

Anh Sùng A Phềnh ở bản Sin Suối Hồ trộn hỗn hợp bón cho địa lan.
Hiện, bản Sin Suối Hồ có khoảng 5 nghìn chậu địa lan trần mộng. Mỗi dịp tết Nguyên đán, số lượng chậu địa lan được tiêu thụ khá lớn, mang lại thu nhập trung bình từ 50 – 70 triệu đồng/năm/hộ, cao gấp nhiều lần trồng lúa, ngô; do đó việc chăm sóc, trồng mới nhằm bổ sung số lượng địa lan đã bán là rất cần thiết.
Gia đình anh Sùng A Phềnh ở bản Sin Suối Hồ có gần 400 chậu địa lan. Để tạo chất dinh dưỡng cho địa lan phát triển, anh đến xã Tả Lèng (huyện Tam Đường) mua 100 bao phân trâu với giá 3 triệu đồng. Hơn một tuần nay, tranh thủ thời tiết nắng ráo, anh Phềnh không lên nương cày đất trồng ngô mà ở nhà chăm sóc địa lan cho kịp thời vụ. Anh Phềnh chia sẻ: Như thường lệ, năm nào bà con nơi đây cũng dùng hỗn hợp phân trâu, mùn cưa, vỏ chấu bón cho địa lan. Năm 2019, gia đình tôi đã trồng mới 30 chậu, vì vậy năm nay tôi tập trung chăm sóc để những chậu địa lan có tán rộng, dáng thế đẹp, mọc hoa đều.
Tương tự, gia đình anh Sùng A Phùa cùng bản trồng 300 chậu địa lan trần mộng trên diện tích 500m2, trong đó trồng mới 30 chậu. Tuy nhiên, đối với gia đình anh Phùa vụ trồng địa lan này có sự thay đổi đáng kể. Đó là, vợ chồng anh Phùa không trồng cây đào và địa lan trên cùng một diện tích đất mà thay vào đó chuyển gần 20 cây đào sang vị trí khác trồng. Bởi, lá đào có vị đắng, khi rụng xuống gây ảnh hưởng đến việc phát triển của địa lan. Hơn nữa, khắc phục tình trạng nắng nóng, mưa đá, gió lốc, anh Phùa đầu tư hệ thống ống tưới phun sương và lưới đen che nắng. Cách làm này chi phí lớn nhưng mang lại hiệu quả cao. Anh Phùa tâm sự: Ngoài sử dụng phân trâu bón cho địa lan, năm nay tôi còn đầu tư 12 triệu đồng mua 103 bao xơ dừa đã qua sơ chế từ tỉnh Bắc Giang về làm phân bón. Gia đình tôi lắp thêm hệ thống tưới, lưới che đầu tiên trong bản; thay một số chậu nhựa có thể tích từ 50 lít sang 60 lít để có diện tích rộng, địa lan dễ dàng phát triển khi nảy chồi mới.
Từ giá trị kinh tế cây địa lan mang lại, hiện nay một số gia đình ở Sin Suối Hồ chủ động học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, trồng địa lan từ nhiều nơi, nhiều người; trong đó áp dụng tư vấn của các chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam để có cách trồng địa lan hiệu quả. Cụ thể như, trước đây bà con thường dùng phân trâu tươi bón cho địa lan, tuy cách làm này nhanh, tốn ít thời gian công sức nhưng lại là một trong những nguyên nhân gây bệnh vàng lá, thối rễ, úng nước khiến địa lan chết nhiều, thiệt hại lớn về kinh tế. Rút kinh nghiệm, hiện nay, bà con thay phân trâu tươi bằng phân trâu khô, có gia đình cẩn thận còn ủ phân trâu với men vi sinh sau một thời gian mới đem bón. Nhờ đó, kích thích những vi sinh vật có ích phát triển, tạo nên độ phì nhiêu, tơi xốp, dễ thoát nước ở gốc cây. Đối với phân hỗn hợp dùng để đắp xung quanh miệng chậu thì phải nhào với nước, khi đắp mới có độ dẻo, dính kết ôm gốc lan, chất dinh dưỡng không bị rửa trôi, trời nắng bầu không nứt.
Ngoài ra, bà con cũng chú ý đến loại mùn cưa bón cây. Thông thường, mùn cưa được bà con mua ở các xưởng mộc, tại đây có nhiều loại gỗ được bào lẫn với nhau; một số loại gỗ có vị đắng, tính độc, không thích hợp với cây địa lan, khi dùng gây hại đến chất lượng sản phẩm hoa. Do đó, gia đình nào dùng mùn cưa thì đều chọn kỹ từng loại gỗ. Riêng với vỏ trấu, một số hộ còn hun cho ám khói, sau đó mới sử dụng. Việc tách chồi trồng mới, chăm sóc, tận dụng chậu cũ đã trồng lan cũng được người dân coi trọng.
Với cách làm này, hy vọng người dân Sin Suối Hồ sẽ có mùa địa lan bội thu, mang lại giá trị kinh tế cao và góp phần hình thành thương hiệu địa lan Lai Châu.

Tăng gần 200 đồng/lít, giá xăng RON95-III vượt ngưỡng 20.000 đồng/lít

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững

Ưu tiên nguồn lực, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng

Công ty Điện lực Lai Châu thành lập các đội quản lý khu vực

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi







