Thứ ba, 08/10/2024, 22:06 [GMT+7]

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm đóng gói sẵn

Thứ tư, 29/05/2024 - 16:37'
Bước vào mùa hè, thời tiết oi bức kèm theo độ ẩm cao chính là điều kiện lý tưởng để các loại vi khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn trong đường tiêu hóa phát triển nhanh chóng.

Trong đó, các thực phẩm bán sẵn được đóng hộp, đóng túi nilon hút chân không... tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc

WHO khuyến cáo việc tự hút chân không đóng gói thực phẩm có thể không đảm bảo an toàn.

WHO khuyến cáo việc tự hút chân không đóng gói thực phẩm có thể không đảm bảo an toàn.

Nguy cơ từ thực phẩm đóng hộp “handmade”

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động đối với cả các cấp quản lý và người tiêu dùng. Đặc biệt, một số vụ ngộ độc có số lượng lên tới hàng trăm người liên quan đến các loại thức ăn vặt đường phố, thức ăn đóng gói sẵn dạng “handmade”...

Hiện các loại thức ăn vặt, thực phẩm chế biến sẵn kiểu "handmade" được nhiều bà nội trợ rất ưa chuộng, phần vì cuộc sống hiện đại quá bận rộn, phần vì thức ăn sẵn chế biến nhanh, tiện lợi, đa dạng khẩu vị, dễ dàng lên mâm, làm phong phú thêm bữa ăn hằng ngày của cả gia đình.

Tại các siêu thị lớn nhỏ, hay các cửa hàng thực phẩm đều bày bán các loại thực phẩm đóng gói đa dạng và phong phú, từ các loại thịt heo, thịt bò, cá tôm, pate đến các loại salad rau củ, trái cây... Tuy biết những loại thực phẩm này kém “tươi” hơn so với thực phẩm tươi sống, hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn nhưng vẫn “hút” khách nhờ đáp ứng được đa dạng khẩu vị của người tiêu dùng.

Bên cạnh việc chọn mua thực phẩm đóng gói sẵn từ các siêu thị, cửa hàng, nhiều bà nội trợ cũng có xu hướng chọn mua thực phẩm chế biến sẵn qua mạng xã hội. Loại hình mua bán này rất thuận tiện nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm từ nguyên liệu, phụ gia khó kiểm soát đến các điều kiện chế biến, bảo quản không bảo đảm vệ sinh...

Trên thực tế, các loại thực phẩm bán trên mạng, nhất là thức ăn chế biến sẵn, “món nhà làm” đang bị thả nổi về chất lượng. Hình thức kinh doanh đồ ăn online nhỏ lẻ thường không có giấy phép, không chứng nhận an toàn thực phẩm, không địa chỉ chính xác, chỉ làm theo mùa vụ hoặc rao bán qua trung gian. Chất lượng sản phẩm chỉ được chủ cửa hàng... cam đoan bằng miệng, khó kiểm chứng. Đặc biệt, hiện nay nhiều loại thực phẩm đóng gói sẵn ăn liền được tẩm ướp khéo léo, khẩu vị chua cay, mặn ngọt “vừa miệng” như trứng gà, chân vịt, cánh gà, xúc xích... rất “hút” giới trẻ, nhiều món trong đó có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng không được nhập khẩu chính ngạch.

Khó kiểm soát thực phẩm đóng gói bán sẵn

Bà Phạm Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm khuyến cáo, hiện nay việc kiểm tra xử lý các thực phẩm chế biến sẵn “nhà làm” hay các loại thực phẩm đóng gói có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng không được nhập khẩu chính ngạch bán trên mạng xã hội gặp nhiều khó khăn vì địa chỉ bán hàng không rõ ràng, bán hàng ở một nơi, kho xưởng lại ở nơi khác và chủ yếu bán dạng giao hàng tại nhà.

Do đó, lực lượng chức năng cũng tăng cường tuyên truyền tại các tổ dân phố để người dân khi mua sắm trên mạng, đặc biệt là lựa chọn thực phẩm đóng gói sẵn cần có nhận thức đúng, lựa chọn hàng đủ tiêu chuẩn vì nguy cơ mất an toàn thực phẩm hay bị trà trộn hàng giả, hàng nhái rất cao.

“Thậm chí, qua kiểm tra thực tế một số địa chỉ kinh doanh thực phẩm sạch nhỏ lẻ trên địa bàn, cơ quan chức năng phát hiện nhiều loại thực phẩm đóng gói bán sẵn không có chứng từ chứng minh nguồn gốc, cũng như chất lượng hàng hóa chưa bảo đảm được tiêu chí sạch, an toàn thực phẩm. Vì vậy, người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm sạch ở những địa chỉ tin cậy, có địa điểm cố định, đủ giấy tờ đăng ký kinh doanh. Sản phẩm đóng gói sẵn có nhãn mác thể hiện thành phần, hạn sử dụng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng... tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” mà không biết kêu ai” - Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh.

Ngoài nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, các loại thực phẩm đóng hộp thường ít dinh dưỡng, hàm lượng vitamin thấp nhưng lại dư thừa chất béo và đặc biệt chứa hàm lượng muối cao. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhu cầu muối của một người trong một ngày khoảng 5g, tuy nhiên, một số sản phẩm thực phẩm hiện nay có xu hướng bổ sung hàm lượng muối cao hơn dẫn tới việc lượng muối đưa vào cơ thể thông qua sử dụng các sản phẩm đồ hộp vượt quá khuyến cáo. Vì vậy, việc lạm dụng các loại thực phẩm đóng gói sẵn còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra các bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch, huyết áp, thừa cân béo phì...

Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng không nên quá lạm dụng sản phẩm đóng hộp. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người tiêu dùng nên mua các sản phẩm có hạn sử dụng dài ngày và sử dụng chúng trước khi hết hạn sử dụng. Ngoài ra, khi mua đồ hộp về nên ăn hết ngay sau khi mở nắp. Những hộp thực phẩm đã mở nhưng chưa sử dụng hết cũng không nên dùng lại vì khi đó vi khuẩn dễ tấn công gây hư hỏng làm biến chất thực phẩm, không tốt cho sức khỏe.

Theo HNM

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...