

Sau gần 10 năm, chúng tôi có dịp trở lại xã Pu Sam Cáp, con đường từ xã Nậm Tăm rẽ vào xã vẫn còn nhiều đoạn khó đi. Hơn 1 giờ đồng hồ đánh vật với chiếc xe máy chúng tôi cũng đến được trung tâm xã. Hiện lên trước mắt là khung cảnh bình yên thơ mộng với những nếp nhà gỗ, nhà trình tường hay nhà xây kiên cố. Con đường dẫn về các bản giờ đã được trải bê tông phong quang, sạch đẹp. Hai bên đường là những triền lúa, ngô vừa được bà con thu hoạch vẫn còn thơm mùi rơm mới… xua tan bao cảm giác mệt mỏi sau một chặng đường dài.
Đón chúng tôi bằng chiếc bắt tay thật chặt, đồng chí Hầu A Dia - Chủ tịch UBND xã Pu Sam Cáp chia sẻ, xã có 273 hộ với 1.519 khẩu. Là xã đặc biệt khó khăn nên tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, trình độ dân trí thấp, kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, với sự nỗ lực của Đảng uỷ, chính quyền và Nhân dân trong xã, Pu Sam Cáp đã đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt về phát triển giao thông nông thôn.
Người dân bản Nà Phân làm đường giao thông nội đồng.
Xác định công tác tuyên truyền là "chìa khóa” của sự thành công trong triển khai làm đường giao thông nông thôn, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền sâu rộng, với nhiều hình thức phong phú. Cùng với đó, rà soát, giao nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách từng bản. Xây dựng lộ trình thực hiện bản nào thuận lợi làm trước; bản khó làm sau. Thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn cần nguồn vốn lớn, vì vậy xã đã lồng ghép các nguồn lực và huy động sức dân cùng tham gia. Qua đó, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của người dân. Dẫu đời sống còn nhiều khó khăn nhưng bà con đã chung sức, đồng lòng cùng vào cuộc tham gia ủng hộ ngày công lao động, hiến đất đai, đóng góp tiền của để làm đường giao thông nông thôn.
Chúng tôi về bản Nà Phân - một trong những địa phương điển hình trong huy động sức dân tham gia làm đường giao thông. Ngay đầu bản chúng tôi bắt gặp từng tốp người dân đang hoàn thiện nốt tuyến đường nội đồng. Nhìn con đường trải bê tông vắt trên những sườn núi cao chúng tôi không khỏi khâm phục ý chí cũng như nghị lực của người dân nơi đây. Đồng chí Hầu A Dia - Chủ tịch UBND xã cho biết, đẩy mạnh phong trào làm đường giao thông nông thôn, năm 2019, với sự hỗ trợ của nhà nước 500 triệu đồng (nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới), 60 hộ dân trong bản Nà Phân đã tham gia hàng trăm ngày công lao động thi công tuyến đường trục chính nội đồng có tổng chiều dài 1,3km, rộng 2m, dày 14cm. Và hôm nay con đường hoàn thành đưa vào sử dụng trong niềm vui mừng khôn xiết của bà con.
Ông Hầu A Phừ - hộ dân trong bản chia sẻ, khi nghe trưởng bản vận động người dân đóng góp công sức để làm đường giao thông nội đồng, chúng tôi rất phấn khởi tích cực tham gia. Đến nay, con đường đã hoàn thành, việc đi lại của người dân cũng thuận thuận lợi hơn, nhất là việc vận chuyển phân bón, thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp sẽ không còn khó khăn như trước.
Đến nay, toàn xã đã có 11km đường trục bản (đạt 98% chỉ tiêu), 5km đường trục chính nội đồng cũng đã được bê tông hoá (đạt 60% chỉ tiêu đề ra); 13km kênh mương nội đồng đã được kiên cố hoá, đạt tỷ lệ 90%. Giao thông thuận lợi thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương phát triển, bộ mặt nông thôn miền núi của xã đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm so với trước, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 6,5%. Hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được kiện toàn, củng cố, có nhiều đổi mới, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo. Đó chính là tiền đề quan trọng để xã không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân dân, tiến lên trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Phong Thổ nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Tả Phìn: Xây dựng đường giao thông nội bản

Nam Định xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu

Bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo xã Huổi Luông

Xã Bản Bo: Nỗ lực ''cán đích'' nông thôn mới nâng cao
Cuộc sống đổi thay từ nông thôn mới

Sà Dề Phìn nỗ lực xây dựng nông thôn mới








