

24 tuổi - độ tuổi tràn đầy nhiệt huyết và hoài bão cống hiến, lập thân lập nghiệp, anh Nguyễn Văn Cảnh (SN 1977, ở bản Thống Nhất, xã Bình Lư, huyện Tam Đường) bị tai nạn lao động cụt cả 2 chân. Mất 2 năm chữa chạy và phục hồi chức năng với kinh phí điều trị rất tốn kém, anh Cảnh mới có thể tự chăm sóc bản thân. Khi ấy, vừa lập gia đình được 2 năm, con còn nhỏ, kinh tế gia đình suy kiệt, anh Cảnh từng có những suy nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên, được sự quan tâm, chăm lo, động viên của gia đình, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng nguồn vốn vay ưu đãi thông qua kênh tổ chức Hội Nông dân, anh có thêm nghị lực vươn lên. Cùng với chăn nuôi, trồng trọt, gia đình anh mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và hàng tạp hóa. Dù không làm được việc nặng, nhưng nhờ năng động trong kinh doanh, kinh tế của gia đình anh Cảnh đã khá hơn.
Với việc được Nhà nước trợ cấp hàng tháng trên 500 nghìn đồng; nhà hảo tâm tặng xe lăn; cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp thường xuyên thăm hỏi, động viên, tặng quà dịp lễ, tết… anh Cảnh không còn tự ti mà luôn nỗ lực minh chứng bản thân “tàn nhưng không phế”.
Anh Cảnh chia sẻ: Là nhóm đối tượng yếu thế, nhiều thiệt thòi nên với NKT đều có chung mặc cảm tự ti. Nếu không được sự quan tâm, động viên, chia sẻ của gia đình, xã hội thì rất khó hòa nhập với cộng đồng. May mắn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trên địa bàn, tôi có thêm động lực, niềm tin khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Trẻ khuyết tật được khám sàng lọc, phẫu thuật miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Năm 2022, toàn tỉnh có tổng số trên 15.000 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó 5.085 đối tượng là NKT (766 NKT đặc biệt nặng; 2.849 NKT nặng; 1.470 NKT nhẹ). Trao đổi với chúng tôi về công tác bảo vệ, chăm sóc NKT trên địa bàn của tỉnh, ông Trần Đỗ Công - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) khẳng định: Tỉnh luôn quan tâm công tác đảm bảo an sinh xã hội nói chung, đặc biệt là các đối tượng yếu thế nói riêng, như người khuyết tật, người nghèo. Hàng năm, dịp lễ, tết, giáp hạt, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, UBND huyện, thành phố tập trung rà soát đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, người nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, thiếu đói, đặc biệt hộ bảo trợ xã hội có NKT sinh sống, từ đó có phương án, kế hoạch hỗ trợ cụ thể. Vì vậy, đời sống của NKT được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe, y tế, công tác tiếp cận các dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao, giải trí, du lịch cho NKT cũng được quan tâm, thực hiện hiệu quả.
Được biết, với chức năng là cơ quan thường trực, ngoài đảm bảo chế độ chính sách trợ giúp thường xuyên tại cộng đồng theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật NKT bằng nhiều hình thức. Huy động sự chung tay của toàn xã hội thăm hỏi, tặng công cụ, dụng cụ hỗ trợ giúp NKT hòa nhập cộng đồng. Phối hợp tổ chức khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng miễn phí hoặc giảm chi phí cho người khuyết tật; khám, sàng lọc, phẫu thuật miễn phí cho trẻ em khuyết tật hằng năm…
Năm 2022, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ hỗ trợ cộng đồng Đinh Thiện Lý (Thành phố Hồ Chí Minh) trao tặng 180 xe lăn, xe lắc, khung tập đi cho NKT trên địa bàn tỉnh, trị giá gần 300 triệu đồng. Khám sàng lọc khuyết tật các loại cho 258 trẻ em khuyết tật và phẫu thuật cho 173 cháu. Từ đầu năm đến nay, khám, sàng lọc cho 308 cháu, phẫu thuật cho 110 cháu.
Mặc dù công tác bảo vệ, chăm sóc NKT trên địa bàn tỉnh được cả hệ thống chính trị quan tâm nhưng hiện nay việc triển khai công tác trợ giúp NKT còn gặp một số khó khăn. Đó là việc tuyên truyền các hoạt động trợ giúp chủ yếu được thực hiện lồng ghép; hạ tầng cơ sở y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, truyền thông còn thiếu và yếu. Mức trợ cấp hàng tháng thấp, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương. Một số NKT còn nặng tâm lý tự ti, mặc cảm nên hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ công nghệ thông tin, văn hóa, thể thao, trợ giúp pháp lý…
Do đó, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh tiếp tục cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh bằng chương trình, kế hoạch hành động, phân công rõ trách nhiệm, thời gian, tiến độ thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. Tiếp tục huy động các nguồn lực cho chính sách an sinh xã hội trên địa bàn để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Tin đọc nhiều

Tân Uyên huy động 287 đơn vị máu trong đợt 1 năm 2025
Thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sỹ chưa xác định được danh tính

Trao tặng quà cho học sinh hai xã Pa Khóa và Noong Hẻo

Thăm tặng quà nhân kỷ niệm 71 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Công an xã Sùng Phài tặng quà cho bà cụ hơn 100 tuổi
Khánh thành “Trường đẹp cho em”

Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu: Trao 1.289 suất quà cho cán bộ, nhân viên, lao động

Khánh thành trường đẹp cho em









