

Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết những thuận lợi, khó khăn và kết quả đạt được nổi bật của thành phố Lai Châu sau 15 năm xây dựng và phát triển?
Đồng chí Lương Chiến Công: Thị xã Lai Châu (nay là thành phố Lai Châu) được thành lập theo Nghị định số 176/2004/NĐ-CP ngày 10/10/2004 của Chính phủ với diện tích tự nhiên trên 7.077ha, gồm 7 đơn vị hành chính (5 phường, 2 xã). Những năm đầu mới thành lập còn rất nhiều khó khăn: kinh tế ở điểm xuất phát thấp, quy mô kinh tế, dân số nhỏ, nền kinh tế kém phát triển, xa các trung tâm kinh tế của cả nước, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) còn nghèo nàn, nhất là hệ thống đường giao thông kết nối với các khu vực kinh tế phát triển. Phương thức sản xuất còn lạc hậu, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân còn nhiều khó khăn, chưa hình thành nếp sống đô thị...
Một góc thành phố Lai Châu. Ảnh: Ninh Tuyên
Song, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh; sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu; sự quan tâm giúp đỡ của các sở, ban, ngành tỉnh cùng sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị thành phố và sự đồng thuận cao của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, qua 15 năm xây dựng và phát triển, thành phố Lai Châu có những bước chuyển mình mạnh mẽ, xứng đáng với vị thế là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, từng bước vươn mình trở thành đô thị hiện đại, văn minh, phát triển bền vững trong khu vực Tây Bắc của Tổ quốc. Kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kinh tế phát triển nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao, tiệm cận mức sống trung bình bình quân của cả nước; bộ mặt đô thị khang trang, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Ngày 1/2/2013, thị xã Lai Châu đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III và đến ngày 27/12/2013 được Thủ tướng Chính phủ ký Nghị quyết số 131/NQ-CP về việc thành lập thành phố Lai Châu thuộc tỉnh (hoàn thành sớm hơn 1 năm so với kế hoạch).
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng giá trị sản xuất khu vực dịch vụ và khu vực công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Dự ước đến hết năm 2019: tổng giá trị sản xuất đạt 7.063 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế: dịch vụ 64,19%; công nghiệp - xây dựng 31,15%; nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản 4,66%. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 235 tỷ đồng, tăng 30 lần so với năm 2005; thu nhập bình quân đầu người đạt 51,6 triệu đồng/người/năm (tăng 10,3 lần so với năm 2005); giá trị hàng xuất khẩu hàng địa phương đạt 3,05 triệu USD. Tổng lượng khách du lịch đến địa bàn đạt gần 119.000 lượt người (tăng hơn 4,5 lần so với năm 2004); doanh thu đạt 243 tỷ đồng, tăng hơn 16 lần so với năm 2004.
Thành phố đã và đang tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp bình quân đạt trên 17,8%/năm. Cơ cấu ngành Nông nghiệp chiếm 5% tổng giá trị sản xuất toàn thành phố; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên một đơn vị diện tích đạt 116 triệu đồng/ha/năm, riêng vùng chuyên canh đạt 220 triệu đồng/ha/năm. Thực hiện phát triển vùng chè chất lượng cao với diện tích 709ha chè (trồng mới 205ha), 135ha cây ăn quả có múi và cây ôn đới (trồng mới 101ha), trồng mới 80,4ha mắc-ca trồng thuần, 100ha mắc-ca xen chè; phát triển vùng sản xuất rau thủy canh với tổng diện tích nhà lưới 2.400m2; vùng sản xuất hoa 60ha...
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) được tập trung chỉ đạo quyết liệt; đến hết năm 2017, thành phố có 2/2 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM (xã San Thàng được công nhận năm 2014, xã Nậm Loỏng được công nhận năm 2017); thành phố đã hoàn thiện hồ sơ gửi cấp có thẩm quyền công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Toàn thành phố hiện có 22/23 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 22 trường so với năm học 2004 - 2005; 100% đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trở lên. 96,5% hộ gia đình, 59,46% bản, tổ dân phố, 96,4% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa; 7/7 xã, phường, 63/74 bản, tổ dân phố có nhà văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,76%, giảm gần 18 lần so với năm 2005. Số người được tạo việc làm giai đoạn 2005 - 2018 là 10.822 người, trong đó đưa 16 lao động đi làm việc ở nước ngoài...
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh, thành phố rất quan tâm, chú trọng đến việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công, trợ cấp các đối tượng bảo trợ xã hội, các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa; thăm hỏi các gia đình có công với cách mạng, nhất là vào những dịp lễ, tết, ngày thương binh liệt sỹ (27/7) hàng năm...
