

Thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất... xảy ra thường xuyên, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Chỉ tính riêng năm 2018, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong toàn tỉnh trên 600 tỷ đồng. Do vậy, chuẩn bị các điều kiện ứng phó trong mùa mưa năm nay, Sở Công thương đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho Nhân dân chủ động phòng ngừa; xây dựng phương án, kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu; kiểm tra, đánh giá tình trạng đập và vận hành hồ chứa thủy điện theo đúng quy trình được duyệt.
Với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng; vật tư, phương tiện và kinh phí; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả, Sở Công thương xây dựng và lên kế hoạch chi tiết, cụ thể các mặt hàng thiết yếu: lương thực, thực phẩm, nhiên liệu và vật liệu xây dựng phục vụ đời sống sinh hoạt và khôi phục sản xuất nếu xảy ra bão lũ. Cụ thể, Sở đã chuẩn bị 9.497 tấn gạo; 712 tấn mỳ tôm; 14 tấn lương khô; 57 tấn cháo gói, miến, bánh phở; 101 nghìn lít nước lọc đóng chai... Tổng giá trị hàng hóa thiết yếu dự trữ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trong mùa mưa lũ ước khoảng 363,2 tỷ đồng và phân bổ rộng khắp tại các kho, đại lý và cửa hàng bán lẻ trong toàn tỉnh.
Riêng mặt hàng xăng dầu được dự trữ và cung ứng theo hệ thống 55 cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu của 25 doanh nghiệp, hợp tác xã. Đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh tuyên truyền người dân về nội dung, quy trình vận hành hồ chứa, phương án phòng, chống lụt bão. Kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện và xử lý các nguy cơ mất an toàn đập, hồ chứa nước. Xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho các công trình và vùng hạ lưu đập trong quá trình thi công, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định nhằm chủ động đối phó với các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.
Công ty TNHH Hưng Thịnh (thành phố Lai Châu) đảm bảo hàng hóa trong mùa mưa lũ.
Bên cạnh định hướng cho các siêu thị, doanh nghiệp, hợp tác xã, Sở chủ động tăng nguồn hàng dự trữ trong các kho, đại lý, cửa hàng bán lẻ ở trung tâm các huyện và các cụm xã vùng sâu vùng xa, khu vực dễ bị chia cắt, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân; đặc biệt là các huyện hay xảy ra sạc lở, tắc đường trong mùa mưa lũ như Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ... Phối hợp với các UBND các huyện chỉ đạo Phòng Kinh tế, Phòng kinh tế và Hạ tầng, UBND các xã xác định vùng trọng yếu có nguy cơ xảy ra thiên tai để xây dựng phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu để cung cấp kịp thời cho các khu vực có khả năng bị chia cắt, cô lập khi xảy ra thiên tai. Tuyên truyền người dân dự trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết đủ cho sử dụng và dự phòng mùa mưa lũ. Cùng với đó, rà soát, xây dựng phương án đảm bảo an toàn, phòng chống ngập toàn bộ hệ thống kho chứa hàng hoá, phương tiện vận tải, các thiết bị... kịp thời sửa chữa, bảo đảm yêu cầu bảo quản, lưu trữ hàng hóa phục vụ Nhân dân, giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai, bão lũ.
Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Kiều Anh - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Những năm trở lại đây, giao thông đến các xã, thôn, bản cơ bản thông suốt nên việc đi kiểm tra, tuyên truyền cho người dân về công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu trong mùa mưa lũ của đơn vị có nhiều thuận lợi. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 25 chợ, 3 siêu thị, 318 doanh nghiệp, hợp tác xã và trên 3.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại, phân bố rộng khắp từ trung tâm tỉnh đến trung tâm các xã, thôn, bản đã kịp thời phân phối hàng hóa thiết yếu đến người tiêu dùng, đặc biệt là mặt hàng lương thực, thực phẩm. Thông qua mạng lưới phân phối rộng khắp, hàng hóa được cung ứng đầy đủ, kịp thời về số lượng, phong phú về chủng loại, đa dạng mẫu mã, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của Nhân dân. Sở cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo chất lượng hàng hóa khi tới tay người tiêu dùng.
Ngoài ra, Sở Công thương còn xây dựng nhiều tình huống giả định, phương án thực hiện cho từng tình huống trong trường hợp các vùng bị chia cắt lâu ngày đã huy động hết nguồn dự trữ tại chỗ. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh hàng hóa thiết yếu huy động nguồn lực vận chuyển hàng hóa từ kho dự trữ đến các khu vực bị sạt lở gây chia cắt, đảm bảo không để thiếu hàng, sốt giá, ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân. Kết hợp với Cục Quản lý thị trường, các ngành chức năng theo thẩm quyền tổ chức lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm chống các hành vi lợi dụng bão, lụt để đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý, thu lợi bất chính và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng cho người tiêu dùng.
Với sự chủ động chuẩn bị dự trữ cũng như các phương án phân phối và sự quản lý, kiểm tra chặt chẽ thị trường hàng hóa của Sở Công thương, chắc chắn sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường và ổn định đời sống của người dân trong mùa mưa lũ năm nay.

Tăng gần 200 đồng/lít, giá xăng RON95-III vượt ngưỡng 20.000 đồng/lít

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững

Ưu tiên nguồn lực, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng

Công ty Điện lực Lai Châu thành lập các đội quản lý khu vực

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi







