

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 67 vụ tai nạn giao thông, làm chết 49 người và 82 người bị thương. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông là do người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia dẫn đến đi chiếm phần đường, vượt xe sai quy định, chạy quá tốc độ quy định... Việc lạm dụng rượu, bia còn là nguyên nhân dẫn đến bạo lực, đổ vỡ gia đình, suy giảm chất lượng cuộc sống.
![]() |
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ tư vấn cho bệnh nhân loạn thần do rượu. |
Trường hợp chị N.T.D ở bản Pa So, thị trấn Phong Thổ là một điển hình. Chồng chị (L.V.T) là người nghiện rượu nặng. Mỗi lần say, T. đánh đập vợ con, có lần đánh chị D. tím mặt, gãy tay và còn xé sách vở của con. Chị H. (hàng xóm của chị D.) cũng là nạn nhân cho những cơn say của chồng. “Nhiều hôm chồng tôi đi ăn, uống với bạn bè say, về nhà chửi chán lại quay ra đánh tôi. Có lần còn cầm dao dọa giết tôi, may mà có hàng xóm đến khuyên can kịp…” - chị H. tâm sự.
Đối với những trường hợp có chồng nghiện rượu, gánh nặng gia đình đè nặng lên vai người phụ nữ. Chị D. cho chúng tôi biết: “Chồng tôi không chịu làm ăn nên không có tiền. Tôi làm lụng vất vả mới được ít thóc. Cả nhà ăn uống, sinh hoạt phải thật tiết kiệm mới đủ, nhưng chồng tôi mang thóc, gạo đi bán lấy tiền uống rượu. Những ngày đầu tôi tưởng mất cắp, nhưng một lần đi làm nương về thấy chồng đang bán thóc cho dân bản, tôi mới vỡ lẽ”.
Do suốt ngày chìm trong men rượu nên T. sinh bệnh, gia đình chị D. vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn vì phải lo tiền chữa bệnh cho chồng. Cháu L.T.D (con gái chị D.) vừa khóc vừa nói: “Bố làm khổ mẹ, khổ chúng cháu lắm. Đi đâu mà mọi người hỏi đến bố, cháu lại thấy buồn”.
Trường hợp chị L.C.T ở xã Tả Phìn (huyện Sìn Hồ) còn đáng thương hơn. Trước kia chồng chị suốt ngày say khướt rồi về đánh vợ, con. Khi mắc bệnh do lạm dụng rượu, không còn sức để làm việc gì nữa, chồng chị nằm một chỗ chửi bới. Nhìn cảnh chị T. đỡ người chồng toàn thân run rẩy ngồi dậy uống thuốc, tôi thấy thương chị và những đứa con của chị.
Trao đổi với chúng tôi, chị Lê Thị Bích - Phó Khoa Tâm thần (Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh) cho biết: “Những người uống rượu, bia quá mức lâu ngày sẽ dẫn đến loạn thần. Họ bị rối loạn cảm xúc, xuất hiện những biểu hiện như lo sợ, khóc, hay kể chuyện cũ… Đặc biệt xuất hiện chứng hoang tưởng, ảo tưởng dẫn đến sự ghen tuông mù quáng, đánh vợ con, đập phá nhà cửa. Trên thực tế tại tỉnh ta rất nhiều người bị mắc chứng loạn thần do rượu, nhưng do tư tưởng bảo thủ, xấu hổ nên không đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, dẫn đến việc giám sát, quản lý bệnh nhân có triệu chứng tâm thần do rượu gặp rất nhiều khó khăn”.
Từ thực trạng trên cho thấy việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, thực hiện tốt công tác phòng chống loạn thần do rượu là cần thiết. Đây không chỉ là trách nhiệm của các gia đình mà là trách nhiệm của cả cộng đồng để mỗi gia đình, cá nhân không phải chịu nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, mất đi những người thân do lạm dụng rượu.
Tin đọc nhiều

Sơn Bình: 1 người tử vong và 1 người hôn mê sâu do ăn nấm độc

Lễ phát động hiến máu tình nguyện hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện
Thành phố Lai Châu: Chủ động phòng, chống dịch sởi
Nỗ lực đẩy lùi bệnh lao ra khỏi cộng đồng
“Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn”
Quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thăm, làm việc tại tỉnh Lai Châu

Sin Suối Hồ nỗ lực phòng, chống bệnh sởi