Phóng viên: Bí quyết nào để thành phố đạt được kết quả đáng tự hào trên, thưa đồng chí?
Đồng chí Lương Chiến Công: Có được những thành tựu quan trọng như trên, trước hết là nhờ sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Trung ương, của tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, sự đồng thuận của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc thực hiện các giải pháp đột phá mang tính chiến lược của thành phố, cùng với việc phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất toàn Đảng bộ trong thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ; tập trung trí tuệ, trách nhiệm của tập thể gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Lãnh đạo toàn diện, xác định thứ tự ưu tiên các chương trình, dự án để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư trên địa bàn thành phố để tập trung phát triển KT-XH. Quan tâm, thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng đô thị. Đẩy mạnh phát triển KT-XH đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; quan tâm củng cố, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Tăng cường phối hợp, thống nhất giữa sự lãnh đạo của cấp ủy với sự điều hành của chính quyền, đồng thời phát huy vai trò vận động quần chúng và đẩy mạnh các phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội các cấp, từ đó tạo đồng thuận cao trong Nhân dân.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh giai đoạn 5 năm, hàng năm đảm bảo bám sát Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội theo giai đoạn, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, Nghị quyết của HĐND thành phố, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, đồng thời bám sát tình hình thực tế của thành phố và định hướng phát triển đô thị.
Phóng viên: Đồng chí cho biết mục tiêu phát triển của thành phố trong giai đoạn 2020 - 2025 và những giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu đó?
Đồng chí Lương Chiến Công: Trong giai đoạn 2020 - 2025, thành phố Lai Châu xác định mục tiêu xây dựng thành phố Lai Châu đảm bảo chức năng là vùng động lực cho sự phát triển chung của tỉnh Lai Châu. Kinh tế phát triển theo hướng văn minh, bền vững, thân thiện môi trường, là đô thị năng động, hiện đại, có hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; kinh tế phát triển nhanh, bền vững; quốc phòng - an ninh được đảm bảo, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân tiếp tục nâng cao ngang bằng với mức thu nhập bình quân của cả nước; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, tạo tiền đề vững chắc để phát triển thành phố ở giai đoạn tiếp theo.
Để đạt được những mục tiêu quan trọng nêu trên, thành phố Lai Châu xác định tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp mang tính đột phá như:
Trình UBND tỉnh đề nghị cấp có thẩm quyền thực hiện sáp nhập một số khu vực lân cận vào thành phố để đáp ứng tiêu chí về quy mô dân số và diện tích đô thị theo quy định. Phối hợp với các sở, ngành chức năng, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định, phù hợp với định hướng phát triển vùng, định hướng phát triển của tỉnh và nhu cầu phát triển của thành phố. Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất, mở rộng địa giới hành chính; phát huy hiệu quả nguồn lực về đất đai, rà soát các khu đất có lợi thế để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp; rà soát, kiện toàn bộ máy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phát triển sản xuất kinh doanh. Tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn; áp dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách thúc đẩy tái cơ cấu để phát triển; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo nghề gắn với sử dụng lao động.
Thực hiện tái cơ cấu trong từng ngành kinh tế, trong đó chú trọng thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại, du lịch, tăng cường tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Khuyến khích đổi mới công nghệ, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh. Xây dựng mô hình liên kết giữa nhà nông, doanh nghiệp và tiêu thụ sản phẩm tạo thành chuối giá trị sản phẩm.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Tăng gần 200 đồng/lít, giá xăng RON95-III vượt ngưỡng 20.000 đồng/lít

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững

Ưu tiên nguồn lực, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng

Công ty Điện lực Lai Châu thành lập các đội quản lý khu vực

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi







