặng học sinh. Phối hợp với các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh; kêu gọi Công đoàn Giáo dục Việt Nam, công đoàn các tỉnh, nhà hảo tâm quyên góp tiền, tặng quà cho các gia đình giáo viên, học sinh có người bị chết, mất tích, bị thiệt hại nặng do thiên tai lũ lụt với tổng số tiền 330 triệu đồng… Qua đó, động viên kịp thời các gia đình vượt qua mất mát, nỗ lực vươn lên sớm ổn định cuộc sống.
Khơi dậy nghị lực, khát khao cống hiến
Với rất nhiều hoạt động quan tâm, chăm lo cho đoàn viên, giáo viên, học sinh, uy tín và vị thế của tổ chức công đoàn trong ngành Giáo dục Lai Châu ngày càng được cải thiện, nâng cao. ĐVCĐ, người lao động thêm tin tưởng, tích cực tham gia các hoạt động, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong toàn ngành.
Kết quả, trong nhiệm kỳ vừa qua, toàn ngành có trên 1.000 lượt cán bộ, nhà giáo, người lao động tham gia học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Đông đảo cán bộ, giáo viên tham gia các chương trình sáng kiến do cấp trên phát động, trong đó riêng chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” có 25 sáng kiến tham gia dự thi, 3/25 sáng kiến tiêu biểu được LĐLĐ tỉnh tặng Bằng khen và gửi về Tổng LĐLĐ Việt Nam. Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” có 64 sáng kiến tham gia, đạt và vượt chỉ tiêu LĐLĐ tỉnh giao.
Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được quan tâm. Hàng năm, có trên 85% nữ cán bộ, nhà giáo người lao động được các cấp công đoàn công nhận đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Ngoài ra, toàn ngành có 147 đoàn viên được các CĐCS bồi dưỡng, giúp đỡ và giới thiệu cho tổ chức đảng xem xét cử đi học lớp nhận thức về đảng, đã có 75 đồng chí được đứng trong hàng ngũ của đảng. Đời sống của cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành cơ bản ổn định, yên tâm công tác, tâm huyết với nghề, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành.
CĐCS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là một trong những điển hình quan tâm chăm lo tốt đời sống cho đoàn viên, giáo viên thông qua việc được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách về tiền lương, tiền thưởng, chế độ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học.
Đồng chí Phùng Thị Tâm - Chủ tịch CĐCS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn khẳng định, cán bộ, nhà giáo và người lao động trong trường tích cực hưởng ứng các hoạt động xã hội nhân đạo từ thiện do các cấp, các ngành và chi bộ phát động; tham gia ủng hộ các loại quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Bảo trợ trẻ em”, “Vì người nghèo”... với số tiền trên 183 triệu đồng.
Làm tốt công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, giáo viên, học sinh, các cấp công đoàn trong ngành Giáo dục đã để lại dấu ấn sâu sắc, kịp thời động viên đoàn viên, giáo viên, học sinh ra sức phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng: Nhiều mối lo
Những năm qua, việc cung cấp vắc-xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đảm trách. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, do thay đổi về cơ chế mua sắm...
Đam mê sáng tạo
Thấu hiểu những vất vả của người nông dân, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi, anh Giang Văn Quý, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên không ngừng học hỏi, nghiên cứu và có nhiều...