

Nông dân xã San Thàng (thành phố Lai Châu) thu hoạch lúa vụ mùa.
San Thàng hiện là xã có diện tích đất canh tác rộng (500ha), trong đó diện tích sản xuất lúa 213ha; rau, màu và hoa chiếm trên 100ha, còn lại là phát triển trang trại, gia trại tổng hợp. Các diện tích chuyển đổi đang phát huy giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với cấy lúa, trồng ngô, giúp nông dân có thêm việc làm, thu nhập. Trên các chân ruộng trũng khó khăn về cấy lúa được chuyển đổi sang diện tích nuôi cá với gần 80 ao, mang lại giá trị kinh tế đạt gần 200 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt 120 - 160 triệu đồng/ha. Hình thành 60ha cánh đồng sản xuất lúa tẻ dâu chất lượng cao; chuyển đổi 11ha lúa 1 vụ sang trồng hoa và 15ha rau chuyên canh. Xã cũng chuyển đổi 30ha đất ngô kém chất lượng sang trồng chè; cải tạo vườn tạp và trồng mới 46ha cây ăn quả. Theo tính toán, giá trị sản lượng mỗi hécta sau khi chuyển đổi đạt từ 120 - 150 triệu đồng/năm. Ngoài chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã tạo điều kiện, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 3 trang trại, 10 cơ sở cung cấp giống, vật tư, máy móc thiết bị nông nghiệp; hình thành trang trại sản xuất rau thủy canh với tổng diện tích nhà lưới 2.400m2. Theo đánh giá của anh Đào Mạnh Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã San Thàng (thành phố Lai Châu), sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, cơ cấu ngành nông nghiệp của xã đã đem lại giá trị kinh tế cao, giúp nâng cao hiệu quả trong sản xuất cho nông dân. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
San Thàng là 1 trong 2 xã của thành phố Lai Châu và là đại diện cho hàng trăm địa phương từ khu vực trung tâm đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh. Bởi, địa hình đồi núi cao, đất dốc, ít nơi có địa thế bằng phẳng nên việc đưa con gì, trồng cây gì cho phù hợp với điều kiện thực tế mỗi địa phương được tỉnh và các địa phương tính toán, lựa chọn kỹ. Ban Chấp hành Đảng bộ, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh, chỉ đạo, điều hành về lĩnh vực nông nghiệp sâu sát, cụ thể. Tỉnh xác định quan điểm: Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải dựa trên cơ chế thị trường, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực theo hướng khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, lợi thế của từng sản phẩm trên cơ sở phát huy cao nội lực, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ để sử dụng hiệu quả các nguồn lực: lao động, đất đai, mặt nước, rừng… Đồng thời, phải gắn với xây dựng các cơ sở chế biến, dịch vụ, sắp xếp, ổn định dân cư và giải quyết các vấn đề xã hội ở nông thôn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực, chủ trì thực hiện Nghị quyết đã phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đề án, dự án phát triển nông nghiệp như: Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; thu hút, hỗ trợ đầu tư các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; phát triển nông nghiệp xây dựng nông thôn mới; phát triển hạ tầng thiết yếu tại các khu sản xuất tập trung; phát triển cây quế, sơn tra, mắcca...
Nhiều giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng cao và có khả năng chống chịu tốt được đưa vào sản xuất thay thế dần các giống có năng suất, chất lượng thấp như: lúa J01, J02, thiên ưu 8, ngô CP333, MX10… Nhiều kỹ thuật canh tác tiên tiến được đưa vào sản xuất (áp dụng biện pháp IPM, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt…), đưa cơ giới hóa vào các khâu của quá trình sản xuất, qua đó từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ. Nhờ đó, vấn đề an ninh lương thực của tỉnh không những được đảm bảo mà một phần sản phẩm nông sản được bán ra thị trường ngoài tỉnh, đem lại giá trị kinh tế.
Trên những diện tích cho năng suất, sản lượng thấp, giờ đây đã hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa như: vùng trồng cây ăn quả ôn đới, vùng chè (huyện Tam Đường), vùng trồng chuối (huyện Phong Thổ), vùng trồng lúa chất lượng cao (huyện Tân Uyên, thành phố Lai Châu)… Các chính sách tỉnh ban hành đã tạo hành lang pháp lý để khuyến khích việc liên kết "4 nhà" trong nông nghiệp, giúp nông dân yên tâm sản xuất, không còn lo lắng trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm.
Phương thức chăn nuôi cũng có sự thay đổi từ thả rông không có kiểm soát sang chăn thả có kiểm soát, xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, dự trữ thức ăn, phòng chống đói, rét dịch bệnh cho vật nuôi. Do đó, số cơ sở chăn nuôi tập trung tăng cả về số lượng và quy mô. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 13 trang trại, 20 hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoạt động chăn nuôi (chủ yếu chăn nuôi lợn có quy mô từ 10 - 70 con nái, 50 - 500 con lợn thịt). Có 4 cơ sở chăn nuôi lợn gia công với quy mô từ 2.000 - 6.000 con. Đồng thời, có khoảng 1.280 gia trại chăn nuôi từ 15 con trâu, bò hoặc 20 con lợn hay 100 con gia cầm hoặc 30 con dê trở lên. Việc chăn nuôi theo hướng tập trung đã góp phần giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, tạo công ăn việc làm, ổn định an ninh trật tự, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Là tỉnh có xuất phát điểm thấp và Nông nghiệp vẫn là ngành chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Nghị quyết 26 góp phần nâng cao đời sống người dân, làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của nông dân để từ đó bà con sáng tạo, linh hoạt, mang lại nhiều thành tựu to lớn khác trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.
Tin đọc nhiều

Lai Châu chuẩn bị tổ chức sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử”

Huyện Tam Đường: Vào vụ trồng chanh leo

Bước chuyển mình đáng tự hào

Trồng chè theo hướng hữu cơ
Tam Đường bảo đảm nước sản xuất

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Đồng hành xây dựng sản phẩm OCOP

Nậm Nhùn sẵn sàng mùa trồng rừng









