

Trở lại xã Tà Tổng lần này, chúng tôi ấn tượng với màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng phủ khắp các ngọn đồi núi. Điều đó, khiến không khí ở đây luôn trong lành, mát mẻ, dễ chịu.
Người dân bản Tà Tổng, xã Tà Tổng (huyện Mường Tè) phát dọn thực bì làm đường băng cản lửa.
Dẫn chúng tôi tham quan khu rừng của bản Tà Tổng, anh Giàng A Sính - thành viên tổ bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) của bản chia sẻ: “Tổ bảo vệ, PCCCR của bản có 20 người, các thành viên trong tổ thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng, nếu phát hiện chặt phá rừng hoặc đốt nương gây nguy cơ cháy rừng thì chúng tôi nhanh chóng báo cáo với cấp uỷ chính quyền xã, kiểm lâm địa bàn để xử lý kịp thời. Đồng thời, phối hợp cùng xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong bản phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa để tránh cháy rừng diện rộng. Nhờ bảo vệ tốt rừng, các gia đình được nhận gần 20 triệu đồng tiền chi trả DVMTR mỗi năm, không những vậy, rừng còn cho dân bản nước sinh hoạt, sản xuất, chống xói mòn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét hiệu quả. Mọi người ngày càng nâng cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng của bản”.
Xã Tà Tổng có 16.107,96ha rừng được chi trả DVMTR. Để nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ phát triển rừng, xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp, các quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó, ban hành các văn bản chỉ đạo, thực hiện ký cam kết bảo vệ rừng đến 100% gia đình.
Các bản thành lập đội tuần tra bảo vệ rừng, mỗi đội từ 15 - 20 người, thực hiện tuần tra ít nhất 1 lần/tháng, mùa hanh khô tuần tra, kiểm soát từ 2-3 lần/tháng. Đặc biệt, khi xảy ra cháy rừng, bản huy động mỗi hộ ít nhất một người tham gia dập cháy rừng. Xây dựng quy ước, hương ước về bảo vệ và phát triển rừng, nếu ai chặt gỗ, phá rừng làm nương sẽ bị phạt tiền tùy theo mức độ, tiền phạt sẽ được thu từ tiền chi trả DVMTR. Ngoài ra, lực lượng của bản phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con dân bản phát nương, đốt nương đúng quy trình kỹ thuật; bố trí người túc trực không để lửa lây lan vào rừng...
Lãnh đạo xã cùng tổ tuần tra, bảo vệ rừng của bản Tà Tổng (xã Tà Tổng) kiểm tra diện tích rừng được giao khoán.
Xã vận động người dân tham gia tố giác tội phạm, đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR. Thực hiện PCCCR theo phương châm bốn tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ” nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra. Trước mỗi mùa khô đến, cấp ủy, chính quyền xã phát động nhân dân tham gia phát dọn các tuyến đường băng cản lửa, bảo đảm khoảng cách an toàn giữa rừng và nương. Tổ chức ký cam kết với từng hộ về việc đốt nương làm rẫy an toàn, đúng giờ quy định. Phối hợp các bản tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ người, phương tiện ra vào rừng trên địa bàn để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm phá rừng, lấn chiếm đất rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nhiều năm gần đây, các bản của xã không xảy ra cháy rừng, hủy hoại rừng lớn nào, góp phần nâng tỷ lệ độ che phủ rừng của xã đạt trên 55%.
Hàng năm, nhân dân xã Tà Tổng được chi trả gần 16 tỷ tiền DVMTR, trung bình mỗi hộ được nhận từ 18 - 20 triệu đồng/năm. Nhờ đó, đời sống của dân bản ngày càng ấm no, nhiều hộ có điều kiện mua các đồ dùng cần thiết, phục vụ nhu cầu gia đình như: xe máy, tivi, tủ lạnh, máy giặt; nhiều hộ sắm thiết bị, nông cụ phục vụ sản xuất, cây, con giống để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu tại địa phương. Qua đó, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay lên 35 triệu đồng.
Với những lợi ích rừng mang lại, nhân dân xã Tà Tổng ngày càng quyết tâm quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng được giao khoán. Trong đó, cấp uỷ, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ, PCCCR đến các bản. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp, xóa đói nghèo, cải thiện cuộc sống của người dân.
Tin đọc nhiều

Huyện Tam Đường: Bảo vệ rừng từ quản lý chặt chẽ xử lý thực bì

Đưa sản phẩm nông sản Lai Châu vươn xa

Trồng mắc ca tại Pha Mu đã có tín hiệu vui
“Chạy đua” thời gian, đảm bảo tiến độ

Khổng Lào hình thành vùng trồng lạc
Nâng cao thu nhập cho người dân từ chăn nuôi
Phát triển giao thông - kết nối vùng

Than Uyên đẩy nhanh tiến độ chi trả dịch vụ môi trường rừng







