

Tích cực thâm canh tăng vụ, đời sống người nông dân trên địa bàn xã San Thàng và phường Đông Phong những năm qua đã được cải thiện rõ rệt. Thực tế với diện tích đất sản xuất trên địa bàn, bà con nông dân ở đây đã trồng 4 vụ: 1 vụ lúa, 1 vụ ngô và 2 vụ rau và tạo ra nhiều sản phẩm nông sản cung cấp cho thị trường tại chỗ và vùng lân cận. Tuy nhiên, thu nhập từ các sản phẩm bà con lao động “một nắng hai sương” vẫn chưa tương xứng với công sức bỏ ra.
Nông dân bản Tả Sín Chải, phường Đông Phong (thị xã Lai Châu) thu hoạch rau bắp cải.
Hiện nay trên địa bàn thị xã Lai Châu có gần 30ha đất trồng rau và tập trung ở hai địa bàn là xã San Thàng và phường Đông Phong. Sau khi kết thúc vụ lúa mùa năm nay, bà con các dân tộc trên địa bàn háo hức ra đồng làm đất, xuống giống rau. Vụ rau đầu tiên trong năm chủ yếu phù hợp với các giống cải ngồng, cải bắp và cải đông dư. Thời tiết năm nay rất ủng hộ người nông dân khi các giống rau sau khi trồng đều phát triển và sinh trưởng tốt. Nhưng niềm vui “chẳng tày gang” khi điệp khúc “được mùa – mất giá” lại xuất hiện, khiến người nông dân đắng lòng.
Theo nhiều người dân ở đây cho biết, từ khi tách tỉnh đến nay, thông thường năm trước thời tiết không ủng hộ mất mùa thì năm sau thời tiết lại thuận lợi và được mùa. Kinh nghiệm của người nông dân đã đúng khi các cánh đồng rau trên địa bàn thị xã đều tươi tốt. Sau hơn 2 tháng trồng và chăm sóc, lứa rau đầu tiên đã cho thu hoạch và bắt đầu cung cấp ra thị trường.
Dù rau mất giá, song bà con vẫn đang tích cực chăm sóc diện tích rau trồng muộn và mong thời gian tới sẽ tăng giá.
Trên cánh đồng bản Tả Sín Chải (phường Đông Phong), dù rau đã bước vào vụ thu hoạch nhưng không khí thu hoạch lại ảm đạm. Nếu như những năm trước các thương lái về tận chân ruộng để thu mua thì năm nay người nông dân phải mang đến tận chợ để giao hoặc chở từng xe rau đi bán lẻ. Chỉ có một số ít các hộ nông dân trồng sớm, rau đến lứa nên mới phải thu hoạch vì sợ già.
Anh Nguyễn Văn Hà, ở bản Tả Sín Chải – một trong những người trồng rau nhiều ở đây cho biết, gia đình anh trồng hơn 5.000m2 rau cải bắp đến nay đã cho thu hoạch, nhưng giá chỉ 5 – 6 nghìn đồng/kg. Với diện tích rau của gia đình, anh đã đầu tư gần 30 triệu đồng tiền giống, phân và thuốc bảo vệ thực vật. Giá rau rẻ nhưng các thương lái không mấy mặn mà nên anh phải thuê xe ô tô chở đi các huyện như: Phong Thổ, Sìn Hồ để bán.
Qua thực tế tìm hiểu giá các loại rau ở các chợ trên địa bàn thị xã, các tiểu thương vẫn bán với giá chênh lệch từ 5 – 6 nghìn đồng so với giá người nông dân cung cấp. Cụ thể, giá 1kg bắp cải tại chợ Đoàn Kết có giá từ 10 – 12 nghìn đồng/kg, 1kg xu hào 15 nghìn đồng/kg, 13 – 15 nghìn đồng/kg cải ngồng… Một số tiểu thương ở đây cho biết, thời gian qua, rau ở các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Vĩnh Phúc chuyển lên nhiều, mẫu mã đẹp nên người tiêu dùng ưa thích hơn các loại rau trồng ở địa phương.
Nhiều năm nay việc sản xuất rau của người nông dân trên địa bàn tỉnh ta vẫn gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng thời vụ như rau xanh. Các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã tính toán và triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của người nông dân nhưng hiệu quả vẫn chưa thấy.
Việc tiêu thụ rau xanh của bà con trên địa bàn hiện nay vẫn phụ thuộc và các thương lái và nghịch lý “được mùa – mất giá” vẫn diễn ra hàng năm. Để đảm bảo chất lượng và ổn định đầu ra cho mặt hàng rau xanh của nông dân ở xã San Thàng và phường Đông Phong, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết “4 nhà”, nhằm khuyến khích người nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
Tin đọc nhiều

Huyện Tam Đường: Bảo vệ rừng từ quản lý chặt chẽ xử lý thực bì

Đưa sản phẩm nông sản Lai Châu vươn xa

Trồng mắc ca tại Pha Mu đã có tín hiệu vui
Bảo vệ tốt diện tích rừng
“Chạy đua” thời gian, đảm bảo tiến độ

Khổng Lào hình thành vùng trồng lạc
Nâng cao thu nhập cho người dân từ chăn nuôi
Phát triển giao thông - kết nối vùng








