

Từ trăn trở...
“Làm cán bộ nông nghiệp, khuyến nông cũng vất vả thật”. Đó là nhận xét chung của chúng tôi khi gặp họ trên những cung đường quanh co, trắc trở vùng cao.
Mô hình nuôi gà lương phượng được triển khai đến từng hộ dân ở xã Làng Mô (huyện Sìn Hồ). Tuy nhiên, sau mô hình, còn bao nhiêu gia đình tiếp tục nuôi giống gà này?
Anh Vũ Hữu Lưỡng – Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Phong Thổ tâm sự: “Để có được các dự án trồng lúa, ngô giống mới, nuôi vịt, gà... chúng tôi phải nắm được điều kiện thổ nhưỡng của từng bản, từng xã. Sau đó nghiên cứu xem mô hình kinh tế nào thực sự phù hợp với ưu thế của địa phương”.
Câu hỏi tưởng như dễ nhưng lại khá hóc búa với cán bộ nông nghiệp. Phần lớn đất đai miền núi là đá sỏi, lượng nước tưới không phải lúc nào cũng đảm bảo, các gia đình trình độ học vấn, hiểu biết thấp nên cần được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để áp dụng vào thực tế gia đình... Tất cả những yếu tố trên ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế của người dân.
Ở các phòng NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông huyện, thị xã hiện nay, đội ngũ cán bộ trẻ, giàu nhiệt huyết chiếm số đông, họ có nhiều cơ hội học hỏi tỉnh bạn qua sách, báo, internet và có không ít ý tưởng mới để xây dựng các mô hình hợp lý. Lời giải mà cán bộ nông nghiệp, khuyến nông đưa ra là: phải mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với từng gia đình, từng địa phương. Từ đó, nhiều mô hình khả thi đã được cấp vốn, giống, phân bón... đến từng gia đình để người dân có thể làm kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương. Cán bộ nông nghiệp, khuyến nông còn mở các lớp tập huấn hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi hiệu quả.
Ông Tăng Văn Vi ở bản Noong Luống, xã Bình Lư (huyện Tam Đường) cho biết: “Gia đình tôi từng tham gia dự án trồng khoai lang Nhật. Chúng tôi được tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án thành công và còn được cán bộ hướng dẫn chăm sóc, thu hoạch, thu mua sản phẩm”.
... đến tín hiệu vui ban đầu
Sau vài tháng chăn nuôi, trồng trọt theo hướng mới, khi thu hoạch, chính bà con cũng thấy bất ngờ bởi kết quả đạt khá cao.
Bà Teo Thị Nê (ở bản Huội Bảo) chỉ cho chúng tôi xem đàn vịt lai và ruộng lúa giống LC25 thử nghiệm của gia đình bà: Trên đất khó, dưới bàn tay con người, đàn vịt lai nặng từ 3 – 4kg chỉ sau 4 tháng chăm sóc; giống lúa LC25 sinh trưởng khỏe, bông to cho thu hoạch đến 63 tạ/ha.
Hay như giàn gấc lúc lỉu quả chín của gia đình chị Nhẫn ở phố Quyết Thắng 3, phường Quyết thắng (thị xã Lai Châu), niềm vui của chị cũng là niềm vui của 500 hộ tham gia dự án. Ngày thu hoạch, 2 nghìn gốc gấc nhà chị cùng với các gia đình khác đều được Công ty chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 1.000 đồng/kg gấc chín.
Khó có thể tả được nét vui mừng trên mặt người nông dân khi mỗi mô hình được triển khai, giọt mồ hôi lăn rơi trên nụ cười hân hoan mùa thu hoạch. Bởi đã có một mùa bội thu, lại không phải lo lắng đầu ra. Đó là các mô hình trồng măng tre bát độ ở xã Tủa Sín Chải (huyện Sìn Hồ); nuôi gà lương phượng ở xã Làng Mô (huyện Sìn Hồ)...
Hậu những mô hình… chưa vững chắc
Trong những buổi Hội thảo để tổng kết, rút kinh nghiệm về mỗi mô hình kinh tế, bà con thường có ý kiến mong muốn được đưa con, cây giống mới vào tăng gia sản xuất, để có việc làm ổn định và thoát nghèo trên mảnh đất quê mình. Sau khi dự án thành công, công nghệ thường được chuyển giao lại cho bà con với hy vọng các mô hình sẽ được nhân rộng, phát triển thành trang trại chứ không chỉ là chăn nuôi, trồng trọt trong sân vườn.
Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, khi chúng tôi quay trở lại, mô hình chỉ còn sót lại ở số ít gia đình và quy mô vẫn trong những khu vườn nhỏ. Tại sao vậy? Chúng ta đều biết rằng đồng bào miền núi trình độ văn hóa chưa cao, khi không còn người “sát cánh” cùng làm và bao tiêu sản phẩm, tự thân họ vẫn chưa tự vận động được để tìm đầu ra cho sản phẩm. Kết quả là nghèo vẫn hoàn nghèo, chính tay họ lại dỡ bỏ những cây, con giống mới, cho thu hoạch cao để quay lại chăn nuôi, trồng trọt theo kiểu truyền thống.
“Làm sao để hậu mô hình vững chắc?” là câu hỏi mới đặt ra cho những cán bộ nông nghiệp, khuyến nông trăn trở với nghề, cũng là câu hỏi khó với một tỉnh nghèo như tỉnh ta. Bởi vì đưa ra một cách làm mới đã khó, giữ vững và phát triển nó còn khó hơn rất nhiều. Thực tế đã có mô hình đứng vững và tạo được thương hiệu như địa lan Sìn Hồ. Hướng mô hình chỉ thử nghiệm vài ba tháng trở thành cách làm giàu của bà con lâu dài – cần sự chung tay của tất cả các ban, ngành khác, không riêng gì ngành nông nghiệp. Và cần nhất vẫn là thay đổi nhận thức cho bà con.
Tin đọc nhiều

Phát huy vai trò của ngành Điện xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững

Chè cổ thụ trên đất Tả Lèng

Giá sắn giảm mạnh, nông dân Hoang Thèn gặp khó
Nông nghiệp Phúc Than nhiều khởi sắc

Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình
Nậm Hàng tích cực chăm sóc lúa đông xuân
Nông dân Bản Giang: Phát triển nông nghiệp hàng hóa

Thủ tướng tiếp đoàn 60 doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ, thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam









