

Gia đình ông Vì Văn Nhiên ở bản Nà Bỏ, nhiều năm qua luôn nỗ lực mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản thay cho sản xuất ngô, lúa. Năm 2010, gia đình ông chuyển đổi diện tích ruộng sang đào 1 ao với diện tích mặt nước nuôi thả cá khoảng 2.000m2. Nhận thấy, nuôi trồng thuỷ sản hiệu quả kinh tế cao, cá ít dịch bệnh, ông mạnh dạn cải tạo 5.000m2 vườn tạp, ruộng cấy lúa kém hiệu quả để đào ao thả các loại cá trắm, trôi, rô phi đơn tính. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cá lớn nhanh, ít dịch bệnh, trừ chi phí cho thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/năm.
Năm 2019, ông Trần Văn Dìn ở bản Giang mạnh dạn vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Đường để đầu tư vào việc nuôi cá. Bấy giờ, ông chuyển đổi 2.000m2 ruộng 1 vụ ngô, lúa sang nuôi trồng thuỷ sản, chủ yếu các loại cá: trắm, trôi, mè, chép và rô phi đơn tính. Ngoài việc đầu tư giống cá, ông vừa học hỏi kinh nghiệm nuôi cá qua các lớp tập huấn, sách báo, tivi. Mỗi năm, ông thả 1 tạ giống cá các loại. Dịp cuối năm, thu hoạch hơn 10 tấn cá bán ra thị trường, thu lãi trên 40 triệu đồng.
Bản Giang là xã có tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hoá. Xã có tổng diện tích tự nhiên trên 3.560ha, gồm 7 bản, 840 hộ với trên 3.700 nhân khẩu. Để nâng cao thu nhập gia đình, những năm qua, bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển vùng chè, cây mắc-ca; thâm canh, tăng vụ ngô, lúa nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân. Cấp uỷ, chính quyền địa phương chú trọng quan tâm động viên nông dân mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản. Người dân tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên về nguồn nước phong phú của các dòng suối chảy qua xã. Đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống ao nuôi trồng thuỷ sản phân bố rộng khắp. Hiện, toàn xã có trên 81ha mặt nước ao nuôi trồng thuỷ sản, tăng 40ha so với năm 2010. Mỗi năm, xã cung cấp ra thị trường gần 300 tấn cá thương phẩm các loại, như: trắm, trôi, chép, mè, rô phi đơn tính.
Để giúp người dân có thêm thu nhập từ chăn nuôi thủy sản, hàng năm, xã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt người dân vay vốn ưu đãi để mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, phối hợp với cán bộ chuyên môn huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về phương pháp lựa chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho thuỷ sản.
Với kết quả trên, thời gian tới, xã Bản Giang tiếp tục phối hợp với các đơn vị ngân hàng trên địa bàn triển khai việc bình xét, giúp đỡ bà con tiếp cận vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Đồng thời, vận động bà con sử dụng hiệu quả nguồn nước sạch mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản, nhằm giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân xây dựng Bản Giang ngày càng giàu đẹp.
Tin đọc nhiều

Cho dòng điện thêm xa, thêm mạnh
Khách hàng là trung tâm của sự phát triển bền vững

Nhân rộng diện tích trồng sâm Lai Châu

“Mở đường” cho nông sản vùng thấp Sìn Hồ
UBND huyện Nậm Nhùn tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 5

Lai Châu chuẩn bị tổ chức sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử”

Huyện Tam Đường: Vào vụ trồng chanh leo

Bước chuyển mình đáng tự hào








