

Hoang Thèn là xã vùng thấp của huyện Phong Thổ, nơi đây có 98,8% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (Dao, Mông, Thái). Do trình độ nhận thức còn hạn chế, trước đây trong sản xuất nông nghiệp người dân chủ yếu sử dụng giống địa phương, theo hình thức “tự cung, tự cấp”, manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, hiệu quả kinh tế không cao. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ hộ nghèo của xã ở mức cao, bài toán “xóa đói, giảm nghèo” còn là thách thức.
Quyết tâm đi tìm lời giải, cấp ủy, chính quyền xã nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế như: chương trình 30a/Cp, 135/CP, xây dựng nông thôn mới, vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt, từ khi Bộ Chính trị triển khai Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và sau này là Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ủy xã triển khai nghiêm túc bằng nhiều hình thức.
Nhiều sườn núi ở Hoang Thèn được phủ màu xanh của cây mía lấy đường.
Đồng chí Chang Thanh Bình – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoang Thèn cho biết: “Chúng tôi tổ chức quán triệt, triển khai đầy đủ các chuyên đề hàng năm đến cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân. Cụ thể việc học và làm theo Bác thông qua việc đăng ký, thực hiện hàng ngày phù hợp với chức trách nhiệm vụ được giao. Cụ thể, mỗi cán bộ, đảng viên đảm nhiệm tốt công việc, thời gian ngoài giờ hành chính có thể cùng gia đình tăng gia sản xuất trên tinh thần “Đảng viên đi trước nêu gương”. Bà con nông dân học Bác đức tính cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, mạnh dạn ứng dụng giống mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, cung ứng ra thị trường”.
Những năm gần đây, việc học tập và làm theo Bác đã tạo nên phong trào thi đua phát triển kinh tế sôi nổi trong đông đảo Nhân dân. Từ khắp các bản, nông dân chuyển từ việc trồng lúa, ngô là chính sang trồng cây ăn quả, trồng sắn, nghệ đen, riềng. Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng trong 5 năm (2015-2020) diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt của xã giảm 378ha, còn lại 302,25ha. Toàn bộ diện tích giảm được chuyển sang trồng cây ăn quả và một số cây trồng khác, nâng tổng diện tích cây ăn quả của xã lên 397,2ha (tăng 211,2ha so với năm 2015). Trong đó, chuối là cây trồng chính chiếm 90% diện tích, năng suất trung bình 12 tấn/ha, sản lượng trên 3.500 tấn/năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gần đây, khi xã ký kết hợp đồng với Hợp tác xã nông sản Lai Châu (huyện Phong Thổ) về việc bao tiêu sản phẩm, người dân 5/9 bản đưa cây mía lấy đường vào trồng trên đất nương, vườn gần nhà (tổng diện tích 50ha). Ngay trong năm 2020, năng suất mía đã đạt 100 tấn/ha, với giá bán 1.000 đồng/kg, mỗi héc - ta sau khi trừ chi phí mang lại thu nhập vài chục triệu đồng cho nông dân, tạo nên nét mới nổi bật trong quá trình phát triển kinh tế của xã. Bên cạnh đó, diện tích đất trồng sắn (20ha), đậu tương (5ha), lạc (10ha) duy trì ổn định qua các năm. Hiện nay, trên địa bàn hình thành những khu vực sản xuất hàng hóa: mía lấy đường ở 3 bản: Lèng Suôi Chin, Huổi Luông, Xin Chải; chuối ở các bản: Mồ Sì Câu, Huổi Luông, Séo Lẻn, Hoang Thèn; lúa ở Nậm Cáy, Huổi Luông.
Để hiểu hơn về xã, chúng tôi cùng đồng chí Chủ tịch UBND vượt qua chặng đường dốc, quanh co, nhiều khúc cua, xuyên qua những nương chuối để đến thăm bà con Nhân dân 2 bản: Lèng Suôi Chin và Xin Chải. Trên các sườn núi màu xanh của mía bao trùm tạo nên không gian thanh bình của một vùng quê đang từng ngày khởi sắc. Anh Sùng A Sáng, người dân ở bản Xin Chải đang nhanh tay cùng bà con làm cỏ cho mía, hồ hởi chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi là hộ nghèo, cuộc sống rất khó khăn, một năm thiếu ăn 2 tháng giáp hạt. Từ khi học Bác chữ “Cần”, tôi chăm chỉ lao động, cố gắng chắt chiu rồi chuyển đổi cây trồng hợp lý, giờ gia đình tôi đã thoát nghèo. Với 1ha mía trồng mới trong năm nay, hy vọng sẽ tăng thêm nguồn thu cho gia đình”.
Trao đổi với bà con chúng tôi được biết, ngoài trồng trọt thì phát triển thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm cũng là nguồn thu đáng kể với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2020 đạt 1,4ha (tăng 8,6% so với năm 2019). Chăn nuôi là sự tăng trưởng mạnh của đàn gia cầm (8.516 con, tăng 34,1% so với năm 2019) và đại gia súc (đàn trâu 312 con, đàn bò 154 con). Thông qua bảo vệ rừng, năm 2020 Nhân dân trong xã được chi trả trên 1,4 tỷ đồng. Qua đó, nâng mức thu nhập bình quân của xã đạt 25 triệu đồng/người/năm 2020 (tăng 16 triệu đồng so với năm 2015). Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 40,3%.
Khi có thu nhập, đời sống cải thiện, Nhân dân xã Hoang Thèn hưởng ứng nhiệt tình các hoạt động văn nghệ, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa; tham gia vào công tác xã hội hóa giáo dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Đặc biệt, thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, dân bản góp công, góp của, chung sức xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, đường giao thông nông thôn. Từ đó, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tính đến hết năm 2020, xã Hoang Thèn đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới.
Bằng sự lồng ghép hiệu quả, cách làm đúng đắn, xã Hoang Thèn đang đưa các chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống. Thành công của xã là minh chứng cho thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền đoàn kết; Nhân dân từ bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, tự lực vươn lên phát triển kinh tế thì ở đó con đường “xóa đói giảm nghèo” bền vững ngày càng ngắn lại, cuộc sống Nhân dân dần được nâng cao.

Phát triển du lịch bền vững

Cán bộ, đảng viên gương mẫu, quần chúng noi theo

Viết bằng niềm tin và trách nhiệm

Học Bác để đổi mới và lan tỏa sức mạnh đại đoàn kết

Nỗ lực xây dựng quê hương Bình Lư phát triển giàu đẹp

Học theo Bác bằng việc thật, người thật, hiệu quả thật

Nhân rộng điển hình từ nhiều cách làm hay, sáng tạo

Tam Đường: Nâng cao hiệu quả phát hiện, bồi dưỡng và lan tỏa điển hình trong học tập và làm theo Bác










