

Nhân dân thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên chung sức làm đường giao thông nông thôn.
Diện mạo mới
Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, khi bắt tay vào xây dựng NTM, huyện Tân Uyên cũng gặp nhiều khó khăn. Vì thế, khi thực hiện xây dựng NTM, huyện xác định công tác tư tưởng, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân phải đi trước một bước. Với phương châm, lấy người nông dân làm chủ thể, từ quy hoạch, đến đầu tư sản xuất, phát triển hạ tầng, chăm lo phát triển cho y tế, văn hóa, giáo dục… đều phải xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Từ đó, khơi dậy sức mạnh toàn dân trong thực hiện xây dựng NTM ở địa phương.
Về xã Tà Mít những ngày đầu năm mới, đi trên những con đường trải bê tông phong quang sạch đẹp, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, phấn khởi của bà con khi xã vừa về đích NTM. Ông Phạm Đức Công - Chủ tịch UBND xã cho biết, sau hơn 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, xã Tà Mít có 100% đường giao thông liên xã; 89% đường giao thông nội đồng được cứng hóa. Thu nhập bình quân đầu người đạt 29,1 triệu đồng/năm (tăng 24,1 triệu đồng/năm so với năm 2001). 74% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 100% số hộ có nhà ở đạt chuẩn theo quy định; xã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế và phổ cập giáo dục xóa mù chữ mức độ 1, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3, THCS mức độ 2. 4/4 bản có điểm sinh hoạt văn hóa đảm bảo tổ chức các hoạt động vui chơi, sinh hoạt cộng đồng của người dân. Có được điều đó ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận cao của người dân. Riêng năm 2018 người dân trên địa bàn xã đã hiến 2.500m2 đất; đóng góp trên 2.000 ngày công lao động để thực hiện các công trình của chương trình nông thôn mới. Về đích NTM theo đúng lộ trình đề ra, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Hiện Tân Uyên đang bước vào giai đoạn “nước rút” để hoàn thành mục tiêu huyện NTM, song với những kết quả ban đầu mà Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM đã mang lại là rất rõ nét; diện mạo NTM của huyện đang được "thay da đổi thịt" từng ngày. Tại mỗi xã, mỗi khu dân cư, đường làng, ngõ xóm ngày càng khang trang, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt năm 2018 dưới sự lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể huyện, 10/10 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó có một số chỉ tiêu chính đạt cao so với kế hoạch (KH) UBND tỉnh giao như: thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 27 triệu đồng, đạt 103% KH. Tổng sản lượng lương thực: 32.551 tấn, đạt 102% KH; diện tích chè trồng mới vượt KH với 2.854ha; tỷ lệ che phủ rừng: 40,0%, đạt 100% KH. Thu ngân sách trên địa bàn 49.750 triệu đồng, đạt 103% KH. Riêng các chỉ tiêu về lĩnh vực xã hội đều đạt và vượt. Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,8%/năm, vượt 1,34% KH.
Nhiều giải pháp thiết thực
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, huyện Tân Uyên cũng nhận định, đánh giá về thời cơ thuận lợi và những hạn chế khó khăn trong năm 2019; các chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao, gắn với nhiệm vụ phân kỳ năm 2019 để đạt mục tiêu chung xây dựng huyện Tân Uyên đạt chuẩn NTM đến năm 2020. Theo đó, ngay từ đầu năm, bám sát chỉ tiêu, kế hoạch giao, huyện tổ chức Hội nghị giao chỉ tiêu cho các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn để tập trung bàn các giải pháp triển khai thực hiện, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong thực hiện chỉ tiêu kế hoạch từ huyện đến xã. Chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát, đánh giá định kỳ kết quả triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở, đồng thời xác định và gắn trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương tuân thủ theo quy hoạch phát triển của huyện, với 2 vùng: vùng 1 gồm các xã dọc Quốc lộ 32 (tập trung phát triển thương mại, dịch vụ; phát triển vùng chè, lúa hàng hóa gắn với các nhà máy chế biến). Vùng 2 gồm các xã phía Tây của huyện (tập trung trồng rừng (quế, sơn tra, mắc ca), chăn nuôi đại gia súc, cá lồng). Định hướng bổ sung quy hoạch khu vực các bản đồng bào Mông giáp phía Tây dãy Hoàng Liên Sơn thuộc các xã: Phúc Khoa, Trung Đồng, Hố Mít và thị trấn Tân Uyên nhằm tận dụng lợi thế so sánh về địa hình, khí hậu và bản sắc văn hóa để phát triển vùng cây dược liệu gắn với du lịch nông thôn.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, chú trọng sản xuất lúa hàng hóa đặc sản; tăng cường thâm canh cây chè đảm bảo sản lượng, chất lượng chè búp tươi (năm 2019 huyện có 2 dự án từ nguồn sự nghiệp NTM, hỗ trợ thâm canh cây chè tại 2 xã Thân Thuộc, Phúc Khoa). Có biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp dây truyền sản xuất, chế biến sâu sản phẩm để nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân và ngân sách. Quyết liệt chỉ đạo công tác lập quy hoạch, kế hoạch trồng chè, trồng rừng năm 2019, đảm bảo sát với thực tiễn, kịp thời vụ, cung ứng giống, vật tư đúng tiêu chuẩn chất lượng. Tập trung chỉ đạo chăm sóc 100% diện tích quế, sơn tra, mắc ca đã trồng các năm, đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển các cây trồng này bằng giải pháp cơ giới hóa, nhất là khâu làm cỏ.
Phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư trồng rừng để tháo gỡ các khó khăn liên quan về đất đai, chính sách trồng rừng. Tiến hành quy hoạch, phát triển vùng trồng mắc ca (khoảng 3.000ha), trước mắt năm 2019 tiến hành trồng 500ha tạo vùng lõi, gắn với nhà máy chế biến sau này. Rà soát quy đất khu vực hồ thủy điện, giao hoặc cho các hộ tái định cư có nhu cầu thuê theo quy định để người dân có thêm đất sản xuất. Phát triển vùng nuôi cá lòng hồ thủy điện, theo mô hình liên kết theo chuỗi giá trị (năm 2019 huyện có 2 dự án từ nguồn sự nghiệp NTM, hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng tại xã Tà Mít).
Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc tập trung, tận dụng lợi thế về đất, đầu ra của sản phẩm, kể cả chất thải chăn nuôi (vì nhu cầu phân hưu cơ trên địa bàn huyện là rất lớn). Phấn đấu có 1 đến 2 mô hình trang trại chăn nuôi đại gia súc điểm với quy mô trên 100 con trâu, bò. Khảo sát, quy hoạch bảo tồn giá trị văn hóa và không gian đặc trưng một số bản đồng bào dân tộc Mông các xã Trung Đồng, Hố Mít gắn với phát triển sản xuất các sản phẩm nông lâm nghiệp có lợi thế như: lúa nương, thảo quả và cây thảo dược khác, đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng.
Nhằm huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, huyện xác định tất cả các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn các xã đều gắn với nhiệm vụ thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM theo Quy hoạch và Đề án được duyệt. Tăng cường công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện để tuyên truyền nhằm từng bước thay đổi nhận thức, nhất là tập quán canh tác, quản lý đầu tư và sử dụng hạ tầng nông thôn. Phát huy tính chủ động, đẩy mạnh thực hiện những tiêu chí phát huy nội lực Nhân dân. Phát động phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất hàng hóa và cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn. Triển khai xây dựng xã, bản nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng với đó, quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông các bản tái định cư. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị. Rà soát quỹ đất, nhất là đất đô thị và khu vực trung tâm các xã thuận lợi, tiến hành đấu giá để tăng thu ngân sách, tạo nguồn vốn chủ động cho xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, quá trình xây dựng các chương trình, dự án cần sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành báo cáo đề xuất kịp thời để tăng cường nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, dự án đặc thù của huyện. Triển khai nhanh các nguồn vốn đầu tư các dự án giao thông, thủy lợi, kiên cố hóa trường lớp, thiết chế văn hóa, y tế, đặc biệt là các dự án giao thông quan trọng như tuyến đường trung tâm xã Hố Mít - bản Thào A, B; đường sản xuất xã Trung Đồng... nhằm phát huy hiệu quả đầu tư. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng đô thị, đẩy nhanh thi công tác công trình trọng điểm theo phân kỳ như: Dự án Sân vận động huyện; chuyển đổi phương thức quản lý vận hành chợ trung tâm huyện theo quy định. Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Huyện ủy giai đoạn 2016 - 2020 theo phân kỳ, về các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, giảm nghèo và giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá định kỳ để tìm ra những hạn chế, khó khắn vướng mắc, đề ra nhiệm vụ mới và biện pháp khắc phục…
Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, tỉnh, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Nhân dân các dân tộc trong xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Tân Uyên hôm nay đã có nhiều đổi thay: hệ thống chính trị được tăng cường, an ninh trật tự tiếp tục được giữ vững, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên một bước. Tin rằng, với những nỗ lực, nhất trí đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, huyện Tân Uyên sẽ về đích đúng hẹn trong lộ trình xây dựng NTM.

Phong Thổ nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Tả Phìn: Xây dựng đường giao thông nội bản

Nam Định xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu

Bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo xã Huổi Luông

Xã Bản Bo: Nỗ lực ''cán đích'' nông thôn mới nâng cao
Cuộc sống đổi thay từ nông thôn mới

Sà Dề Phìn nỗ lực xây dựng nông thôn mới








