

Đồng chí Đèo Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Bản Bo cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã có 1.500 con lợn, tập trung tại một số bản như: Hưng Phong, Hợp Nhất, Nậm Tàng… Để chăn nuôi lợn phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, chú trọng phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, khuyến khích người dân tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện tiêm phòng định kỳ. Các hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại kiên cố, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, lựa chọn con giống có chất lượng từ những cơ sở uy tín; phát triển giống lợn địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi. Nhờ đó, đàn lợn của xã sinh trưởng, phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao”.
Người dân bản Hợp Nhất (xã Bản Bo, huyện Tam Đường) chăm sóc đàn lợn.
Năm 2019, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện gây ảnh hưởng nặng nề tới đàn lợn trên địa bàn xã. Chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn phối hợp với các hộ chăn nuôi lợn tiêu hủy 1,5 tấn theo quy định, không để mầm bệnh lây lan, tiềm ẩn nguy cơ tái phát khi thực hiện tái đàn. Sau khi công bố hết dịch tả lợn, xã Bản Bo thực hiện việc tái đàn có kiểm soát, chuẩn bị chuồng trại đảm bảo yêu cầu. Trước khi tái đàn, xã tiến hành phun thuốc khử trùng tiêu độc đồng loạt, tích cực áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, xã định hướng cho các hộ chăn nuôi chỉ sử dụng con giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh, rõ nguồn gốc, tuyệt đối không sử dụng con giống trôi nổi trên thị trường và không có xác nhận của ngành chức năng. Nhờ đó, xã đã chủ động trong kiểm soát dịch bệnh, duy trì chăn nuôi bền vững.
Là một trong những hộ chăn nuôi lợn lớn nhất xã Bản Bo, gia đình bà Phạm Thị Phin ở bản Hưng Phong đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín, thu nhập cao. Với diện tích 1.000m2, gia đình bà đầu tư xây 3 dãy chuồng trại nuôi lợn công nghệ cao, đảm bảo ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và vệ sinh môi trường. Hàng tháng, trang trại lợn của gia đình bà có từ 8 - 10 con lợn nái sinh sản, mỗi lứa đẻ bình quân từ 10 - 14 con. Toàn bộ số lợn con được giữ lại để nuôi lợn thịt. Hệ thống chuồng trại được đầu tư hiện đại, thức ăn chăn nuôi đảm bảo, phòng chống dịch bệnh kịp thời nên đàn lợn của gia đình bà phát triển khỏe mạnh, chất lượng thịt tốt, thị trường tiêu thụ ổn định.
Bà Phạm Thị Phin cho biết: “Để phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, trung bình mỗi năm gia đình tôi nuôi 30 con lợn mẹ, từ 200 - 300 con lợn thịt, khi lợn đạt trọng lượng từ 100 - 120kg thì xuất bán. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi xuất 10 tấn lợn, bán ra thị trường với giá dao động từ 83.000 - 85.000 đồng/kg lợn hơi. Gia đình tôi thực hiện tiêm phòng định kỳ đầy đủ các loại vắc-xin phòng dịch bệnh, duy trì việc phun thuốc khử trùng tiêu độc, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát… Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, đàn lợn của gia đình tôi sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Mỗi năm gia đình tôi xuất từ 40 - 50 tấn lợn, thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm”.
Cùng với gia đình bà Phạm Thị Phin, gia đình anh Lò Văn Vạn ở bản Hợp Nhất cũng có kinh tế phát triển nhờ chăn nuôi lợn. Anh Vạn vui mừng chia sẻ: “Giống lợn gia đình tôi nuôi hiện nay là giống lợn địa phương. Giống lợn này có nhiều ưu điểm: thịt thơm ngon, sức đề kháng tốt, bán được giá, sinh trưởng, phát triển nhanh. Mỗi năm gia đình tôi nuôi trung bình từ 6 - 8 con lợn nái, một năm đẻ từ 2 - 3 lứa, mỗi lứa đẻ từ 10 - 15 con, khi trọng lượng đạt trên 10kg thì xuất bán. Hiện nay, lợn được giá, tôi bán ra thị trường với giá 170.000 đồng/kg lợn hơi, từ đầu năm đến nay gia đình tôi xuất 10 tạ lợn. Để tích lũy thêm kinh nghiệm trong chăn nuôi, tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi do xã tổ chức; trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi khoa học với các hộ dân trong bản, trong xã để cùng học hỏi lẫn nhau. Từ nuôi lợn, mỗi năm đem lại cho gia đình tôi trên 100 triệu đồng”.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong chăn nuôi, cùng với áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, tin tưởng rằng đàn lợn trên địa bàn xã Bản Bo sẽ ngày một sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân.

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững

Ưu tiên nguồn lực, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng

Công ty Điện lực Lai Châu thành lập các đội quản lý khu vực

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Công bố quyết định thành lập các Đội quản lý Điện lực khu vực và công tác cán bộ







