

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tình hình phát triển nông nghiệp của Lai Châu nói riêng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Nông nghiệp hàng năm đạt 5 - 6%. Về cơ cấu cây trồng, diện tích lúa nương giảm dần, sản lượng đạt 220.000 tấn, đảm bảo lương thực bình quân 450kg/người/năm.
Tổng diện tích trồng chè toàn tỉnh đến nay đạt hơn 7.000ha, trong đó chè kinh doanh hơn 5.000ha. Ngoài chè còn có cây cao su, quế, mắc-ca, cây ăn quả; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 50%. Hiện có khoảng 10.000ha đất lúa, ngô có thể chuyển đổi sang cây công nghiệp, cây ăn quả; diện tích mặt nước từ lòng hồ thủy điện nuôi cá lăng, cá chiên rất dồi dào.
Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã ban hành chính sách thu hút, khuyến khích tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là chính sách chuyển đổi đất nông nghiệp; hỗ trợ hạ tầng, tiếp cận tín dụng, giống, khuyến nông khuyến lâm, đào tạo, nhãn mác hàng hóa… Với khoảng gần 13.000ha cây cao su, tỉnh mong muốn thời gian tới Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đầu tư thêm nhà máy chế biến cao su, đưa công nghệ chế biến sâu, gia tăng giá trị; tăng cường xúc tiến đầu tư với Trung Quốc (thông qua Cửa khẩu Ma Lù Thàng), góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Quang cảnh buổi làm việc.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hiện có 3 đơn vị thành viên trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Công ty Cổ phần Cao su (CTCPCS) Lai Châu, CTCPCS Lai Châu II và CTCPCS Dầu Tiếng Lai Châu với tổng diện tích đất quản lý trên 16.000ha, trong đó tổng diện tích đất cao su hiện có trên 12.500ha. Tổng vốn đầu tư của Tập đoàn đến ngày 31/12/2019 trên 1.990 tỷ đồng.
Sản lượng thực hiện năm 2019 là 4.872 tấn (đạt tỷ lệ 103,66%), năng suất bình quân đạt 96 tạ/ha. Ước kết quả thực hiện đến ngày 31/5 đạt 322 tấn (đạt tỷ lệ 4,29%); khối lượng tồn kho khoảng trên 800 tấn. Tổng số tiền lỗ khoảng 1,3 tỷ đồng.
Thực trạng sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm như trên cho thấy các đơn vị sản xuất kinh doanh cao su trên địa bàn tỉnh rất khó khăn. Tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị; mủ cao su không tiêu thụ được, tồn kho lớn. Giai đoạn 2020 - 2025 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn về giá bán; về địa bàn, giao thông, thời tiết, khí hậu.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đề nghị tỉnh Lai Châu: Đối với một số dự án thủy điện được phê duyệt làm ảnh hưởng đến vườn cây cao su, cần có sự trao đổi, phối hợp để lựa chọn những vị trí phù hợp. Lãnh đạo tỉnh Lai Châu chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện để một số hộ dân hoàn thiện thủ tục về đất đai. Thống nhất đơn giá đền bù sao cho phù hợp giữa tỉnh với Tập đoàn. Người dân góp đất trồng cây cao su ở một số xã của huyện Sìn Hồ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên CTCPCS Lai Châu chưa có cơ sở chi trả 10% giá trị góp đất. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với diện tích cây cao su đã trồng; đào tạo nghề cho người lao động là công nhân các công ty cao su.
Trao đổi với tỉnh Lai Châu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam khẳng định, Lai Châu là thủ phủ cao su của cả nước. Thời điểm hiện tại, dù giá mủ cao su chưa cao song về tương lai sẽ có nhiều triển vọng. Tiềm năng về cây cao su trên đất Lai Châu tốt nhất hiện nay. Về tiến độ đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến sản xuất cao su Lai Châu giai đoạn I sẽ phải chậm 1 - 2 tháng do nhiều nguyên nhân.
Đối với đề nghị của tỉnh Lai Châu, đồng chí Trần Ngọc Thuận cho biết, Tập đoàn đã khảo sát đầu tư theo lộ trình và sẽ đầu tư theo kế hoạch. Trong tương lai, Trung Quốc sẽ là thị trường chính tiêu thụ mủ cao su của Lai Châu thông qua Cửa khẩu Ma Lù Thàng. Tập đoàn sẽ tiếp tục nghiên cứu tiềm năng, thế mạnh để đầu tư vào tỉnh Lai Châu, không chỉ dừng lại ở cây cao su.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Các kiến nghị của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ giao cơ quan chuyên môn rà soát, tổng hợp và từng bước tham mưu cho tỉnh giải pháp tháo gỡ. Đề nghị trong tháng 8 tới, 2 bên tiến hành sơ kết đánh giá công tác phối hợp toàn diện, từ đó nghiên cứu để có hướng đi mới và tiếp tục phối hợp toàn diện, sâu sắc hơn. Các nội dung chi tiết giao cho các đơn vị đầu mối để xác định lợi thế, xây dựng kế hoạch làm tốt hơn trong những năm tới.

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Công bố quyết định thành lập các Đội quản lý Điện lực khu vực và công tác cán bộ

Nùng Nàng vào vụ thu hoạch lê

Nhiều giải pháp giảm nghèo ở Bình Lư
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Tam Đường







