

Tự hào quê lúa, đất nghề
Tháng 4/1974, 30 hộ dân đều ở xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình về lập bản Tân Bình tại xã Bình Lư (huyện Tam Đường). Tuy không lên Lai Châu cùng ngày, cùng tháng, cùng năm nhưng đây đều là những hộ thuộc diện được Đảng, Nhà nước vận động đi phát triển kinh tế, văn hóa miền núi.
Được biết, từ những năm 1966, 1967, trong số rất nhiều người con Thái Bình nói riêng, các tỉnh miền xuôi của cả nước nói chung dời quê hương lên lập nghiệp tại Tây Bắc, có 20 hộ thuộc xã Chi Lăng quyết định dừng chân định cư tại huyện Sìn Hồ. Vì khó khăn quá, năm 1974 đã di chuyển xuống xã Bình Lư và cùng với 10 hộ dân (cũng thuộc xã Chi Lăng) ở bản Tiên Bình về lập bản Tân Bình ven cánh đồng bản Pa Pe đất đai rộng, thuận nguồn nước. Căn nguyên của tên gọi Tân Bình khá đặc biệt bởi bà con còn nặng lòng với nơi “chôn nhau cắt rốn”, đồng thời hy vọng về một cuộc sống tốt hơn nơi quê mới.
Ông Nguyễn Đình Huê - Bí thư Chi bộ bản Tân Bình nhớ lại: Khi lập bản, không chỉ Tân Bình mà khắp các vùng của Bình Lư đều rất hoang sơ, cây cối rậm rạp, đất hoang nhiều hơn ruộng vườn; kỹ thuật canh tác lạc hậu, đời sống đồng bào các dân tộc sở tại nghèo nàn, giữ nhiều thói quen lạc hậu trong cuộc sống. Thiếu thốn, cực khổ, nhớ người thân, không ít người con Thái Bình bỏ về quê. Dù vậy, 30 hộ dân xã Chi Lăng nỗ lực bám trụ quê mới với quyết tâm “bắt đất nhả vàng” từ đôi bàn tay cần cù và niềm tin phát huy truyền thống quê lúa, đất nghề.
Với những kinh nghiệm từ trồng lúa, chăn nuôi, làm đậu, nấu rượu tích lũy bao năm, các hộ dân ở bản Tân Bình từng bước khắc phục khó khăn để “biến đất lạ hóa quê hương”. Ông Huê chia sẻ: Nhìn những bãi đất hoang rậm cây cối, ruộng chỉ cấy 1 vụ, cuộc sống thiếu trước hụt sau, chúng tôi cũng rất lo lắng vì thiếu phương tiện sản xuất (chỉ dùng sức người, cuốc xẻng để khai hoang ruộng, làm đất cấy lúa). Nhờ vững niềm tin “có sức người sỏi đá cũng thành công”, đến thời điểm này, lựa chọn gắn bó với quê hương Bình Lư của chúng tôi khẳng định đúng đắn. Nghề truyền thống của quê cũ đã được duy trì, phát huy và trở thành một trong những nguồn thu nhập cao, ổn định, giúp các gia đình nuôi dưỡng, hiện thực hóa ước mơ trên con đường công danh sự nghiệp của bao thế hệ trẻ trong bản. Một điều hiện dân bản vẫn truyền tai và trở thành niềm tự hào bởi Tân Bình, Hưng Bình (100% người Thái Bình) sinh sống cạnh nhau tiên phong thực hiện gieo sạ lúa thành công của xã và hiện nay phương thức sản xuất này được Nhân dân trong và ngoài xã đưa vào áp dụng phổ biến. Đây cũng là 2 bản cung cấp chủ yếu nguồn lương thực, thực phẩm cho thị trường trong huyện, thậm chí cả huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Đổi thay đất nghèo
Bản làng bình yên với những ngôi nhà xây khang trang, trên vườn, dưới ruộng đều phủ màu xanh của ngô, lúa, rau xanh các loại, nhà nào cũng có hệ thống chuồng nuôi lợn kiên cố, chất thải được xử lý khoa học. Đầu giờ sáng, trên những con đường ngõ bản, tiếng xe máy đưa đậu phụ, rau củ các loại ra chợ thị trấn bán, trong từng ngôi nhà, tiếng lợn kêu đòi ăn, tiếng máy xay đỗ làm đậu phụ khiến không gian sống thêm sôi động. Đó là hình ảnh chúng tôi tận mắt chứng kiến khi được anh Huê đưa đi tham quan quanh bản.
Đa dạng các loại cây trồng, Nhân dân bản Tân Bình đã "bắt đất nhả vàng".
Gặp chị Nguyễn Thị Sủi (người dân trong bản) đang thu hoạch rau muống tại vườn nhà. Mảnh vườn tuy không bằng phẳng nhưng gia đình chị đã quy hoạch từng khu vực trồng rau phù hợp như: đất cao hơn trồng đỗ, rau thơm, cải, hành, thấp hơn và thuận nguồn nước thì trồng rau muống. Mùa nào thức nấy, đa dạng các loại rau nên hầu như ngày nào chị cũng có thu nhập.
Trong câu chuyện, chị Sủi kể: Năm 1964, khi ấy tôi mới được 4 tuổi đã theo bố mẹ lên xây dựng kinh tế mới ở bản Tiên Bình. Lớn lên lấy chồng tại bản Tân Bình và gắn vó với mảnh đất này đến nay. Dù cuộc sống giờ đây đã đủ đầy, con cái trưởng thành nhưng trong tâm trí tôi chưa bao giờ quên những ngày khốn khó khi mới lập bản để lấy đó làm động lực răn dạy các con quý trọng những thành quả của thế hệ cha ông năm xưa, phấn đấu vươn lên trong lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn. Theo lời kể của chồng tôi là ông Nguyễn Đình Lân, mặc dù đất sản xuất một phần của dân sở tại nhượng lại và khai hoang thêm nhưng do thói quen sản xuất 1 vụ, thả rông gia súc của bà con các bản lân cận, nhất là bản Pa Pe, Nà Đon nên ngô, lúa trồng vụ hè thu, thu đông gần như không được thu. Cuộc sống thiếu trước hụt sau kéo dài đến vài năm, do vậy, bản tổ chức họp, bàn chuyển đổi phương thức làm ăn: tập trung phát triển nghề phụ truyền thống của quê hương; vận động, hướng dẫn Nhân dân sở cùng thực hiện thâm canh tăng vụ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Quan trọng nhất là dân bản phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng vươn lên.
