

Những ngày đầu năm, có dịp trở lại các xã vùng cao biên giới của huyện Phong Thổ, chúng tôi dễ dàng nhận ra sự đổi thay ở vùng đất này. Hệ thống kết cấu hạ tầng như: trường học, trạm y tế, đường giao thông, điện thắp sáng từng bước được đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất. Ghé thăm xã Dào San, chúng tôi được đồng chí Phàn A Long - Chủ tịch UBND xã cho biết, đời sống của bà con so với trước đã khá hơn rất nhiều. Chung tay xây dựng NTM, từ năm 2011 đến nay, người dân trong xã đã hiến hơn 10.000m2 đất, hàng nghìn ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi. Cùng với các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, huyện, năm 2019, xã Dào San đạt 10/19 tiêu chí NTM. Hệ thống kênh mương thủy lợi được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu tưới tiêu và tăng gia sản xuất của người dân. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện chiếm 99,6%. Xã được đầu tư xây chợ đạt chuẩn theo quy định, phục vụ tốt nhu cầu thông thương, trao đổi hàng hóa của Nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 16 triệu đồng/năm… bộ mặt nông thôn miền núi của xã đã có nhiều khởi sắc.
Nhân dân bản Sểnh Sảng A, xã Dào San tu sửa đường giao thông nông thôn.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới (có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài 98,95km). Huyện có 102.924,5ha diện tích tự nhiên (trong đó: đất sản xuất nông nghiệp 17.361ha; đất lâm nghiệp 44.195ha, đất chuyên dùng 2.015,6ha, đất nuôi trồng thủy sản 42,82ha, đất ở 715ha, đất chưa sử dụng 38.504,87ha). Toàn huyện có 18 xã, thị trấn trong đó có 13 xã biên giới, 13 xã đặc biệt khó khăn, 17 xã thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc xây dựng NTM. Nhiệm vụ về xây dựng NTM được Đảng bộ, chính quyền huyện xác định rõ thông qua việc ban hành các Nghị quyết về xây dựng NTM qua từng giai đoạn 2010 - 2015 và 2016 - 2020, trong đó chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã ban hành 22 quyết định, 14 kế hoạch, 24 công văn để chỉ đạo thực hiện chương trình NTM. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM các cấp (gọi tắt là BCĐ) huyện thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tổ chức các đoàn công tác của BCĐ, UBND huyện kiểm tra, giám sát, rà soát, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tại các xã.
Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện, huyện đã triển khai các Đề án: Cứng hóa đường giao thông nội bản các xã, thị trấn trên địa bàn huyện giai đoạn 2010 - 2015, hỗ trợ kinh phí mua mua xi măng cho các xã, thôn, bản làm đường giao thông nội bản; Xây dựng trường chuẩn Quốc gia huyện Phong Thổ giai đoạn 2016 - 2020; Phát triển kinh tế các xã vùng cao biên giới giai đoạn 2016 - 2020, hỗ trợ Nhân dân 8 xã khu vực vùng cao phát triển kinh tế... Tập trung lãnh, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ theo lộ trình, kế hoạch của từng năm, trong đó chú trọng nội dung tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu, tự giác thực hiện. Các nội dung được huyện cấp kinh phí đều được bàn bạc thống nhất với Nhân dân để triển khai đảm bảo tính công khai, dân chủ, dân biết, dân bàn và dân kiểm tra; giám sát chặt chẽ các công trình, dự án được đầu tư, lấy chất lượng làm trọng tâm trọng điểm. Từ đó, góp phần nâng cao trách nhiệm cán bộ và Nhân dân trong xây dựng NTM.
Đồng chí Mai Thị Hồng Sim - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, cũng như các địa phương khác, huyện được trợ lực từ nhiều chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, phát triển dịch vụ - thương mại, nông nghiệp nông thôn, thủy sản tương đối khá. Đặc biệt là đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp đã trở thành phong trào rộng khắp ở mỗi địa phương, xây dựng được nhiều mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với đó, huyện Phong Thổ còn tổ chức phát động các phong trào thi đua xây dựng NTM trong toàn huyện và ở từng xã. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và Ban Thi đua khen thưởng huyện tăng cường việc kiểm tra, hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch thực hiện các cuộc vận động thi đua xây dựng NTM. Tăng cường việc gắn kết các hoạt động về xây dựng NTM với việc bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm nhằm tạo ra phong trào sâu rộng trong toàn huyện về xây dựng NTM...
Khi người dân nhận thức đầy đủ, rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, vai trò chủ thể của mình, bà con tích cực đóng góp ngày công lao động, vật chất, tự nguyện hiến đất tham gia xây dựng NTM. Từ năm 2010 đến nay, Nhân dân đã hiến 73ha đất, đóng góp 236.905 ngày công lao động, 4.337 triệu đồng để làm đường giao thông, nhà văn hóa bản và các công trình khác thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM...
Với sự chung sức đồng lòng của Nhân dân, sự nỗ lực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, đến nay, toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn NTM (tăng 3 xã so với năm 2011). Nhiều tiêu chí đạt được nâng lên so với trước khi triển khai thực hiện. Khi bắt đầu thực hiện tiêu chí bình quân toàn huyện đạt 2,588 tiêu chí/xã đến nay đã đạt 11,76 tiêu chí/xã, Số xã đạt 19 tiêu chí: 3 xã (Mường So, Khổng Lào, Ma Ly Pho). Số xã đạt từ 10-14 tiêu chí: 9 xã (Hoang Thèn, Lản Nhì Thàng, Nậm Xe, Vàng Ma Chải, Sin Suối Hồ, Bản Lang, Mồ Sì San, Dào San, Huổi Luông). Số xã đạt từ 8-9 tiêu chí: 5 xã (Mù Sang, Ma Li Chải, Tung Qua Lìn, Pa Vây Sử, Sì Lở Lầu). Số xã dưới 5 tiêu chí không còn, duy trì đến năm 2020 không có xã nào dưới 5 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 35,95%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96.2%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 82,83%... Phấn đấu năm 2020 huyện có 4/17 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 15,06 tiêu chí/xã.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công cuộc xây dựng NTM ở huyện Phong Thổ cũng còn nhiều khó khăn do xuất phát điểm để tiến hành xây dựng NTM ở các xã thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới phương thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, năng suất, chất lượng, giá trị thấp. Nguồn vốn NTM từ các nguồn vốn lồng ghép đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng còn hạn chế trong khi cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, kinh tế nói chung cần nhiều nguồn lực đầu tư như: giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, trường học. Một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước, ngại thay đổi phương thức sản xuất mới, tiến bộ hơn...
Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM nhằm mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; từng bước giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người dân thông qua các mô hình phát triển kinh tế; tạo điều kiện cho hộ nghèo, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ xã hội. Vì vậy, thời gian tới, huyện Phong Thổ sẽ quyết liệt hơn nữa trong công tác lãnh, chỉ đạo và thực hiện, huyện cũng rất mong nhận được sự quan tâm, sự chung tay góp sức của Trung ương, tỉnh và các doanh nghiệp để huyện vùng biên cán đích NTM theo lộ trình đã đề ra.
Tin đọc nhiều
Cuộc sống đổi thay từ nông thôn mới

Sà Dề Phìn nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Họp Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện Nậm Nhùn
Nậm Hàng giúp dân làm nhà

Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn kiểm tra tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát tại xã Nậm Chà

Nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới

Gieo mầm cho một tương lai bền vững

Sơn Bình quyết tâm về đích nông thôn mới







