

Lê Lợi là xã cửa ngõ phía Đông huyện Nậm Nhùn, có diện tích hơn 3.200ha, dân số trên 1.500 người, 98% là đồng bào dân tộc Thái. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và khai thác thủy sản. Do điều kiện tự nhiên và kinh tế còn hạn chế, nhiều gia đình trong xã vẫn phải sống trong những ngôi nhà tranh tre tạm bợ, đặc biệt dễ hư hỏng vào mùa mưa bão. Ngay sau khi có Công điện số 102/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc, xã Lê Lợi đã chủ động vào cuộc. Ban Chỉ đạo cấp xã được thành lập do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Xã tiến hành rà soát kỹ lưỡng và xác định có 35 hộ cần hỗ trợ (trong đó 19 hộ xây mới, 16 hộ sửa chữa). Đáng chú ý, toàn bộ các hộ đều hoàn thành trước thời hạn, vào ngày 15/5/2025, vượt tiến độ một tháng so với kế hoạch của huyện. Tổng kinh phí thực hiện chương trình đạt hơn 3,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 2,1 tỷ đồng; 22 hộ dân tham gia đóng góp đối ứng hơn 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội trong xã đã huy động 380 ngày công, 66 khối cát, 12 khối đá và nhiều vật liệu khác hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà. Công an tỉnh hỗ trợ xây dựng 1 ngôi nhà, lực lượng dân quân hỗ trợ tháo dỡ nhà cũ, vận chuyển vật liệu, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Những ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp ngoài sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước còn có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng ở xã Lê Lợi.
Ông Lò Văn Sinh – Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát xã Lê Lợi cho biết: "Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không chỉ giúp người dân có nơi ở an toàn, ổn định mà còn góp phần nâng cao niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp. Chúng tôi xác định rõ vai trò trách nhiệm của từng cán bộ, từng đoàn thể, từ đó triển khai đồng bộ, quyết liệt và minh bạch trong từng khâu. Xã Lê Lợi cũng là xã đầu tiên trên địa bàn huyện Nậm Nhùn hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát."
Bên cạnh nguồn hỗ trợ từ cấp trên, xã đã có nhiều cách làm sáng tạo và linh hoạt như: phân công cán bộ phụ trách từng hộ, từng bản; ký hợp đồng với nhóm thợ cho các hộ thiếu nhân lực; phối hợp với các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ ngày công, vật liệu xây dựng. Việc kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc, công khai danh sách tại các nhà văn hóa bản để người dân theo dõi, giám sát.
Ông Điêu Văn Táng – bản Phiêng Ban bày tỏ: "Nhà cũ của tôi mùa mưa thì dột, mùa đông gió lùa, lạnh thấu xương. Nay nhờ có Đảng, chính quyền và các đoàn thể giúp đỡ, nhà tôi đã được xây mới, kiên cố, vợ chồng tôi yên tâm sản xuất, nuôi con cái ăn học." Còn bà Lò Thị Tuyến - phụ nữ đơn thân ở bản Chang xúc động chia sẻ: "Tôi bệnh tật, sức yếu, không người thân, tưởng như chẳng bao giờ có được ngôi nhà lành lặn. Vậy mà hơn một tháng, mọi thứ đã thay đổi. Các chị em phụ nữ trong xã đến nấu cơm, các anh dân quân giúp vận chuyển, xây dựng. Tôi biết ơn Đảng, Nhà nước và bà con hàng xóm nhiều lắm."
Ngoài kết quả cụ thể, chương trình còn tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Những ngôi nhà mới khang trang là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, sẻ chia, là biểu tượng của nỗ lực vì người nghèo. Đây cũng là công trình có ý nghĩa thiết thực chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hướng tới Đại hội Đảng các cấp. Bài học từ thành công của xã Lê Lợi cho thấy: chỉ cần có quyết tâm chính trị cao, sự phối hợp đồng bộ, phát huy sức mạnh toàn dân thì những việc tưởng chừng khó khăn nhất cũng sẽ trở thành hiện thực. Trong đó, việc nâng cao nhận thức cộng đồng, huy động nguồn lực xã hội hóa, thực hiện công khai minh bạch và kiểm tra sát sao là những yếu tố then chốt giúp chương trình thành công.
Xã Lê Lợi hôm nay không chỉ có những mái nhà vững chãi hơn, mà còn có niềm tin bền vững hơn của nhân dân vào chính quyền, Đảng bộ. Đây là minh chứng sống động cho sự thành công của chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát – một trong những bước tiến quan trọng hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới toàn diện và phát triển.
Tin đọc nhiều
Đoàn Famtrip khảo sát, quảng bá vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu năm 2025

Biểu dương điển hình “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với phong trào thi đua Hội LHPN các cấp thành phố Lai Châu năm 2025

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Yoga lần thứ XI, năm 2025

Chương trình “Tuổi trẻ Quảng Ngãi vì biển, đảo quê hương năm 2025” tại Vùng 3 Hải quân

Xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh

Trường Mầm non Sùng Phài: Đón bằng công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1
Phát động tháng hành động vì trẻ em năm 2025

Lấy ý kiến nhân dân về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV






