

Sai phổ biến
Sai lỗi chính tả xảy ra phổ biến trong xã hội, không chỉ ở tỉnh ta mà phạm vi cả nước. Đội ngũ trí thức tỷ lệ ít hơn nhưng không phải không có. Nhiều cán bộ công chức trình độ cao đẳng, đại học, cao học hoặc học chuyên ngành ngôn ngữ học song cũng hay mắc phải lỗi này. Một số giáo viên, thậm chí giáo viên văn cũng sai lỗi chính tả. Đây là điều tối kỵ bởi giáo viên sai lỗi chính tả đồng nghĩa với việc làm ảnh hưởng tới cả một thế hệ học trò.
Ảnh chụp ngày 30/6/2011 tại Trung tâm Sửa chữa, bão dưỡng xe ga – xe số Quang Sáng trên đường Trần Hưng Đạo (thị xã Lai Châu). Ảnh: Đ.Q
Cô giáo Triệu Như Đoan - Hiệu phó Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh than phiền: Hiện nay học sinh THPT sai lỗi chính tả phổ biến. Với đặc thù học sinh của trường phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên tỷ lệ này không nhỏ. Nhiều lúc chấm bài văn của học sinh mà tôi không dịch nổi và tự cười một mình vì học sinh dùng từ sai làm sai nghĩa. Tôi nhớ một học sinh ở huyện Mường Tè phân tích bài thơ “Vội vàng” của nhà thơ Xuân Diệu có đoạn viết “tình yêu xây đá mạ lòng”, tôi dịch thế nào cũng không ra nghĩa, mãi tới giờ trả bài học sinh mới giải thích câu đó là “tình yêu say đắm mặn nồng” (!?).
Đồng cảm với tâm sự của chị Đoan, chị Vũ Thu Hương - Trưởng Phòng Biên tập Báo Lai Châu cho biết: Hàng ngày chúng tôi nhận được gần 100 tin, bài của cộng tác viên, phóng viên. Tình trạng sai lỗi chính tả ở các tác phẩm phổ biến nên chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian sửa từng câu, từng từ.
Đi dọc các tuyến đường trên địa bàn thị xã Lai Châu và vào một số nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, hiệu làm đẹp, chúng ta sẽ dễ dàng gặp những “hạt sạn” như: “cháo nòng”, “cơm dang”, “rửa se”, “sửa se máy”, “phun xăm nông mày”, “mua bán chao dổi”, “khuyến mãi giành cho bạn”, “bầu trọn đại biểu”…
Qua thực tế cho thấy các lỗi chủ yếu do nhầm lẫn giữa “x”/“s”, “tr”/“ch”, “l”/“n”, “d”/“r”/“gi”, “g”/“gh”/“ngh”; thanh điệu “~” với “/”; đặt dấu chấm, dấu phẩy không đúng chỗ; viết hoa lung tung, sử dụng từ không đúng nghĩa với hoàn cảnh.
Chuyện nhỏ mà không nhỏ
Tiếng Việt rất phong phú, đa nghĩa nếu sử dụng sai hoàn cảnh thì nghĩa lại hoàn toàn khác. Sai lỗi chính tả làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt, thể hiện trình độ của người sử dụng; làm cho người đọc cảm thấy như không được tôn trọng bởi sự cẩu thả, vô trách nhiệm của người viết. Đặc biệt có những văn bản, quyết định… của cơ quan, tổ chức nếu ban hành trong nội bộ, phát hiện sớm lỗi sai thì còn tự sửa được chứ khi ban hành rộng rãi khắp ngành hoặc địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh thì thật tai hại, mất uy tín.
Trong thời kỳ hội nhập, việc cạnh tranh trong kinh doanh rất khốc liệt, đòi hỏi người chủ kinh doanh nâng cao sự chuyên nghiệp về mọi mặt: chất lượng, hình thức, chăm sóc khách hàng… Nhưng hiện nay nhiều người kinh doanh vẫn quan niệm: “Làm ra nhiều tiền mới đáng trọng chứ chuyện sai lỗi chính tả chỉ là chuyện nhỏ”. Song trên thực tế, sai chuẩn chính tả cũng làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh bởi như anh Vũ Xuân Quý (cư trú ở phường Đoàn Kết) cho biết: Nhìn bảng hiệu hay thực đơn trong các nhà hàng sai lỗi chính tả là tôi có suy nghĩ việc nhỏ như vậy mà còn làm sai thì việc lớn không biết sẽ thế nào nên độ tin cậy giảm đi rất nhiều, tôi sẽ tìm sản phẩm hay dịch vụ của các cơ sở khác uy tín hơn.
Lỗi tại ai?
