

Đồng chí Ngô Chí Danh – Chủ tịch Hội CCB huyện Nậm Nhùn cho biết: Hội có 822 hội viên sinh hoạt ở 46 chi hội trực thuộc, 11 tổ chức Hội cơ sở. Cùng với việc xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, các cấp Hội CCB trong huyện vận động hội viên tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Hội cấp trên phát động, nhất là phong trào CCB làm kinh tế giỏi. Khuyến khích hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh, nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp nhau giảm nghèo bền vững.
Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội trong thời kỳ mới, Hội CCB huyện tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, phát triển các mô hình kinh tế mới. Chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay gắn với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, Hội CCB huyện nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ trên 21 tỷ đồng thông qua 19 tổ vay vốn, tạo điều kiện cho trên 504 hộ được tiếp cận nguồn vốn đầu tư xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế.
Cựu chiến binh Lù Văn Đông (xã Mường Mô) với mô hình kinh doanh – dịch vụ, mỗi năm thu thập 120 triệu đồng.
Theo chân cán bộ Hội CCB thị trấn Nậm Nhùn, chúng tôi đến thăm gia đình ông Khoàng Văn Ngó ở bản Phiêng Pá Kéo (thị trấn Nậm Nhùn) - một trong những gương CCB làm kinh tế giỏi tại địa phương. Được biết, ông Ngó nhập ngũ từ năm 1979, sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương, ông vừa tham gia công tác tại Hội CCB xã, vừa tích cực phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, gia đình ông thành công mô hình chăn nuôi tổng hợp với 3.000m2 ao cá chủ yếu thả các loại trắm, chép, rô phi, trê phi và ếch; gần 300 con gia cầm, 6 con trâu và hơn 200 gốc xoài, nhãn ghép bắt đầu cho quả. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình ông ngày càng ổn định. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Ngó còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế với bà con trong bản, tích cực tham gia các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.
Trở về với cuộc sống đời thường, CCB Lù Văn Đông ở bản Mường Mô (xã Mường Mô) mạnh dạn đầu tư kinh doanh, dịch vụ. Ông Đông chia sẻ: Vốn đam mê với máy móc, các thiết bị điện tử, nên sau khi rời quân ngũ tôi mày mò tìm hiểu và đi học thêm tại các lớp dạy nghề, sau đó mở cửa hàng sửa chữa đồ điện tại bản, được người dân tin tưởng và ủng hộ. Đến nay, ngoài sửa chữa đồ điện, gia đình tôi còn kinh doanh thêm hàng tạp hóa, các thiết bị điện tử. Trung bình mỗi năm, công việc kinh doanh đem lại cho gia đình tôi trên 120 triệu đồng.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Nậm Nhùn vẫn còn rất nhiều tấm gương CCB gương mẫu, làm kinh tế giỏi. Tiêu biểu như các mô hình kinh tế của CCB: Mua A Lù, Vừ A Đào (xã Pú Đao); Nguyễn Xuân Thanh, Lù Văn Khoắn (xã Lê Lợi); Chảo Cáo Trình Én (xã Nậm Chà); Khoàng Văn Phẹn, Khoàng Văn Ngó (thị trấn Nậm Nhùn); Mào Văn Choi, Khoàng Văn Nhượng (xã Mường Mô)… Đây là những người lính "Cụ Hồ” đã và đang tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm, tiên phong trong các phong trào thi đua do tổ chức Hội phát động; góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 24 mô hình làm dịch vụ buôn bán, kinh doanh, thương mại; 40 mô hình gia trại, tập trung vào các lĩnh vực: chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản do hội viên CCB làm chủ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đời sống vật chất, tinh thần của hội viên ngày một nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo do hội viên CCB làm chủ hộ giảm từ 11,4% (năm 2015) xuống còn 7,39% (năm 2019), số gia đình hội viên có kinh tế khá trở lên chiếm trên 80%.
Trong thời gian tới, các cấp Hội CCB huyện Nậm Nhùn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phát triển hiệu qủa các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; phát huy phẩm chất của người lính "Cụ Hồ" trên mặt trận kinh tế. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống hội viên, giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện.

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Công bố quyết định thành lập các Đội quản lý Điện lực khu vực và công tác cán bộ

Nùng Nàng vào vụ thu hoạch lê

Nhiều giải pháp giảm nghèo ở Bình Lư
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Tam Đường







