

Giữa tháng 6 vừa qua, đàn lợn 7 con của gia đình bà Trịnh Thị Phương (tổ dân phố số 1, phường Quyết Tiến) có biểu hiện ốm và chết 4 con. Gia đình bà báo với chính quyền phường và các cơ quan chuyên môn thành phố tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả cho thấy, 1 mẫu dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Sau khi thành phố công bố dịch, phường, các cơ quan chuyên môn của thành phố thực hiện các biện pháp dập dịch đồng bộ, nghiêm ngặt, không để dịch bệnh lây lan rộng; lập chốt kiểm dịch tạm thời, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ; cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra, vào vùng dịch. Thực hiện hiệu quả, nhanh gọn công tác phun tiêu độc môi trường toàn bộ vùng dịch trên địa bàn; xử lý tiêu hủy đàn lợn bị bệnh theo quy định.
Theo anh Bạch Tiến Thành – cán bộ thú y phường Quyết Tiến, nhờ công tác vận động, tuyên truyền sâu rộng nên người dân hiểu rõ hơn những thiệt hại về kinh tế nếu để dịch lây lan, từ đó cùng với chính quyền nỗ lực phòng chống dịch bệnh bằng mọi biện pháp. Đơn cử như trang trại của ông Bùi Văn Lực nuôi tới trên 200 con lợn. Những ngày xảy ra dịch, tâm trạng ông vô cùng hoang mang, lo lắng bởi cơ nghiệp, vốn liếng ở trọn trang trại. Nếu chẳng may có dịch, phút chốc ông trắng tay, do vậy, gia đình đã phòng dịch theo cách riêng đó là thịt lợn nuôi tại trang trại để phục vụ nhu cầu gia đình; hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài trong những ngày có dịch. Bất đắc dĩ có việc phải đi ra ngoài, ông khử khuẩn tuyệt đối trước khi vào khu vực chăn nuôi. Đến thời điểm hiện tại, trang trại của gia đình ông Lực vẫn trong ngưỡng an toàn, gần 1 tháng qua, địa bàn tổ 1 không có hộ bị nhiễm mới, cơ bản dịch bệnh vẫn đang được khống chế.
Tuy nhiên, do tổ 1 và tổ 12 của phường Quyết Tiến đều có chung nguồn nước là nguyên nhân bệnh lây lan khiến 2 hộ tại tổ 12 có lợn ốm, sốt và chết. Kết quả xét nghiệm nguyên nhân lợn chết là do bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Qua vận động, tuyên truyền đã có 9 hộ đồng ý tiêu hủy lợn với tổng trọng lượng trên 3 tấn (cả lợn thịt và lợn sinh sản). Nửa số hộ còn lại chưa chấp nhận tiêu hủy vì cho rằng còn có thể cứu vãn số lợn khỏe, đồng thời cam kết với chính quyền hàng ngày phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại đúng quy định; không thực hiện giết mổ, mua bán, vận chuyển lợn ra địa bàn khác trong thời gian chưa công bố hết dịch tại tổ dân phố; khi phát hiện có lợn ốm, chết sẽ báo cáo với tổ dân phố, UBND phường, đồng thời tự thực hiện tiêu hủy lợn chết dưới sự giám sát của cán bộ thú y phường và cơ quan chuyên môn, đảm bảo vệ sinh môi trường. Số lợn đem đi tiêu hủy được phường chọn địa điểm đất trống, xa khu dân cư, thực hiện đúng theo quy trình theo phương châm làm đến đâu, gọn đến đó.
Cán bộ thú y phường Quyết Tiến tuyên truyền người dân tổ dân phố số 12 chấp hành phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Tìm hiểu rõ hơn công tác tuyên truyền, nắm tình hình trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, chúng tôi cùng cán bộ thú y phường Quyết Tiến đến khảo sát tại tổ dân phố số 12. Đây là địa bàn có 100% đồng bào dân tộc Giáy, thuộc diện tái định cư thi công tuyến đường 58m. Các gia đình sống san sát nhau nên đều có chung rãnh thoát nước, lại không có hầm bioga để xử lý chất thải tại chỗ. Trước khi xảy ra dịch bệnh, toàn bản có 119 con lợn (cả lợn thịt và lợn sinh sản) của 18 gia đình. Kế sinh nhai của người dân ngoài làm nông nghiệp còn kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Là một trong những hộ đầu tiên đồng ý tiêu hủy lợn khi có dịch bệnh xuất hiện tại tổ dân phố, song bà Vàng Thị Chình vẫn không khỏi băn khoăn, cho chúng tôi biết: “Gia đình tôi nuôi 5 con lợn, tổng trọng lượng 2,7 tạ, trong đó 1 con lợn sắp đến ngày sinh. Dù lợn của gia đình tôi đang khỏe mạnh nhưng tôi thấy các gia đình bên cạnh đều đồng ý tiêu hủy để địa bàn sớm hết dịch, mau được tái đàn nên tôi bàn với chồng giao lợn cho cán bộ của phường và thành phố đi tiêu hủy. Nếu dịch bệnh không xảy ra, những năm trước gia đình tôi cũng có thêm một khoản thu nhưng vì tình trạng chung như vậy nên tôi đồng ý tiêu hủy sớm”.
Về công tác khống chế dịch tại phường, anh Hàng A Vàng – Phó Chủ tịch UBND phường chia sẻ: “Quyết tâm không để dịch tiếp tục lan ra diện rộng, phường đã mở 3 chốt chặn tại các nút giao đi ra, vào vùng dịch không để dịch lây lan ra các tổ dân phố và các địa bàn khác trên địa bàn thành phố. Mong rằng sự chủ động của phường cùng với sự quan tâm chỉ đạo của UBND và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn thành phố, bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn phường sẽ sớm được đẩy lùi”.

Tăng gần 200 đồng/lít, giá xăng RON95-III vượt ngưỡng 20.000 đồng/lít

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững

Ưu tiên nguồn lực, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng

Công ty Điện lực Lai Châu thành lập các đội quản lý khu vực

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi







