

Tại Hội chợ thương mại do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh phối hợp với huyện Sìn Hồ tổ chức ngày 19/1, trò chuyện với chúng tôi, chị Lò Thị Trâm ở bản Pa Tần 2 (xã Pa Tần) cho biết: Hôm nay, lên trung tâm huyện thăm người thân và giải quyết một số việc cá nhân, tôi thấy những băng rôn quảng cáo và được bà con giới thiệu đang có Hội chợ, tôi cùng chồng đã tới đây. Các mặt hàng rất phong phú như: quần áo, giày dép, đồ điện tử… và cơ bản do Việt Nam sản xuất. Tôi rất thích dùng hàng Việt Nam vì mẫu mã đẹp, bền, giá hợp lý. Tôi và chồng đang chọn nồi cơm điện, quần áo và một số đồ dùng phục vụ sinh hoạt gia đình.
Được biết, Hội chợ có khoảng 60 gian hàng thương mại của các công ty, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài tỉnh trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm: may mặc, giày da, hàng gia dụng, đồ điện tử… và đa số trong nước sản xuất. Hội chợ là một trong những hoạt động được tổ chức thường niên trong năm nhằm giúp các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Người dân mua hàng Việt tại điểm bán hàng di động của các tiểu thương tại xã Nậm Tăm.
Tới xã Nậm Tăm một ngày giữa tháng 1, không khí tại trung tâm xã nhộn nhịp hơn vì có tiểu thương ở thành phố Lai Châu và ngoài tỉnh chở hàng đến bán. Bà con vừa tranh thủ lựa chọn cho gia đình những món đồ cần thiết. Chị Trung Thị Nghị (phường Đông Phong, thành phố Lai Châu) chia sẻ: Gia đình tôi có kho hàng tại thành phố Lai Châu, trung bình 2-3 lần/tuần tôi và chồng cùng một số anh em thuê xe tải chở hàng tới những xã, bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh để bán. Hàng hóa chủ yếu là bát đĩa, ấm chén, nồi niêu, xoong chảo… 100% được nhập từ những làng nghề có thương hiệu tại các tỉnh, thành như: gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), đồ gia dụng Hải Phòng... Tôi chọn hàng Việt để buôn bán vì mẫu mã đẹp, đa dạng chủng loại, giá cả phù hợp với túi tiền của đồng bào. Hàng Việt được bà con mua rất nhiều. Trung bình mỗi ngày tôi bán khoảng 10-15 triệu đồng tiền hàng.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, không chỉ địa phương thuận lợi mà những xã vùng sâu, vùng xa như: Nậm Hăn, Nậm Cuổi, Làng Mô… giao thông khó khăn, không có chợ, chỉ là những quán bán hàng tạp hóa quy mô khá nhỏ với những mặt hàng như: bán kẹo, dầu ăn, nước giải khát… nhưng tất cả đều là do Việt Nam sản xuất và khi nhập hàng được nhà phân phối giao hàng tận nơi mà không phải vất vả đi lại. Ông Lê Danh Thìn – Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Sìn Hồ cho biết: Có được sự tin tưởng của Nhân dân đối với hàng Việt như hôm nay là kết quả của việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phòng đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động; phối hợp với Tổ công tác liên ngành 389 huyện, Đội Quản lý thị trường số 4 tăng cường kiểm tra và vận động các cơ sở buôn bán lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhất là ưu tiên buôn bán hàng Việt nhằm kích cầu và quảng bá, phát triển thương hiệu hàng hóa do Việt Nam sản xuất. Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện tổ chức hội chợ thương mại, bày bán các mặt hàng Việt Nam, sản phẩm địa phương sản xuất; tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp, đơn vị trong, ngoài nước mở cơ sở, các điểm bán hàng Việt di động tại trung tâm huyện, các xã, bản vùng sâu, vùng xa. Từ năm 2014 đến nay, huyện đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 6 hội chợ thương mại đưa hàng Việt lên vùng cao và nông thôn.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” góp phần thay đổi thói quen mua sắm của các gia đình trên cao nguyên Sìn Hồ. Với những hoạt động giới thiệu, quảng bá, kích cầu tiêu dùng của địa phương, hộ kinh doanh thời gian qua, người tiêu dùng vùng cao, biên giới đã và đang được tiếp cận, thụ hưởng sản phẩm hàng Việt chất lượng.

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Công bố quyết định thành lập các Đội quản lý Điện lực khu vực và công tác cán bộ

Nùng Nàng vào vụ thu hoạch lê

Nhiều giải pháp giảm nghèo ở Bình Lư
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Tam Đường







