

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vương Thế Mẫn - Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: Hiện nay, huyện đã quy hoạch và phân chia thành các vùng kinh tế như: vùng chè tập trung có diện tích 550ha ở các xã: Nậm Xe, Sin Suối Hồ và một phần nhỏ diện tích ở Lản Nhì Thàng; vùng chuối trồng tập trung tại các xã Ma Li Pho, Huổi Luông, Khổng Lào với diện tích trên 4 nghìn hécta; vùng mía với diện tích 350ha ở Hoang Thèn, thị trấn Phong Thổ; trên vùng đất vành đai cao của của xã Huổi Luông tập trung trồng 1.000ha cây mắc-ca; vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung ở Bản Lang, Dào San, Vàng Ma Chải.
Tại các xã vùng cao của huyện đang khuyến khích Nhân dân trồng cỏ để mở rộng quy mô vùng chăn nuôi tập trung và phát triển cây dược liệu gắn với phát triển, bảo vệ rừng. Việc quy hoạch và phân chia vùng như thế này giúp huyện giải quyết được những vấn đề lớn: tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh của thiên nhiên trong phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ cây có giá trị kinh tế thấp đến cây có giá trị kinh tế cao; hình thành được vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa thị trường để dễ dàng tiêu thụ nông sản thông qua việc xuất khẩu sang nước bạn, giúp Nhân dân có nguồn thu nhập cao, công việc ổn định lâu dài. Mặt khác, huyện sử dụng được quỹ đất hợp lý, thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển vì đây là ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn. Về lâu dài, các vùng sản xuất này sẽ làm tiền đề quan trọng để huyện thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông sản, hình thành và phát triển ngành công nghiệp chế biến.
Lãnh đạo xã Hoang Thèn (huyện Phong Thổ) hướng dẫn người dân cách chọn mía để trồng.
Theo lời giới thiệu của đồng chí Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, chúng tôi tìm đến xã Hoang Thèn - một trong những vùng trồng mía lớn nhất của huyện nằm trong quy hoạch phát triển vùng sản xuất. Được biết, cuối năm 2019, đầu năm 2020, 60 hộ dân ở các bản trong xã đã trồng 50ha mía, đến cuối năm 2020, mía cho thu hoạch với sản lượng 80 tấn/ha, giá bán 1.000 đồng/kg.
Dẫn chúng tôi đi thăm vùng trồng mía ở bản Lèng Xuôi Chin, đồng chí Chang Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Hoang Thèn phấn khởi, chỉ tay về phía các ngọn đồi: Toàn bộ vùng trồng mía này được chuyển đổi từ đất cấy lúa, trồng chuối lâu năm đã bạc màu và một phần diện tích đất khai hoang. Năm vừa rồi, tuy giá mía rẻ, nhưng bù lại năng suất mía cao, mỗi hộ gia đình có thu nhập vài chục triệu đồng, hiệu quả kinh tế gấp 3-4 lần so với các cây trồng khác trước đây. Vì thế, năm nay, bà con đang tiếp tục trồng và nhân rộng diện tích lên hơn 60ha, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ 2025, vùng trồng mía của xã đạt trên 100ha theo Nghị quyết đề ra.
Dọc 2 bên đường dẫn vào bản Lèng Xuôi Chin, chúng tôi thấy trên những ngọn đồi, đất đỏ được phủ kín bởi một màu xanh mướt của cây mía. Hai mẹ con chị Lý Xa Hào đang tranh thủ làm cỏ trên bãi mía của gia đình. Chị Hào chia sẻ: “Gia đình tôi có 0,8ha, chỗ này trước đây là diện tích cấy lúa 1 vụ năng suất chẳng được là bao, cỏ mọc um tùm, có năm thu vài bao thóc, năm trước được 1 bao. Năm 2020, gia đình tôi chuyển đổi sang trồng mía, thu lãi được 42 triệu đồng, vợ chồng tôi phấn khởi lắm, năm nay tiếp tục trồng tiếp, khai hoang thêm ít diện tích xung quanh để trồng. Tranh thủ những ngày này, mẹ con tôi làm cỏ diện tích mía trồng từ đầu năm, trồng tiếp ít đất còn lại. Chồng tôi thì đi hướng dẫn các hộ trong bản trồng mía”.
Cùng với chị Hào, người dân ở bản Lèng Xuôi Chin đang tấp nập ra đồng, người trồng mía, người vun đất, người làm cỏ; tiếng máy làm đất, tiếng người nói chuyện làm cho không khí trở nên tấp nập, sôi động hẳn lên. Những đoạn mía giống theo tay người dân thoăn thoắt đặt trên đất, rồi được lấp lại. Cứ hình dung ra cảnh tượng, những mầm xanh theo thời gian, được “tưới tắm” đủ lực để chồi lên mặt đất, vươn mình trong nắng ấm thành cây mía ngọt, chúng tôi lại thấy vui trong lòng và hy vọng về một vụ mía thắng lợi cho người dân lao động xã Hoang Thèn.
Được biết, tính đến hết năm 2020, huyện Phong Thổ có diện tích cấy lúa hơn 4.630ha, trên 4.000ha ngô, lạc, đậu tương; 1.383ha cây cao su, gần 300ha chè, 181,3ha cây mắc-ca, 3.798ha chuối, hơn 60ha mía... Tổng đàn gia súc hơn 40 nghìn con, tổng đàn gia cầm trên 195 nghìn con các loại. Thời gian vừa qua, nhằm thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất theo như quy hoạch, lộ trình đã đề ra, huyện tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn chú trọng hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; vận động bà con đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng vào sản xuất; áp dụng các quy trình sản xuất an toàn. Tận dụng các nguồn vốn được hỗ trợ về sản xuất nông nghiệp và các chương trình khác, huyện bố trí nguồn lực, ưu tiên hỗ trợ Nhân dân cây, con giống, phân bón, máy móc sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân... Nhờ đó, đời sống của Nhân dân trong huyện từng bước được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,43% đến cuối năm 2020.
Đồng chí Vương Thế Mẫn - Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết thêm: Để thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế vùng sản xuất theo quy hoạch, huyện đã xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với kinh tế cửa khẩu giai đoạn 2021-2025. Đề án đã được HĐND huyện thông qua. Trước mắt, trong năm 2021, huyện sẽ tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh thâm canh, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung vào các loại cây trồng chủ lực; phấn đấu hoàn thành trồng mới 250ha chè, 100ha cây mắc-ca; nhân rộng diện tích trồng mía, trồng cỏ tại các xã nằm trong quy hoạch.

Tăng gần 200 đồng/lít, giá xăng RON95-III vượt ngưỡng 20.000 đồng/lít

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững

Ưu tiên nguồn lực, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng

Công ty Điện lực Lai Châu thành lập các đội quản lý khu vực

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi







