Thứ bảy, 05/10/2024, 10:16 [GMT+7]

Cây cao su bên dòng Nậm Mu

Thứ ba, 06/08/2013 - 10:41'
(BLC) - Hơn 7 năm, kể từ khi cây cao su được  trồng tại các huyện: Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ thì nay loại cây này đang dần bén rễ tại huyện Than Uyên. Chủ trương trồng và phát triển cây cao su ở vùng đất gió đang mở ra hướng mới cho tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng, tạo thời cơ mới cho đồng bào các dân tộc địa phương.

Cũng vừa tròn một năm, chúng tôi có dịp trở lại vùng đất Thẩm Phé (xã Mường Kim) nơi mà Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lai Châu đã trồng thử nghiệm hơn 10ha cây cao su. Quả thật ở vùng đất đầy nắng, gió này, cao su lại có thể phát triển tươi tốt được như vậy. Chỉ cần quan sát những dải đồi cao su trồng năm trước đã thấy cây nào cũng cao gần 2m, căng tràn nhựa sống. Đang mải ngỡ ngàng, tôi giật mình quay lại vì có bàn tay ai đó vỗ nhẹ vào vai. Kịp nhận ra đó là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lai Châu Nguyễn Văn Hòa đang đứng ngay bên cạnh. Anh Hoà chia sẻ: “Nhà báo chưa tin à, cao su đó, đến nay diện tích này đã sinh trưởng và phát triển tốt. đất ở đây rất phù hợp với  cây cao su. Ngày trước, Công ty cùng với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, tỉnh, huyện đi khảo sát đã định hình ra vùng cao su cho cả vùng, vừa mừng nhưng cũng lo. Mừng vì diện tích đất trống, đồi núi trọc còn nhiều, lực lượng lao động địa phương dồi dào nhưng rất lo là cao su có phát triển được không? Thế mà sau một năm thôi, cao su đã xanh ngắt phủ hết một dải đồi 10ha này, trồng cao su ở đây là hướng đi đúng và chắc chắn sẽ thành công”.

Công nhân Công ty Cổ phân Cao su Dầu Tiếng Lai Châu chăm sóc vườn ươm.

Qua lời tâm sự của anh Hòa, tôi thấy sự tâm huyết hiện rõ trên khuôn mặt của anh, điều đó làm tôi thấy vững tin hơn khi loại cây này được trồng dọc bên dòng sông Nậm Mu. Ngày 22/7 vừa qua, Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lai Châu và ra quân trồng mới 500ha cây cao su càng khẳng định quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, huyện, Công ty trong việc đưa cây cao su trở thành cây công nghiệp mũi nhọn nơi đây. Một vận hội mới, cơ hội mới đối với người dân trong vùng dự án chính thức được mở ra. Hiện nay, Công ty đã có 22 cán bộ, 28 công nhân chính thức, khoảng 140 lao động thời vụ. Dự kiến sẽ trồng 6.500ha trên địa bàn 6 xã của huyện Than Uyên và Tân Uyên. 5 năm tới (từ năm 2013 - 2017) mỗi năm trồng khoảng 1.500ha với tổng vốn đầu tư 1.625 tỷ đồng. Sau 7 năm sẽ cho mủ và có nhà máy sơ chế tại chỗ với công suất 12.000 tấn/năm.

Sau lời giới thiệu đôi nét về định hướng của Công ty, anh Hòa mời chúng tôi đến tận nơi xem diện tích trồng cây cao su năm nay. Ngồi xuồng máy, lướt trên mặt nước lòng hồ Thủy điện Bản Chát hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi có mặt tại địa điểm tập kết nơi những “mầm xanh” cây cao su. Thời tiết những ngày đầu tháng 8 nơi đây thật khắc nghiệt, mưa nắng thất thường nhưng vượt lên tất cả, ở các đồi cao su, công nhân của Công ty và người lao động vẫn miệt mài, hăng say với công việc. Máy móc đi trước làm đường đồng mức, đoàn người theo sau đào hố, tất cả cùng vào cuộc thi đua với khí thế hừng hực đảm bảo diện tích cũng như niên vụ mùa trồng mới cao su. Anh Hòa cho biết thêm: “Thực hiện khẩu hiệu “Trồng cây nào, chắc cây đó”, phấn đấu đạt tỷ lệ cây sống trên 95% trở lên. Trong tháng 8, Công ty dự kiến sẽ trồng mới 500ha tập trung tại xã Mường Kim, Mường Cang. Huy động toàn bộ lực lượng cán bộ, công nhân đơn vị và nhân dân trên địa bàn đảm bảo kế hoạch đề ra”.

Là công nhân đã gắn bó với Công ty từ khi cây cao su được đưa vào trồng, em Hoàng Văn Phúng (20 tuổi, dân tộc Khơ Mú, bản Thẩm Phé, xã Mường Kim) tâm sự: “Khi được Công ty tuyển dụng vào làm công nhân em vui lắm, em vào làm được gần một năm rồi. Thu nhập mỗi tháng của em trên 3,5 triệu đồng”. Em Phúng cũng như các công nhân khác của đơn vị đều có mức thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng, riêng những người lao động hợp đồng theo thời vụ (nhân dân địa phương) có gia đình nhận khoán với thu nhập cả chục triệu đồng/tháng. Đây là hướng đi mới trong giải quyết việc làm cho một bộ phận người dân tái định cư Thủy điện Huội Quảng, Bản Chát.

Khẳng định trong buổi Lễ ra mắt Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lai Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Chử nhấn mạnh: “Chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo việc làm, từng bước ổn định và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân vùng dự án, nhất là bà con tái định cư. Tỉnh đã xác định phát triển cây cao su đại điền gắn với việc ổn định đời sống của các hộ tái định cư là nhiệm vụ hàng đầu. Việc đưa cây cao su vào địa bàn Than Uyên là bước khởi đầu căn bản để giải quyết việc làm và đảm bảo đời sống cho người dân sở tại và tái định cư nơi đây”.

Chỉ nay mai thôi, những diện tích rừng nghèo và đồi núi trọc ở vùng đất nhiều gió này cây cao su sẽ phủ xanh dọc theo dòng sông Nậm Mu. Đặc biệt hơn khi lòng dân đã thuận, việc trồng mới 500ha cây cao su năm 2013 và diện tích trong những năm tiếp theo sẽ thành hiện thực.

Phương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...