Đối với sản xuất nông nghiệp, trước khi vào vụ, các hộ dân bàn, thống nhất giống lúa, ngô gieo trồng; cách thức bảo vệ đảm bảo gia súc không phá hoại và đạt năng suất cao. Trong quá trình triển khai, vận động các hộ dân ở bản lân cận cùng làm và chăn thả gia súc trên bãi. Đối với giống lúa mới, Chi bộ, trưởng bản, các đoàn thể tổ chức họp dân, lấy ý kiến và lựa chọn 4 - 5 hộ có ruộng gần nhau gieo cấy thí điểm, sau khi thành công mới nhân rộng.
Nhận thấy gieo mạ, nhổ và cấy theo truyền thống tốn thời gian, công lao động, học tập kinh nghiệm sản xuất của quê hương và một số địa phương trong và ngoài tỉnh, bà con mạnh dạn chuyển sang gieo sạ. Nhờ đó, hơn 10 năm qua, thời gian gieo trồng 21ha lúa (trong đó 13ha lúa 2 vụ) của nông dân Tân Bình được rút ngắn; các giống lúa chất lượng cao: séng cù, tám thơm... được đưa vào sản xuất đại trà. Ngoài ra, 10ha ngô cũng được luân canh 2 - 3 vụ/năm.
Diện tích đất sản xuất có hạn, Nhân dân trong bản đầu tư làm đậu phụ, nấu rượu để tận dụng phụ phẩm kết hợp với nông sản dư thừa chăn nuôi lợn. Với những “bí quyết” riêng, hiện nay sản phẩm đậu phụ của người Thái Bình tại 2 bản: Tân Bình và Hưng Bình ngon nổi tiếng trên địa bàn huyện Tam Đường. Với khoảng 40 hộ ở 2 bản làm đậu phụ, mỗi ngày xuất ra thị trường trong tỉnh và huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai từ 100 - 150kg đậu phụ thành phẩm. Riêng chăn nuôi quy mô lớn từ 50 - 100 con lợn/lứa ở Tân Bình cũng có đến trên 10 hộ và là 1 trong 2 bản của xã Bình Lư cho nghề chăn nuôi phát triển nhất. Đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, các hộ chăn nuôi thường ở cạnh suối, cánh đồng hoặc đưa ra trại chăn nuôi lợn tập trung ở giữa cánh đồng do xã quy hoạch. Nhờ chú trọng phát triển kinh tế, đến nay, trong tổng số 53 hộ thì Tân Bình chỉ còn 3 hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội; chủ yếu là hộ khá, giàu.
Đời sống vật chất đảm bảo, Nhân dân quan tâm nâng cao đời sống tinh thần thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Không chỉ thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; tích cực tham gia đóng góp các loại quỹ do tổ chức hội, đoàn thể phát động; phối hợp với lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự địa phương. Cùng với đó, góp ngày công, hiến đất cùng Nhà nước xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn khu dân cư.
Ông Huê cho biết thêm: Dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng tính cố kết cộng đồng, sự bao bọc, thương yêu xóm làng tôi nghĩ hiếm có nơi nào như Tân Bình. Bao năm nay, gia đình nào tìm hiểu được phương thức làm ăn mới hay kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm của nghề phụ đều truyền đạt, chia sẻ lại cho nhau. Nhà này thấy nhà kia làm hiệu quả cũng mạnh dạn, chủ động học tập, làm theo. Riêng việc hiếu, hỉ, cả bản tập trung giúp đỡ, hỏi thăm, chia sẻ, động viên. Nhờ đó, hằng năm trên 80% hộ đạt danh hiệu văn hóa, bản duy trì nhiều năm liền đạt bản văn hóa.
Thái Bình - 2 tiếng thân thương ấy dù đi xa lập nghiệp và không có ý định về lại để định cư khi tuổi xế chiều nhưng những người con xa quê ở Tân Bình vẫn luôn nhắc nhớ về nguồn cội không chỉ trong tâm thức và còn hiện thực hóa bằng việc duy trì, phát triển nghề truyền thống. Và, thêm khẳng định, người Thái Bình dù đi đâu, ở đâu trên mảnh đất Lai Châu cũng luôn thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước là đi xây dựng vùng kinh tế mới. Từ đó, cùng với Nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc tụ họp về mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc, chung sức cùng Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc sở tại địa phương xây dựng Tam Đường nói riêng, Lai Châu nói chung ngày càng giàu mạnh.
Tin đọc nhiều

Biểu dương điển hình “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với phong trào thi đua Hội LHPN các cấp thành phố Lai Châu năm 2025

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Yoga lần thứ XI, năm 2025

Chương trình “Tuổi trẻ Quảng Ngãi vì biển, đảo quê hương năm 2025” tại Vùng 3 Hải quân

Xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh

Trường Mầm non Sùng Phài: Đón bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1
Phát động tháng hành động vì trẻ em năm 2025

Lấy ý kiến nhân dân về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV

Trao tặng tủ sách HOU cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp tỉnh






