

Những ngày trung tuần tháng 3, chúng tôi cùng lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần cao su Dầu Tiếng – Lai Châu thăm vườn cây cao su trồng năm 2012 tại bản Thẩm Phé (xã Mường Kim). Những đồi trọc xưa kia đang phủ xanh cây cao su, cây nào cũng cao trên 20m, lá xanh mơn mởn, thân căng tràn nhựa sống. Điều đó khẳng định sức sống mãnh liệt của cây cao su bên lòng hồ Thủy điện Bản Chát. Dưới tán cao su, công nhân đang tiến hành phát dọn thực bì giữa hai hàng, phát dọn bờ lô cho thông thoáng vườn cây, dọn cành nhánh trên hàng để thuận tiện cho việc đi lại chăm sóc, thu hoạch mủ.
Bên cây cao su chuẩn bị đưa vào mở cạo, ông Nguyễn Hoàng Minh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Dầu Tiếng - Lai Châu vừa hướng dẫn công nhân đo thân vanh, thiết kế miệng cạo, kẻ các đường cạo mủ, vừa giới thiệu về giá trị kinh tế cao su mang lại. Theo lời anh Minh, đến nay có thể khẳng định cây cao su phù hợp, thích nghi tốt với vùng đất nơi đây. Công ty đã xây dựng kế hoạch, đào tạo tay nghề, chuẩn bị dụng cụ phục vụ cho cạo mủ.
Hiện nay, Công ty có 1.020ha cây cao su trồng từ năm 2012 trên địa bàn các xã: Mường Kim, Mường Cang, Pha Mu, Mường Mít; có 66 cán bộ, công nhân. Để chuẩn bị đưa 45,83ha cây cao su vào khai thác đúng quy trình kỹ thuật vào tháng 4/2021, Công ty tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn, đội trưởng, kỹ thuật để giúp quản lý vườn cây, xây dựng phần cạo, khu cạo hợp lý. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Than Uyên tổ chức lớp đào tạo khai thác mủ cho toàn bộ công nhân. Qua đó, cán bộ, công nhân được làm quen với công tác khai thác, thay đổi được tác phong làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần cao su Dầu Tiếng - Lai Châu hướng dẫn công nhân thiết kế miệng cạo mủ cao su.
“Công ty lập bản đồ vị trí, sơ đồ hàng, số cây trên hàng và tổ chức phân chia phần cây cạo hợp lý phù hợp với năng lực của người lao động. Do đặc thù vườn cây là đồi dốc, chia cắt bởi lòng hồ thủy điện nên khi chia phần cạo, công ty chú trọng để mỗi công nhân có các phần cây dễ - khó như nhau, tạo sự công bằng. Sau này, Trưởng Phòng Kỹ thuật xuống trực tiếp vườn cây hướng dẫn, uốn nắn tay nghề thêm cho công nhân thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật khai thác, không bỏ cạo, cạo sót” - ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết thêm.
Công ty chủ động vào miền Nam mua sắm các dụng cụ vật tư khai thác như: dao cạo mủ, chén, máng đảm bảo theo tiêu chuẩn; trang bị đầy đủ các dụng cụ khai thác cho người lao động, phổ biến đến công nhân khi sử dụng dụng cụ phải sạch sẽ, dao cạo phải sắc bén. Tổ chức cạo theo nhịp độ cạo D3 (ba ngày cạo một lần), còn lại thời gian công nhân sẽ đi chăm sóc vườn cây.
Xác định khi đưa vườn cây vào khai thác, công tác quản lý bảo vệ tài sản rất quan trọng, công ty chỉ đạo các đội cao su nâng cao trách nhiệm của lực lượng bảo vệ vườn cây kiến thiết, vườn cây khai thác. Thực hiện mô hình bảo vệ như: mô hình công nhân tự quản, cụm bảo vệ để bảo vệ sản phẩm mủ, tài sản khác trên vườn cây. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã vùng trồng cây cao su tuyên truyền nâng cao nhận thức bà con tham gia quản lý, bảo vệ vườn cây.
Anh Lò Văn Chất, Đội trưởng Đội sản xuất số 1 chia sẻ: “Hiện, Đội đang quản lý 359ha cây cao su, trong đó 50ha chuẩn bị khai thác. Đội chuẩn bị vật tư, bảo hộ lao động trang bị đầy đủ cho công nhân. Thường xuyên kiểm tra vườn cây, xây dựng và triển khai kế hoạch cạo mủ cụ thể theo đúng thời điểm quy định”.
Để ổn định tâm lý cho người lao động yên tâm sản xuất, công ty thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giải thích về những khó khăn trong quá trình khai thác cũng như giai đoạn giá mủ xuống thấp. Thực hiện thanh toán lương đúng hạn cho công nhân, nắm bắt thông tin, lắng nghe ý kiến từ người lao động để từ đó có phương án tháo gỡ và đẩy lùi khó khăn. Đến nay, 100% cán bộ, công nhân lao động có hợp đồng chính thức được cấp thẻ bảo hiểm y tế; giải quyết chi bồi dưỡng độc hại, chi chế độ thai sản, khám sức khỏe định kỳ và tổ chức thăm hỏi ốm đau, hiếu hỷ.
Anh Lìm Văn Chơn, bản Hàng, xã Mường Kim tâm sự: “Tôi làm công nhân ở Đội sản xuất số 1 được 5 năm gắn bó chăm sóc vườn cây cao su với lương 3,6 triệu đồng/tháng. Việc chuẩn bị đưa vườn cây vào khai thác tôi và bà con trong vùng này rất phấn khởi, có mủ rồi người dân sẽ tin hơn, có thêm động lực để gắn bó lâu dài với loại cây công nghiệp mới này. Mong rằng, sản lượng mủ sẽ cao, giá bán ổn định để công nhân có thêm thu nhập”.
Rời Thẩm Phé khi bóng chiều khuất sau dãy núi cao, những đồi cây cao su ẩn mình trong màn sương. Chỉ ít ngày nữa, dòng nhựa trắng sẽ tuôn chảy từ cánh rừng cao su xanh tốt mang đến việc làm, thu nhập ổn định từ việc góp đất trồng cây cao su.

Tăng gần 200 đồng/lít, giá xăng RON95-III vượt ngưỡng 20.000 đồng/lít

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững

Ưu tiên nguồn lực, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng

Công ty Điện lực Lai Châu thành lập các đội quản lý khu vực

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi







