Thứ hai, 07/10/2024, 09:45 [GMT+7]

Tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp phát triển

Thứ năm, 14/03/2024 - 10:48'
Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn, huyện Phong Thổ chú trọng triển khai CĐS trong lĩnh vực: nông nghiệp, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và an ninh trật tự. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp phát triển.

Thực hiện CĐS, Văn phòng UBND huyện triển khai và sử dụng hiệu quả hệ thống quản lý văn bản, điều hành và ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100 lãnh đạo, cán bộ chuyên môn thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận “một cửa” ở các cơ quan, tổ chức và cá nhân, UBND các xã, thị trấn để xử lý hồ sơ công việc. Anh Trần Thế Vĩ - Phó Chánh Văn phòng UBND huyện cho biết: Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo CĐS huyện, Văn phòng luôn nỗ lực thực hiện CĐS. Thay vì tổ chức họp, các văn bản phải in ra để duyệt và trình ký trực tiếp, thậm chí các văn bản quản lý, điều hành muốn gửi cho các xã, thị trấn hoặc các phòng, ban, trước đây phải in ra và gửi qua văn thư, bưu điện thì nay đã thực hiện 100% trên máy tính và qua hệ thống quản lý văn bản, điều hành, ứng dụng chứng thư số, chữ ký số. Nhờ đó, công việc được giải quyết thuận lợi, nhanh chóng và dù ở bất kỳ đâu chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối máy tính là có thể giải quyết công việc, trình ký; các đồng chí lãnh đạo huyện ký bằng chữ ký số rất tiện lợi. Đồng thời, để thuận tiện cho việc trao đổi công việc, văn phòng thành lập nhóm zalo; triển khai phòng họp không giấy; cấp 100% chữ ký số cho lãnh đạo, cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC. Nhờ đó, mỗi năm tiết kiệm gần 2 tỷ đồng tiền văn phòng phẩm. Bên cạnh đó, chỉ đạo Bộ phận nhận và trả kết quả ‘Một cửa” của huyện triển khai 100% các TTHC từ tiếp nhận với thanh toán đều trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia.

Bộ phận “một cửa” huyện hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia trên điện thoại.

Có mặt tại Bộ phận “Một cửa” huyện vào đầu giờ chiều thứ 2 cuối tháng 2, chúng tôi thấy người dân tới đây giao dịch khá đông. Anh Tẩn Láo Tả ở bản Sì Choang (xã Vàng Ma Chải) vừa tới để đăng ký thành lập hộ kinh doanh. Anh Tả cho biết: Trước đây, thực hiện các giao dịch về TTHC, tôi thường phải chuẩn bị nhiều giấy tờ và xếp hàng chờ tới lượt để cán bộ ở đây nhập thủ tục. Sau đó, cầm giấy hẹn về tới ngày ra lấy kết quả. Thế nhưng giờ đã khác, tôi chỉ cần chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ ở nhà và chụp ảnh qua điện thoại. Tới đây được cán bộ hướng dẫn, tôi trực tiếp thao tác thực hiện đăng ký thành lập hộ kinh doanh trên điện thoại của mình và thanh toán trực tuyến là xong. Giấy hẹn cũng có trên hệ thống và kết quả thì được trả trực tiếp theo địa chỉ đã đăng ký, không cần tới lấy như trước. Đây là lần đầu tôi đăng ký qua điện thoại qua Cổng dịch vụ công quốc gia nên mới phải tới đây. Nhưng sau lần hướng dẫn này của cán bộ Bộ phận “Một cửa” thì thời gian tới nếu giao dịch các TTHC tôi chỉ ở nhà và thao tác qua điện thoại hoặc máy tính. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS thật sự rất hữu ích, tiện lợi.
Từ đẩy mạnh CĐS, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến và thanh toán trực tuyến tăng cao. Năm 2023, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của huyện tiếp nhận 7.549 hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đạt 77,54%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt trên 40%. Thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên cổng dịch vụ công quốc gia phát sinh hồ sơ đạt tỷ lệ 35% trên tổng số xã.
Đến nay, 100% cơ quan hành chính Nhà nước ở cả 2 cấp huyện, xã duy trì sử dụng hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và điều hành để xử lý hồ sơ công việc. Phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức được triển khai đồng bộ, thống nhất đến 100% các cơ quan Nhà nước để cập nhật, quản lý, theo dõi và khai thác thông tin hồ sơ.
Theo ông Trần Bảo Trung - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện: Đẩy mạnh CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện chú trọng thực hiện kinh tế số. Huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh xây dựng các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ và hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử Portmart.vn, Smartgap.vn và Voso.vn. Đến nay, huyện đã hỗ trợ 5 doanh nghiệp, HTX đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Tiêu biểu như: chè cổ thụ của HTX Xín Chải, Biên Cương; gạo lương phửng của HTX Nông sản Phong Thổ. Bên cạnh đó, huyện cũng đã chỉ đạo các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch thực hiện thu tiền qua mã QR Code. Hiện, 90% các cơ sở đã đăng ký, triển khai mã QR Code để thực hiện sử dụng không dùng tiền mặt. Đặc biệt, đẩy mạnh CĐS trong lĩnh vực an ninh trật tự, năm 2023 huyện đầu tư 700 triệu đồng lắp đặt hệ thống camera an ninh tại khu vực tuyến đường trung tâm huyện. Các hình ảnh sẽ được kết nối tới máy tính trung tâm thuận tiện cho việc lưu giữ hình ảnh, video phục vụ cho công tác điều tra khi cần.
Với những nỗ lực và quyết tâm thực hiện mục tiêu CĐS của huyện Phong Thổ đã và đang từng bước góp phần quan trọng vào lộ trình CĐS của tỉnh. Nhất là với những nỗ lực trong CĐS ở lĩnh vực giải quyết TTHC và nông nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, thu hút các nhà đầu tư và quảng bá tiềm năng, thế mạnh của huyện tới bạn bè trên cả nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

V.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...