

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, nhân dân các dân tộc huyện Phong Thổ đã nhanh chóng bắt nhịp quay trở lại cuộc sống với tràn đầy khí thế thi đua lao động sản xuất đầu năm. Khắp nơi bà con hăng hái ra đồng chăm sóc lúa, ngô, làm nương chuẩn bị canh tác vụ mới hay mở cửa hàng quán phục vụ khách sau những ngày nghỉ dài. Bên cạnh đó, khi các cấp tổ chức hoạt động đầu xuân như: Lễ hội Gầu Tào tại xã Dào San; khai trương phố đi bộ và lễ hội đua thuyền tại thị trấn Phong Thổ thì nhân dân khắp các nơi nô nức bố trí thời gian về chung vui, hưởng ứng.
Lần đầu tiên huyện Phong Thổ khai trương đưa vào hoạt động phố đi bộ tại thị trấn Phong Thổ.
Chị Lý Sa Hịm - người dân bản Dao Chản (xã Bản Lang) chia sẻ: “Phố đi bộ lần đầu tiên được xây dựng và khai trương là một hoạt động đánh dấu bước phát triển vượt bậc của huyện Phong Thổ trong những năm gần đây. Là một người dân sinh sống trên địa bàn tôi rất phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương cũng như có cơ hội được đến tham quan, giao lưu trải nghiệm, khám phá bản sắc văn hóa các dân tộc, biết đến các sản phẩm OCOP. Bản thân tôi hôm nay cũng ra đây từ rất sớm để cảm nhận không khí tại phố đi bộ cũng như hòa chung với niềm vui của huyện”.
Nhìn lại chặng đường phát triển của huyện Phong Thổ trong những năm qua đã gặp phải không ít những khó khăn, thách thức từ việc tác động của đại dịch Covid-19, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai bão lũ thường xuyên xảy ra, giá cả thị trường biến động liên tục… Trong bối cảnh đó, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tập trung lãnh, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, các phòng, ban, đoàn thể triển khai đồng bộ và quyết liệt các nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh... để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.
Đến nay, huyện Phong Thổ đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Nổi bật là sản xuất nông, lâm nghiệp có bước phát triển toàn diện cả về năng suất, sản lượng. Sản lượng lương thực có hạt năm 2023 đạt trên 36.590 tấn. Tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 5%. Về lâm nghiệp, huyện tăng cường công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có và tuyên truyền, vận động nhân dân trồng mới được hơn 310ha rừng. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 44,3%.
Tình hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được quan tâm phát triển. Giá trị sản xuất đạt gần 565 tỷ đồng. Hoạt động thương mại, dịch vụ cơ bản ổn định, chủng loại và chất lượng các sản phẩm hàng hoá không ngừng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện đáng kể. Các doanh nghiệp tích cực đầu tư vào địa bàn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân và đóng góp đáng kể cho ngân sách của huyện.
Huyện Phong Thổ đang khoác lên mình diện mạo mới.
Bên cạnh đó, các nguồn vốn đầu tư được địa phương sử dụng hiệu quả để xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm khang trang, sạch đẹp. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được nhân dân khắp các xã đồng tình ủng hộ. Bình quân toàn huyện đạt 12,25 tiêu chí/1 xã, tiếp tục duy trì 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới là: Mường So, Khổng Lào, Ma Li Pho và Huổi Luông.
Các thiết chế văn hóa được đầu tư, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên và luôn hướng về cơ sở. Công tác giáo dục đào tạo được chỉ đạo sát sao. Tỷ lệ học sinh đến lớp ở các cấp đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, các chế độ chính sách đối với nhà giáo và học sinh được thực hiện nghiêm túc, đúng, đủ, kịp thời. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được thực hiện hiệu quả.
Phong trào văn nghệ, thể thao trên địa bàn huyện ngày càng thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Không những vậy, năm 2023 trên địa bàn huyện Phong Thổ còn có 60 hộ dân ở các xã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo và cận nghèo. Trong đó, xã Bản Lang có 33 hộ, xã Sin Suối Hồ 17 hộ và xã Khổng Lào 10 hộ. Những lá đơn xin thoát nghèo thể hiện trong nhận thức của người dân đã có sự thay đổi, không còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và chủ động vươn lên để nhường lại sự hỗ trợ cho các hộ khó khăn hơn.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được đảm bảo, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng với sự gia tăng đáng kể số lượng của đảng viên mới, sự đổi mới trong lãnh đạo, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ… góp phần xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Phong Thổ đã và đang tự tin, quyết tâm phát huy những lợi thế sẵn có, những kết quả đạt được cùng nhau chung sức, đồng lòng đưa huyện vùng biên ngày càng phát triển; tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Phong Thổ ra khỏi huyện nghèo vào năm 2025.
Tin đọc nhiều

Huyện Tam Đường: Bảo vệ rừng từ quản lý chặt chẽ xử lý thực bì

Đưa sản phẩm nông sản Lai Châu vươn xa

Trồng mắc ca tại Pha Mu đã có tín hiệu vui
Bảo vệ tốt diện tích rừng
“Chạy đua” thời gian, đảm bảo tiến độ

Khổng Lào hình thành vùng trồng lạc
Nâng cao thu nhập cho người dân từ chăn nuôi
Phát triển giao thông - kết nối vùng








