

Trong những năm qua, việc phát triển hệ thống đô thị tỉnh Lai Châu đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh còn thấp, nguồn vốn đầu tư xây dựng phát triển đô thị còn hạn hẹp. Trong hệ thống đô thị chỉ có thành phố Lai Châu là đô thị loại III, còn lại là các đô thị loại V. Ông Bùi Quang Sắc – Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối xây dựng chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và cho từng đô thị. Trên cơ sở đó, Sở xây dựng lộ trình phát triển mạng lưới đô thị theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ đô thị dựa trên các tiêu chuẩn, tiêu chí về phân loại đô thị được quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với quan điểm quy hoạch phải đi trước một bước, qui hoạch đô thị sớm được lập và trong mấy năm vừa qua đã cơ bản hoàn thành “bộ khung lớn” cho toàn tỉnh về định hướng phát triển đô thị. Nhờ đó, đến nay, hệ thống đô thị đã được mở rộng với diện tích tự nhiên 9.068,788km2, được chia thành 8 đơn vị hành chính gồm 7 huyện và 1 thành phố Lai Châu - trung tâm kinh tế chính trị, văn hóa của tỉnh.
Một góc thành phố Lai Châu hôm nay.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển hệ thống đô thị tỉnh Lai Châu hiện nay, rà soát đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn, quy hoạch chuyên ngành có liên quan, lộ trình phân loại đô thị trên địa bàn tỉnh Lai Châu, mới đây Sở Xây dựng vừa trình UBND Chương trình phát triển đô thị tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017 – 2030. Đó chính cơ sở để quản lý phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh theo quy hoạch, kế hoạch trong Định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2020: công nhận các đô thị loại V gồm: Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ), Nậm Củm (huyện Mường Tè), Mường So (huyện Phong Thổ). Giai đoạn 2021-2025: nâng thành phố Lai Châu thành đô thị loại II, nâng đô thị Than Uyên, Phong Thổ lên đô thị loại IV, công nhận Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ), Phúc Than (huyện Tân Uyên) là đô thị loại V. Giai đoạn 2026-2030: nâng đô thị Nậm Nhùn, Mường Tè lên đô thị loại IV.
Phát triển đô thị là điều tất yếu của sự thay đổi. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính đang đặt ra nhiều vấn đề khó khăn cho tỉnh. Theo đó, Sở Xây dựng cũng đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư như: tỉnh nghiên cứu, đề xuất chính sách vận động, thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp. Tiếp tục củng cố và xây dựng cơ quan xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp để đáp ứng được nhu cầu thực tế. Tiếp tục rà soát và xây dựng thông tin chi tiết về dự án đối với danh mục kêu gọi đầu tư để làm cơ sở cho việc kêu gọi các nhà đầu tư. Tham gia tích cực các Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia. Lựa chọn dự án đầu tư thí điểm theo hình thức đối tác công tư (PPP) nghĩa là hợp tác công – tư (nhà nước cho phép tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các dịch vụ hoặc công trình công cộng của nhà nước). Đây là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, nó sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nước và người dân vì tận dụng được nguồn lực tài chính và quản lý từ tư nhân, trong khi vẫn đảm bảo lợi ích cho người dân. Cùng với đó, chuyển nhượng quyền khai thác công trình hạ tầng song việc lựa chọn doanh nghiệp tiếp nhận quyền thu phí có thể thông qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu.
Chú trọng giải pháp sử dụng vốn ODA (vốn ưu tiên sử dụng cho những chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực: Xây dựng hạ tầng kinh tế đồng bộ theo hướng hiện đại. Xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục đào tạo, dân số và phát triển và một số lĩnh vực khác). Căn cứ vào danh mục ngành, lĩnh vực hưởng mức lãi suất ưu đãi khi vay lại nguồn vốn vay ODA của Chính phủ. Huy động sự tham gia của người dân với phương châm nhà nước và Nhân dân cùng làm đối với một số dự án nhỏ mang tính chất làng xã như Nhà nước đảm bảo vật tư, vật liệu, người dân hưởng lợi đóng góp nhân công xây dựng các tuyến đường liên xã, liên thôn, kênh tưới tiêu qui mô nhỏ, một số trường học, bệnh xá nhỏ…
Đối với giải pháp về nguồn nhân lực: tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án nhằm đào tạo lao động ở các trình độ, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Điều chỉnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng cao trình độ lao động, đặc biệt là đối với người nông dân bị thu hồi đất sản xuất để giao cho dự án. Tạo các cơ chế chính sách xã hội để các doanh nghiệp tạo điều kiện về chỗ ở cho công nhân…
Với những bước đi và giải pháp cụ thể trong công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch, đồng thời dành trọng tâm cho việc tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trong Chương trình phát triển đô thị Lai Châu giai đoạn 2017 - 2030 là hướng đi đúng đắn để Lai Châu - mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc có một diện mạo đô thị mới theo hướng bền vững.
Theo Chương trình phát triển đô thị Lai Châu, giai đoạn 2017-2020: tỉnh Lai Châu có 11 đô thị, trong đó có 8 đô thị hiện hữu (thành phố Lai Châu là đô thị loại III và 7 đô thị loại V: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè, Nậm Nhùn), hình thành 3 đô thị mới là đô thị loại V gồm: Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ), Nậm Củm (huyện Mường Tè), Mường So (huyện Phong Thổ). Giai đoạn 2021-2025: tỉnh Lai Châu có 13 đô thị (trong đó, có 1 đô thị loại II là thành phố Lai Châu, 2 đô thị loại IV là Than Uyên và Phong Thổ, 10 đô thị loại V gồm: Tam Đường, Tân Uyên, Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn, Ma Lù Thàng, Nậm Củm, Mường So, Nậm Tăm, Phúc Than). Đến giai đoạn 2026-2030: tỉnh Lai Châu sẽ có 13 đô thị (1 đô thị loại II là thành phố Lai Châu, 4 đô thị loại IV là Than Uyên, Phong Thổ, Mường Tè, Nậm Nhùn và 8 đô thị loại V gồm: Tam Đường, Tân Uyên, Sìn Hồ, Ma Lù Thàng, Nậm Củm, Mường So, Nậm Tăm, Phúc Than).
Cuộc sống đổi thay từ nông thôn mới

Sà Dề Phìn nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Họp Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện Nậm Nhùn
Nậm Hàng giúp dân làm nhà

Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn kiểm tra tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát tại xã Nậm Chà

Nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới

Gieo mầm cho một tương lai bền vững

Sơn Bình quyết tâm về đích nông thôn mới