Trả lời thắc mắc của tôi “Tại sao biển hiệu sai lỗi chính tả không làm lại? hay là không biết bị sai?”, chị Thu Hương (Cửa hàng Tuấn Hương, phường Tân Phong, thị xã Lai Châu) giải thích: “Em cũng biết đó là sai lỗi chính tả, nhưng do nhân viên cửa hàng quảng cáo làm sai. Vì quen biết nên bắt họ làm lại thì em không nỡ nên cứ để vậy”.
Hiện tượng viết sai chính tả có nhiều nguyên nhân: phát âm sai dẫn đến viết sai, dùng quen nên khó sửa hoặc do học sinh hiện nay coi trọng các môn tự nhiên hơn các môn xã hội nên không chú trọng đến chuẩn chính tả… Song có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất đó là cha mẹ, giáo viên tiểu học - những người thầy đầu tiên của các em trong sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt chưa thực sự chú trọng việc dạy, hướng dẫn sử dụng đúng chính tả ngay từ khi các em vẫn còn là “trang giấy trắng”.
Đối với các văn bản giấy tờ vẫn để xảy ra tình trạng sai lỗi chính tả, ngoài nguyên nhân đầu tiên là sự cẩu thả, thiếu kiến thức về chuẩn chính tả của người viết còn là sự thiếu trách nhiệm của người ký duyệt trước khi ban hành văn bản.
Vấn đề sai lỗi chính tả không thể đổ lỗi cho riêng một cá nhân, tổ chức nào mà gia đình – nhà trường - xã hội đều có phần trách nhiệm.
Làm sao đây?
Những năm qua, giao lưu Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số với chủ đề “Tiếng Việt của chúng em”, Hội thi “Viết chữ đẹp” bậc tiểu học… thường xuyên được tổ chức đã góp phần giữ gìn sự trong sáng, chính xác, giàu âm điệu, vẻ đẹp của tiếng Việt; khuyến khích học sinh yêu thích tiếng Việt và luyện chữ đẹp. Đặc biệt với đặc thù tỉnh ta có nhiều dân tộc nên việc tổ chức giao lưu tiếng Việt sẽ giúp học sinh dân tộc thiểu số phát triển các kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết; mở rộng vốn hiểu biết về tiếng Việt. Qua đó các em mạnh dạn, tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt và nghe giảng, sử dụng sách giáo khoa hiệu quả, từ đó học tốt các môn học khác.
Cô giáo Triệu Như Đoan cho biết thêm: Trước tình trạng học sinh sai lỗi chính tả nhiều, là giáo viên văn, trong giờ phụ đạo tôi dạy bổ trợ kiến thức tiếng Việt thêm cho học sinh, thậm chí dạy cách đọc cách viết như học sinh tiểu học. Giờ trả bài viết môn văn, tôi gọi học sinh tự sửa lỗi mắc phải, nếu không sửa được thì các bạn trong lớp cùng tham gia sửa lại cho đúng để học sinh mắc lỗi rút kinh nghiệm.
Thiết nghĩ để đẩy lùi việc sai lỗi chính tả đòi hỏi sự cố gắng tự học của cả thầy và trò, sự quan tâm của gia đình và yêu cầu cao của xã hội. Có vai trò đặc biệt quan trọng là giáo viên tiểu học, bởi “gốc cho vững cây mới bền”. Giáo viên tiểu học cần có giọng nói chuẩn để học sinh có sự chuẩn mực về nghe, viết. Môn chính tả ở bậc tiểu học cần được chú trọng hơn để học sinh đọc thông, viết thạo tiếng Việt. Đó là cơ sở vững chắc giúp các em viết đúng chính tả ở những cấp học sau và viết chính xác tiếng Việt trong suốt cuộc đời. Giáo viên bậc trung học cần đầu tư nghiên cứu phương pháp thích hợp uốn nắn lỗi chính tả cho học sinh và nghiêm khắc khi các em sai lỗi chính tả. Ngoài ra cũng rất cần xã hội, gia đình có thái độ dứt khoát, rõ ràng, lên tiếng phê bình khi ai đó sai lỗi chính tả.
Tin đọc nhiều

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh: Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
Trường Mầm non Bum Tở: Nâng cao chất lượng giáo dục

Chung tay xây dựng xã hội học tập
Họp Ban Quản lý dự án GEM –DGD quý I năm 2025

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình
Nậm Hàng tích cực chăm sóc lúa đông xuân

Nâng cao phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên

Mái ấm cho đồng bào tôi







