

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển ngành Nông nghiệp tỉnh ta đạt nhiều kết quả nổi bật. Các chỉ tiêu diện tích, năng suất, sản lượng lúa đông xuân vượt so với kế hoạch; an ninh lương thực trên địa bàn đảm bảo. Triển khai cánh đồng tập trung sử dụng giống lúa thuần chất lượng tiếp tục được duy trì mở rộng (tăng 326ha so với cùng kỳ năm trước), cơ cấu giống lúa thuần chất lượng tiếp tục tăng (chiếm 82% diện tích), chủ yếu là nghi hương 2308, việt lai 20, LC270, hương thơm số 1. Tiếp tục mở rộng phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao; diện tích, sản lượng chè không ngừng tăng, đến nay đạt 6.373ha (trồng mới 190ha).
Mối liên hệ giữa doanh nghiệp và nông dân trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được duy trì và phát triển. Nông dân tích cực, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng: tổng diện tích chuyển đổi 998ha (705ha ngô, 293ha lúa nương) sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao như: chuối, chè, quế, mắc ca, sa nhân, nghệ… Tình hình chăn nuôi lợn có xu hướng giảm mạnh do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi; các loại gia súc, gia cầm khác cơ bản ổn định; công tác nuôi trồng thủy sản tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, diện tích mặt nước hồ ước trên 16.600ha (trong đó diện tích ao nuôi trồng thủy sản đạt hơn 949ha, đạt 104% kế hoạch).
Quang cảnh Hội nghị.
Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng được thực hiện tốt từ đầu vụ nên không có thiệt hại lớn trên ruộng đồng; phòng chống đói, rét cho vật nuôi và thủy sản, vệ sinh thú y, quản lý thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi… được tăng cường. Đối với tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc có diễn biến khó lường với tổng số đàn gia súc mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy là 5.318 con. Trong đó, hơn 5.100 con lợn phải tiêu hủy vì bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Ngay sau khi phát hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND các huyện có dịch đi kiểm tra, nắm bắt tình hình dịch bệnh và hướng dẫn chính quyền địa phương, hộ chăn nuôi triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Công tác trồng rừng mới tiếp tục được các đơn vị và huyện, thành phố chỉ đạo sát sao; quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng được triển khai liên tục, đúng pháp luật; chi trả dịch vụ môi trường rừng đúng định mức, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ lên 49,29%. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục tập hợp được sức mạnh đoàn kết, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp, toàn thể Nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh đạt bình quân 13,43 tiêu chí/xã; tỷ lệ số xã đạt chuẩn 19 tiêu chí là 30%; số xã đạt 19 tiêu chí là 29 xã; không còn xã dưới 5 tiêu chí…
6 tháng cuối năm, 7 chỉ tiêu cụ thể, 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra và đặt quyết tâm thực hiện. Trong đó, tập trung sản xuất vụ mùa đảm bảo, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trên 22.700ha; tăng cường giám sát tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng chính; nắm bắt tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phòng chống chữa cháy rừng…
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu tập trung vào công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; sâu bệnh trên ngô; chăm sóc cây ăn quả; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; vấn đề an toàn thực phẩm; quản lý vùng nguyên liệu chè, mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; tiềm năng phát triển thủy sản…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Tống Thanh Hải – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao nỗ lực của các huyện, thành phố trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm. Thời gian tới, đồng chí yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện, thành phố kiên quyết chỉ đạo không để xảy ra sâu hại bệnh phát triển rộng; đảm bảo cơ cấu vụ mùa, nâng cao chất lượng các giống lúa chất lượng cao. Đầu tư thâm canh, chăm sóc diện tích chè đã trồng và cho thu hoạch nhằm nâng cao năng suất, sản lượng chè búp tươi; phát triển cây ăn quả theo hướng chuyên canh ở từng vùng. Tiếp tục kiểm soát, phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Phối hợp với các phòng, ban liên quan sử dụng các nguồn vốn lồng ghép để phát triển đàn gia súc (trâu, bò, ngựa) và gia cầm để bù đắp sản lượng thịt lợn hơi do dịch tả lợn Châu Phi gây hại. Quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; phối hợp với các sở, ban, ngành giúp đỡ huyện Tân Uyên đẩy nhanh tiến độ phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới...

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Công bố quyết định thành lập các Đội quản lý Điện lực khu vực và công tác cán bộ

Nùng Nàng vào vụ thu hoạch lê

Nhiều giải pháp giảm nghèo ở Bình Lư
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Tam Đường







