

Cán bộ Đội phòng chống dịch – Trung tâm y tế huyện Than Uyên hướng dẫn các bé trường Mầm non số 1 thị trấn Than Uyên vệ sinh cá nhân
Kể từ khi phát hiện ca đầu tiên nghi mắc bệnh T-C-M vào ngày 27/8 (bệnh nhân Lù Ánh Nguyền, 18 tháng tuổi, bản Nậm Bon, xã Hua Nà), từ ngày 6/9 - 31/10, đã có thêm 17 bé cũng nhập viện với biểu hiện tương tự bé Nguyền: sốt cao kèm theo các nốt phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông.
Cán bộ Đội phòng chống dịch – Trung tâm Y tế huyện Than Uyên tiến hành khử trùng CloraminB ở trường Mầm non số 1 thị trấn Than Uyên.
Đặc biệt đầu tháng 11/2011 Trung tâm Y tế huyện đã tiếp nhận 10 ca bệnh nhân nghi mắc bệnh T-C-M chủ yếu tập trung ở các trường: Mầm non số 1, Mầm non số 2 (thị trấn Than Uyên), Mầm non số 1 Mường Than, Mầm non Cẩm Trung xã Mường Than… Tính đến ngày 16/11 trên địa bàn huyện đã có 28 ca nghi mắc bệnh T-C-M chủ yếu là trẻ em dưới 3 tuổi. Tất cả các trường hợp trên đều được cách ly và điều trị theo phác đồ T-C-M. Hiện nay tình trạng sức khỏe của các cháu đã ổn định không xảy ra các biến chứng nặng.
Được biết, ngay sau khi nhận được tin thông báo, Đội Y tế Dự phòng huyện phối hợp với trạm y tế xã, y tế thôn bản, y tế học đường thành lập các tổ điều tra, xác minh nguyên nhân gây bệnh. Tiến hành khử trùng bằng CloraminB ở xung quanh nhà, các trường THCS, tiểu học, mầm non trên địa bàn huyện; tổ chức lau bàn ghế, dụng cụ của học sinh và khuyến cáo tới nhân dân phòng chống bệnh T-C-M cho con em mình.
Tại phòng cách ly – Trung tâm Y tế huyện, trong tâm trạng lo âu, mẹ của bệnh nhân Nguyễn Gia Huy (4 tuổi, học sinh Trường Mầm non số 1 Mường Than, xã Mường Than) chia sẻ: “Ngày 12/11 gia đình phát hiện trên tay cháu xuất hiện các nốt phỏng. Do chủ quan nên gia đình cứ nghĩ cháu bị muỗi đốt. Nhưng đến hơn 21 giờ thì cháu có biểu hiện rất mệt mỏi, ăn uống kém và hay quấy khóc; chảy nước dãi, sốt cao và nổi mụn ở lòng bàn T-C-M. Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng về bệnh T-C-M và thấy con cũng có biểu hiện tương tự nên sáng hôm sau gia đình đưa cháu đi khám tại Trung tâm Y tế huyện. Tại đây, các bác sỹ đã khám sàng lọc và điều trị theo phác đồ tương tự bệnh T-C-M. Hiện tại tình trạng sức khỏe của cháu đã ổn định, các mụn ở T-C-M đã hết, ăn uống bình thường và không còn quấy khóc”.
Nhờ xác định rõ các bé trong độ tuổi mầm non là đối tượng có nguy cơ mắc T-C-M cao nhất nên tất cả các cô giáo mầm non đều được tập huấn, hướng dẫn cách phòng chống bệnh, vệ sinh, khử khuẩn trường lớp. Đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, bản của 11 xã, thị trấn cũng tích cực vận động, tuyên truyền cho bà con, nhất là các gia đình có trẻ nhỏ giữ vệ sinh sạch sẽ cho các cháu, không để mầm bệnh có nguy cơ lây lan. Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành cấp 50kg thuốc Cloramin B cho 11 xã, thị trấn trân địa bàn huyện để tiến hành phun khử khuẩn ở các trường, lớp; tập huấn cho 45 lượt người là cán bộ phòng khám, trưởng trạm y tế xã, thư ký phòng chống dịch ở tuyến xã, cán bộ đội phòng chống dịch… Đây là biện pháp phòng tránh cần thiết để kiểm soát bệnh gia tăng ngay từ cơ sở.
Chị Phùng Thị Hằng – cán bộ Trạm Y tế xã Hua Nà cho biết: “Sau khi tại xã xuất hiện ca đầu tiên nghi mắc bệnh T-C-M, đến nay xã đã có 5 trường hợp mắc. Trạm đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền kết hợp với họp bản để bà con có kiến thức về bệnh T-C-M. Bên cạnh đó, công tác vận động vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể cũng được tăng cường. Nhờ vậy, người dân ở xã Hua Nà bây giờ đã hiểu tương đối rõ về bệnh T-C-M và cách phòng ngừa”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Quang – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Than Uyên cho biết: “Trước những diễn biến phức tạp của bệnh T-C-M, Trung tâm đã chỉ đạo các trạm y tế xã phối hợp với các trường học, ban ngành đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền về biểu hiện, mối nguy hiểm của bệnh T-C-M để các bậc phụ huynh, bà con hiểu. Thực hiện tốt công tác giám sát dịch tễ, phát hiện sớm các ca mắc bệnh ngay tại thôn bản, trường học để cách ly và điều trị kịp thời. Đồng thời hướng dẫn các trường học cách phòng bệnh, lau chùi khử khuẩn lớp học, dụng cụ, đồ dùng cho học sinh, phối hợp cùng trạm y tế giám sát, nắm bắt tình hình học sinh để kịp thời phát hiện, cách ly sớm các trường hợp bị bệnh. Nhờ triển khai quyết liệt và kịp thời các biện pháp, trên địa bàn huyện chưa có trường hợp mắc bệnh nào bị tử vong”.
Hiện nay Trường Mầm non số 1 – thị trấn Than Uyên đã có 3 bé nghi mắc bệnh T-C-M, sau khi phát hiện các bé có biểu hiện của bệnh cô giáo đã thông báo với gia đình để đưa các bé đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời. Nhằm hạn chế thấp nhất sự lây lan của bệnh, ngày 11/11 Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành khử trùng bằng cloraminB xung quanh trường, đồ chơi của trẻ và tiến hành khám sàng lọc cho các bé để phát hiện giám sát, xử lý cách ly kịp thời khi xuất hiện các ca nhiễm mới.
Để thực hiện việc phòng chống dịch T-C-M hiệu quả, quan trọng nhất là các bậc cha mẹ, người dân cần chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, góp phần hạn chế không để bệnh bùng phát thành dịch lớn.

Tăng cường truyền thông bình đẳng giới – Lan tỏa thông điệp nhân văn trên địa bàn tỉnh

Bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong mùa mưa

Thị trấn Nậm Nhùn: Xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc
Lan tỏa giá trị nhân văn từ hành trình chữa lành cho những trẻ em kém may mắn

Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sửa Pháp lệnh Dân số, bỏ quy định sinh 1 hoặc 2 con
Tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, Covid-19 và dịch bệnh mùa mưa bão

Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em

Đẩy mạnh công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên




