

Bà con xã Bum Tở (huyện Mường Tè) chăm sóc cây dong riềng.
Đến thăm các xã, các bản của huyện Mường Tè những ngày xuân mới, chúng tôi không chỉ hòa mình vào vẻ đẹp thiên nhiên ở nơi đây mà còn được chứng kiến sự đổi thay từng ngày. Các bản làng khoác trên mình chiếc áo mới, đường giao thông được trải nhựa, bêtông, các cháu học sinh vui chơi, học tập trong những ngôi trường mới. Nhận thức của người dân chuyển biến, tích cực lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất, nông sản làm ra trở thành hàng hóa, tăng thu nhập, tạo nguồn sinh kế.
Để có được những tín hiệu vui đó, UBND huyện Mường Tè triển khai nhiều biện pháp, trước hết là đánh giá tình hình thực tế, nguyên nhân dẫn đến đói nghèo. Khi nhận định rằng, nghèo đói xuất phát từ chính nhận thức hạn chế của người dân, UBND huyện giao các phòng, ban liên quan phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. Với lời lẽ thuyết phục trong những ngày bám sát địa bàn, các cán bộ đã làm thay đổi được nhận thức của bà con về lao động sản xuất, nâng cao cuộc sống; đưa các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng vào sản xuất, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Anh Lý Công Hòa - Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện kể lại những ngày đi bản tuyên truyền: “Mỗi lần xuống cơ sở, chúng tôi không chỉ gặp khó khăn về giao thông mà còn không thuận lợi trong việc tuyên truyền, bởi vì người dân quen với lối sống cũ, chỉ muốn trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Những lúc như vậy, mỗi người cán bộ tích cực bám dân, bám bản, ăn, ở, sinh hoạt cùng dân, vừa tuyên truyền, vừa lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, số lượng đàn vật nuôi. Do đó, bà con nghe và làm theo.
Quyết chí vươn lên, người dân ở 14 xã, thị trấn của huyện tích cực khai hoang, mở rộng diện tích đất sản xuất, đưa các giống cây lương thực có chất lượng vào gieo trồng như: thiên ưu 8, hương thơm số 1, MX10... Trên diện tích gieo trồng đạt 5.092,7ha, dưới bàn tay của người nông dân cùng với áp dụng khoa học kỹ thuật, năng suất ngô, lúa đạt từ 30,6-41,7 tạ/ha, có nơi như: Ka Lăng, Thu Lũm, năng suất lúa đạt trên 50 tạ/ha, đưa tổng sản lượng lương thực năm 2020 đạt 18.657 tấn, tăng 3.161 tấn so với năm trước. Tận dụng diện tích giữa 2 mùa vụ, bà con trồng các loại rau xanh và nhiều sản phẩm trở thành thương hiệu như: khoai sọ ở Nậm Khao, Kan Hồ. Nông sản làm ra không chỉ dư thừa cho mùa vụ sau mà còn đảm bảo an ninh lương thực. Ông Thàng Hu Xa, bản Thăm Pa (xã Pa Ủ) chia sẻ: “Nhờ có cán bộ xã, huyện tuyên truyền, bà con trong bản biết khai hoang đất canh tác để trồng ngô, lúa, chủ động đăng ký tham gia lớp tập huấn, dạy nghề về trồng trọt, chăn nuôi để áp dụng vào thực tiễn. Các mùa vụ, nhà nào cũng thu hoạch được từ 70-100 bao thóc, ngô. Dân bản còn đầu tư phát triển chăn nuôi, tham gia bảo vệ rừng, cuộc sống từng bước nâng lên”.
Để tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân, UBND huyện liên kết với nhiều doanh nghiệp, tổ chức triển khai các mô hình chăn nuôi đại gia súc, hình thành các vùng chăn nuôi với quy mô hàng trăm con như ở các xã: Vàng San, Bum Nưa, Mường Tè, Tà Tổng. Vận động bà con từ bỏ cách chăn nuôi thả rông chuyển sang hình thức chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nhân giống tăng đàn, tích cực phòng, chống dịnh bệnh, thay đổi thường xuyên chuỗi thức ăn để đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh, có sức đề kháng. Vì vậy, số lượng đàn gia súc đạt 36.358 con, gần 125.000 con gia cầm. Nhận thấy nguồn lợi từ mặt hàng thủy sản, bà con đào ao thả cá với diện tích 54,86ha, nuôi 109 lồng cá trên lòng hồ Thủy điện Lai Châu với các loại: lăng, chiên, chép, rô phi đơn tính. Mỗi năm, sản lượng nuôi và đánh bắt đạt gần 200 tấn cá. Ngoài ra, huyện còn triển khai phát triển nghề nuôi ong mật với 4 cơ sở nuôi, quy mô từ 100-200 đàn tại các xã: Ka Lăng, Tá Bạ, Tà Tổng, Kan Hồ với quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để xây dựng nhãn hiệu mật ong Mường Tè.
Những cây công nghiệp, ăn quả, dược liệu được trồng để phủ xanh đất trống đồi trọc với diện tích gần 2.250ha. Tăng cường trồng và bảo vệ rừng, bà con được hưởng lợi từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Huyện còn quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng 3 dân tộc khó khăn: Cống, Mảng, La Hủ, để người dân có cơ hội thay đổi cuộc sống.
Đáng mừng nhất là người dân biết học hỏi kiến thức từ các lớp dạy nghề, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Nhiều hộ không còn ỷ lại mà tự tin vay vốn đầu tư mua giống cây, con, công cụ sản xuất phát triển mô hình kinh tế của gia đình. Bà Đao Thị Dung, bản Nà Lang (xã Bum Nưa) tâm sự: “Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, cái ăn, cái mặc phải lo hàng ngày, dù làm đủ thứ nghề mà cuộc sống vẫn không khá hơn. Được cán bộ xã tuyên truyền, vận động, tôi quyết tâm học hỏi kiến thức từ các lớp dạy nghề, vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi. Tận dụng diện tích đất của gia đình, tôi đào ao thả cá, làm chuồng nuôi lợn, gà, kết hợp các nguồn thức ăn, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đến nay, tôi có gần 200 con gia cầm, 5 con lợn, 2 con trâu, mỗi lần xuất bán mang lại thu nhập cao, cuộc sống khá hơn”.
Theo số liệu thống kê đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 30,19%, giảm 5,87% so với năm trước, thu nhập bình quân đạt 23,85 triệu đồng. Huyện dự kiến đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 24,68%. Làm được như vậy, đây không chỉ là một tín hiệu đáng mừng mà còn khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ của một huyện biên giới xa xôi nhất tỉnh.

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững

Ưu tiên nguồn lực, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng

Công ty Điện lực Lai Châu thành lập các đội quản lý khu vực

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Công bố quyết định thành lập các Đội quản lý Điện lực khu vực và công tác cán bộ







