

Những ngày này, các địa phương trên địa bàn huyện Sìn Hồ triển khai công tác chuẩn bị cho mùa trồng rừng năm 2025. Ở những nơi đất trống, đồi trọc, người dân phát dọn thực bì, cải tạo đất, đào hố chuẩn bị trồng cây, tìm nguồn nước, lối đi để công việc diễn ra suôn sẻ. Nhiều hộ còn đăng ký nhận giao khoán, bảo vệ rừng trồng mới, nhường lại đất nương để trồng rừng, sớm đạt chỉ tiêu đề ra.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, ngay từ đầu năm, khi huyện được UBND tỉnh giao chỉ tiêu trồng rừng 810ha (trong đó: trồng quế 100ha, rừng thay thế 10ha, 700ha cây lâm nghiệp khác), HĐND, UBND huyện đã ban hành các nghị quyết, quyết định về giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, trong đó, trồng rừng là chỉ tiêu quan trọng cần thực hiện. Huyện cử đoàn công tác phối hợp với UBND các xã, thị trấn khảo sát thực tiễn, đo đạc, đánh giá chất lượng đất, khí hậu xem phù hợp với giống cây nào; tính toán các phương án thực hiện như: số lượng cây giống, ảnh hưởng của thời tiết, đường đi lối lại, việc vận chuyển ra sao, số lượng người tham gia, từ đó rà soát, thiết kế xây dựng dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Không những vậy, huyện đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về mục đích, ý nghĩa của trồng rừng, lợi ích, tác hại của việc có hoặc mất rừng, vận động bà con chung tay góp sức, hiến đất nương tăng diện tích rừng, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Ngoài ra, phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp giống để thực hiện sớm nhất mục tiêu đề ra.
Người dân bản Nhiều Sáng (xã Làng Mô) phát dọn thực bì, chuẩn bị trồng rừng.
Chung sức đồng lòng, việc trồng rừng đang dần triển khai, dự kiến vào tháng 6, tháng 7 huyện sẽ tiến hành trồng để tận dụng nguồn nước mưa, đồng thời chống xói mòn, sạt lở đất, lũ xảy ra. Các địa phương huy động sức dân, sức của để làm đường giao thông, mở lối đi để xe chở giống tới nơi, chuẩn bị phương tiện, công cụ, bố trí, sắp xếp thời gian hợp lý. Đối với những nơi đất cằn cối, huy động nhân dân bổ sung thêm các loại đất có chất dinh dưỡng, ủ phân xanh, phân chuồng rải tại nơi trồng, giúp cây có độ bám, sinh trưởng, phát triển tốt. Được biết, năm 2024, huyện Sìn Hồ được tỉnh giao trồng 200ha rừng, huyện giao thêm cho các xã 400ha và kết quả thực hiện được 267,24ha, đạt 133,6% kế hoạch của tỉnh, 66,81% kế hoạch huyện, chủ yếu là trồng các loại cây: quế, hông, phần lớn là ở các xã vùng thấp.
Đối với các loại cây giống được quan tâm bảo quản tốt. Trong quá trình vận chuyển đến nơi trồng, cây giống được xếp vào thùng xốp, đặt ngay ngắn từng vị trí, dễ dàng cho việc đưa đến các địa điểm. Được biết, quy trình trồng rừng là 1 năm trồng, 3 năm chăm sóc, đến năm thứ 4 mới đánh giá thành rừng và đưa vào tỷ lệ che phủ rừng. Vì vậy, trong khoảng thời gian đó, các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân bảo vệ, chăm sóc, xúc tiến tái sinh rừng. Đến nay, diện tích rừng toàn huyện là 67.933,8ha, tỷ lệ độ che phủ đạt 42,4%. Mỗi năm, người dân hưởng lợi hơn 31 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, thay đổi cuộc sống.
Làng Mô là xã vùng cao của huyện với 7 bản, chủ yếu là dân tộc Mông, Dao sinh sống. Khi được giao chỉ tiêu về trồng rừng, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận, tham gia. Tiến hành đo đạc, khoanh vùng diện tích đất, huy động người dân các bản tham gia trồng rừng, đồng thời, chăm sóc, bảo vệ, xử lý nghiêm các hành vi phá hoại. Hiện nay, diện tích rừng của xã là 5.205,7ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 50,5%. Năm 2024, xã trồng 20ha rừng mới và năm nay trồng 5ha, dự kiến tiến hành trồng trong tháng 6.
Anh Tẩn Cù Chả (bản Nhiều Sáng, xã Làng Mô) cho biết: Rừng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế đối với dân bản mà còn bảo vệ bản tránh khỏi thiên tai, nên khi có chủ trương trồng rừng là cả bản tham gia, nhận khoanh nuôi, bảo vệ, nhiều hộ còn nhường lại đất nương để trồng rừng. Bản đưa nội dung bảo vệ, phát triển rừng vào quy ước để thực hiện, ai vi phạm sẽ xử lý theo quy định.
Anh Nguyễn Khắc Tiệp - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện cho biết: Hiện nay, huyện còn hơn 3.000ha đất trống để phục vụ việc phủ xanh. Với chỉ tiêu được giao năm nay, huyện sẽ tập trung mọi nguồn lực đảm bảo đúng tiến độ, huy động sức dân tham gia trồng, bảo vệ, góp phần mang lại màu xanh nơi huyện vùng cao, biên giới.
Tin đọc nhiều

Cho dòng điện thêm xa, thêm mạnh
Khách hàng là trung tâm của sự phát triển bền vững

Nhân rộng diện tích trồng sâm Lai Châu

“Mở đường” cho nông sản vùng thấp Sìn Hồ
UBND huyện Nậm Nhùn tổ chức Phiên họp thường kỳ tháng 5

Lai Châu chuẩn bị tổ chức sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử”

Huyện Tam Đường: Vào vụ trồng chanh leo

Bước chuyển mình đáng tự hào








