

Anh Nguyễn Văn Long ở bản Tiên Bình (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường) phát triển chăn nuôi trâu theo hướng hàng hoá.
Anh Nguyễn Văn Long ở bản Tiên Bình (thị trấn Tam Đường) vươn lên từ phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp. Sau khi lập gia đình, năm 2018, anh được bố mẹ chia cho 5ha đất đồi cằn cỗi. Từ đôi bàn tay trắng, anh quyết định đầu tư chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình bền vững. Sau khi đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hoá, anh nhận thấy chăn nuôi trâu sinh sản là hướng đi mới nên mạnh dạn vay vốn đầu tư. Năm 2020, anh được tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng đầu tư xây dựng 2 khu chuồng trại, với tổng diện tích hơn 300m2 để chăn nuôi gia súc. Ngoài ra, anh còn cải tạo đất, trồng cây ăn quả, gồm: bưởi da xanh, cam, chanh, mít thái. Hiện, anh mua thêm đất, mở rộng lên 10ha cây ăn quả các loại bắt đầu cho thu hoạch. Mô hình kinh tế nông nghiệp của gia đình anh cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Cây chè trên đất Tam Đường đang là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân giảm nghèo bền vững. Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 01 về “Phát triển và thâm canh cây chè chất lượng cao, giai đoạn 2015-2020 và chăm sóc, phát triển ổn định vùng chè giai đoạn 2020-2025”. Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách hỗ trợ, giá trị kinh tế trong việc phát triển và thâm canh cây chè. Nhân dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng việc mở rộng diện tích trồng chè tập trung tại các xã như: Bản Bo, Bản Giang, Bản Hon, Nà Tăm, Sơn Bình, Bình Lư, Thèn Sin… Toàn huyện có trên 2.332ha chè, với tổng sản lượng đạt trên 17.000 tấn mỗi năm. Từ trồng chè, bà con nâng cao thu nhập, gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, ngô; nhiều gia đình thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm. Huyện đã xây dựng và được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu “chè Tam Đường”, giá trị sản xuất chè đạt trên 120 tỷ đồng/năm, giá trị xuất khẩu đạt trên 60 tỷ đồng/năm.
Nông dân huyện Tam Đường thu hái chè búp.
Gia đình anh Lò Văn Sòi ở bản Nà Hiềng (xã Nà Tăm) trước đây thuộc diện hộ nghèo, năm 2017, anh mạnh dạn chuyển đổi diện tích nương, ruộng sang trồng, chăm sóc 1ha cây chè chất lượng cao kim tuyên. Từ đó, gia đình anh được huyện hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè. Nhờ trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật, diện tích chè của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt, thu gần 1,5 tấn chè búp/lứa. 3 năm gần đây, gia đình anh vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Huyện Tam Đường đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chuyên canh 600ha lúa, trên 700ha cây mắc-ca; gần 400ha cây ăn quả ôn đới; 300ha dong riềng. Huyện thu hút 9 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã, 3 làng nghề thực hiện liên kết đầu tư trong nông nghiệp và xây dựng, phát huy hiệu quả nhãn hiệu sản phẩm “chè Tam Đường”, nhãn hiệu “miến dong Bình Lư”; duy trì phát triển 39 sản phẩm OCOP. Đến nay, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 46 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12,4%.
Những kết quả này đã góp phần giúp huyện Tam Đường thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra, nhất là chỉ tiêu giảm nghèo bền vững. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân xây dựng quê hương Tam Đường ngày càng giàu đẹp.
Tin đọc nhiều

Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong chương trình chuyển đổi số quốc gia” và ra mắt Văn phòng đại diện ACTIV tại tỉnh Lai Châu

Niềm vui bên bến đò Seo Hai

Sẵn sàng mùa cạo mủ cao su

Lai Châu nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 8% trở lên

Đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc tập trung

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

Cây chia – Hướng phát triển kinh tế mới của huyện Than Uyên









