

Theo chị Phàn Thị Quây, Thôn Đội 4, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường thì xưa kia hầu hết các gia đình người Dao nơi đây đều trồng cây bông dệt vải, bông được trồng ở những nương dốc thoải, thung lũng vào tháng 2, tháng 3, đến tháng 6 – 7 thì được thu hoạch và dệt vải để may mặc. Nhưng thấy sản phẩm dệt của mình không được đẹp bằng các dân tộc khác và việc dệt mất nhiều thời gian và công đoạn, do đó họ không dệt vải nữa mà chỉ trồng bông đem đổi vải thô về may quần áo. Nguyên liệu trong để may trang phục của người Dao Đầu bằng khá đơn giản: vải, len mầu, chỉ, vải có hoa văn…
Trang phục là chất liệu vải lanh nhuộm đen và chủ yếu dùng kỹ thuật cắt may để tạo ra quần áo khác biệt với các dân tộc khác. Nghệ thuật trang trí trên trang phục cũng rất đơn giản. Trang phục của người nam giới không có hoa văn thêu, áo mở hàng cúc ở giữa thân áo và cúc bằng bạc hoặc nhôm. Các hàng cúc được gắn hai bên vạt áo sát nhau để trang trí. Khi mặc họ thường không cài khuy áo mà dùng một mảnh vải lanh mầu đen có chiều dài khoảng 1,5 – 2 m, rộng 30 cm gấp đôi theo chiều dài rồi cuốn ngang vòng bụng để giữ cho áo không buông ra. Trang phục nữ cũng có rất ít hoa văn trang trí trên viền cổ áo và hai bên vạt áo xẻ tà. Các hoa văn này thường có hình bông hoa 3 cánh với hai mầu chính là đỏ và xanh. Trước vạt áo thường trang trí bằng nhiều sợi len màu đỏ, dài khoảng 60 cm, gấp đôi các sợi len đó lại rồi dùng một mảnh nhôm kẹp lại rồi gắn vào phía trước ngực áo. Họ làm như vậy vừa để che vạt áo vừa để làm nổi bật thêm vẻ đẹp của bộ trang phục …
Chị Phàn Thị Quây, Thôn Đội 4, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường làm mũ truyền thống.
Cầu kỳ và đòi hỏi sự khéo léo là những chiếc mũ. Mũ được làm nhiều tấm nhôm được gọt mài giống như chiếc trâm cài rồi sắp gối từng chiếc với nhau theo hình chữ nhật, chiều dài khoảng 15 cm, ngang khoảng 7 cm. Các hoa văn được thể hiện trên nền tấm bạc tròn với bán kính khoảng 6 cm – 7 cm. Hoa văn trên mũ của người phụ nữ có hình con nhện, hình bông hoa 3 cánh mà theo người Dao Đầu Bằng cho đó là các ngôi sao. Dụng cụ để tạo các hoa văn rất tinh xảo đó gồm có kéo, búa, đục nhỏ. Nguyên liệu để làm mũ là tóc rối, bạc, cây giang. Tuy nhiên cho đến nay, các nguyên liệu làm mũ này đã có sự thay đổi. Người Dao Đầu bằng dùng nhôm thay cho bạc, dùng cước nhuộm màu đẹp hơn so với làm bằng tóc rối. Ngoài ra trên mũ của người Dao Đầu bằng còn dùng tóc tết lại rồi cuốn giống như người phụ nữ thường cuốn tóc để tạo thành hình mũ rồi cài mũ nhôm có tạo hình các hoa văn lên đỉnh…
Cũng theo chị Quây, con gái người Dao nơi đây khi từ 14 đến 16 tuổi phải đội mũ truyền thống của dân tộc mình. Theo phong tục, khi người con gái đã được đội mũ chứng tỏ là đã trưởng thành có thể gả chồng được. Chính vì vậy nghề làm mũ truyền thống của người Dao Đầu bằng có từ lâu đời và còn được lưu truyền cho đến ngày nay.
Hiện nay, trong xu thế của nền kinh tế thị trường, nhiều phong tục của người dân tộc Dao Đầu bằng xã Hồ Thầu bị mai một nhưng hầu hết người dân nơi đây vẫn tự may, mặc trang phục truyền thống. Đây là nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ và phát huy.
Tin đọc nhiều

Chảng Phàng điểm du lịch tiềm năng

Các đơn vị của Vùng 3 hưởng ứng Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2025

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình nghệ thuật 'Đất nước trọn niềm vui'

Trường THCS Giang Ma: Phát triển văn hóa đọc

Khai mạc Lễ hội Sú Khon Khoài và trình diễn nghề dệt thổ cẩm lần thứ III năm 2025

Sin Suối Hồ: Bản tình ca của hoa và những nụ cười

Nhiều chương trình trọng điểm chào mừng 50 năm thống nhất đất nước trên sóng truyền hình

Dự án "Yêu lắm Việt Nam": Mang lại nhiều trải nghiệm độc đáo cho du khách









