

Là gia đình gồm vợ chồng, 2 người con (1 trai, 1 gái), các thành viên của gia đình chị Phạm Thị Đào ở khu 5A, thị trấn Than Uyên (huyện Than Uyên) luôn biết cách dung hòa các mối quan hệ trong gia đình. Theo chị Đào chia sẻ, quê chồng ở Hà Nội, còn quê chị ở Thái Bình, 2 vợ chồng lên Lai Châu lập nghiệp, mỗi năm về thăm quê chỉ được 1 - 2 lần, vì thế gia đình chị thường xuyên gọi điện động viên, hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ hai bên để tạo sự gần gũi, gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau và nhắc nhở các con phải nhớ về nguồn cội. Là người “giữ lửa” trong gia đình, chị Đào luôn biết cách để vợ chồng sống hòa thuận. Chồng chị là giáo viên mỹ thuật, ngoài việc giảng dạy trên lớp, về nhà còn làm thêm logo quảng cáo, công việc nhiều áp lực, những lúc như thế chị luôn động viên và san sẻ với chồng. 16 năm chung sống, vợ chồng chị chưa xảy ra xô xát. Trong việc dạy bảo các con, chị xác định làm bạn với con, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con, không áp đặt theo ý của mình. Chị Đào thường cùng con đọc sách, cùng con chơi các trò chơi, có khi cùng con vào bếp nấu một món ăn mà cả nhà đều thích, chia sẻ với con những câu chuyện ở trường, trong đời sống hàng ngày… Bây giờ, điều chị tự hào là 2 con ngoan ngoãn, lễ phép, hiếu kính với ông bà, bố mẹ. Chị Đào tâm sự: “Với tôi, gia đình luôn là nơi bình yên nhất, nơi gửi gắm nuôi dưỡng những ước mơ, giáo dục nhân cách đầu tiên cho con trẻ về cách ứng xử. Là một người vợ, người mẹ, tôi luôn cố gắng dung hòa mối quan hệ giữa cha mẹ và các con. Vợ chồng tôi thống nhất luôn phải làm gương cho các con noi theo trong từng cử chỉ, hành động, lời ăn tiếng nói”.
Gia đình bà Nghiêm Thị Bè ở tổ dân phố số 5 (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) luôn giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình.
Dù gia đình có 3 thế hệ cùng chung sống, nhưng các thành viên trong gia đình bà Nghiêm Thị Bè ở tổ dân phố số 5 (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) luôn hòa thuận, vui vẻ. Để có được điều đó, gia đình bà luôn dành thời gian trò chuyện cùng nhau, đặc biệt trong các bữa cơm, bà luôn biết cách gợi mở để các thành viên trong gia đình có cơ hội được bày tỏ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Con dâu bà Bè là chị Bùi Thị Lý, người có trách nhiệm gánh vác các công việc đối nội, đối ngoại trong gia đình. Ngày mới về làm dâu còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng chị Lý luôn được mẹ chồng khuyên răn, dạy bảo cách đối nhân, xử thế sao cho phù hợp. Hơn 10 năm về làm dâu lúc nào chị cũng cảm thấy yên tâm, thoải mái. Chị Lý chia sẻ: “Tôi từng đọc ở đâu đó một câu rất hay là “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, vì vậy, việc nhà tuy nhỏ nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến cách ứng xử, việc làm của mỗi thành viên trong gia đình. Sống trong gia đình có 3 thế hệ, chắc chắn mỗi thành viên sẽ có những quan điểm sống khác nhau. Để tránh xảy ra xô xát, khúc mắc, các thành viên trong gia đình đều thẳng thắn trao đổi, để mọi người hiểu mình hơn. Đồng thời, cố gắng đặt vị trí của mình vào người khác nhằm tạo sự tin tưởng lẫn nhau. Trò chuyện với nhau nhiều hơn để cảm nhận được tình yêu thương giữa vợ - chồng, cha mẹ - con. Vợ chồng tôi thường xuyên dạy các con phải hiếu thảo với ông bà, bố mẹ, chăm ngoan, biết nhường nhịn lẫn nhau. Đặc biệt, luôn lấy các ví dụ cụ thể trong đời sống hàng ngày để cho các con hiểu và học theo. Nhờ vậy, không khí gia đình tôi luôn đầy ắp tiếng cười”.
Để phát huy văn hóa ứng xử tốt đẹp trong thời gian qua, các tổ chức đoàn thể phát động các phong trào, tiêu biểu như: Hội Phụ nữ với phong trào xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, gia đình “5 không, 3 sạch”; Hội Nông dân với phong trào “Gia đình nông dân hạnh phúc”; Hội Cựu chiến binh với phong trào “Gia đình hội viên gương mẫu”, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng và duy trì 395 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 72 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với 425 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 425 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, thu hút 6.750 thành viên tham gia câu lạc bộ... Những mô hình, hoạt động này đã kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác gia đình; cách ứng xử trong gia đình, trong quan hệ vợ - chồng, bố mẹ - con; các bí quyết giữ gìn hạnh phúc trong gia đình; phê phán lối sống ích kỷ, thực dụng, vô cảm, xuống cấp về đạo đức xã hội; quá đề cao vật chất mà đánh mất giá trị đạo đức, văn hóa ứng xử truyền thống trong gia đình.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ tại cơ sở với các bài hát, điệu múa, làn điệu dân ca, dân vũ ca ngợi tình cảm gia đình, tình làng, nghĩa xóm... Từ đó, khơi dậy, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, xây dựng tình đoàn kết, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần hạn chế và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thành lập các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, cung cấp tài liệu và hướng dẫn tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ. Trong 15 năm (2005 - 2019) có trên 15.000 tin, bài, ảnh, phóng sự về giáo dục đời sống gia đình được đăng tải và phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh. Trên 90% dân số được nghe và xem các chương trình liên quan đến giáo dục đời sống văn hóa gia đình.
Chị Lê Thị Ngọc Châm - Trưởng Phòng Quản lý văn hóa gia đình (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết: Đến nay, các hoạt động giáo dục đời sống gia đình được triển khai thường xuyên, rộng khắp, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và thu hút được đông đảo tầng lớp Nhân dân tham gia. Đặc biệt là cách giữ gìn văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình đã tạo được sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động của đại đa số người dân. Tính đến hết năm 2006, toàn tỉnh có 31.056 hộ gia đình được công nhận danh hiệu văn hoá (đạt 56,1%), đến năm 2019 con số này nâng lên 78.822 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa (đạt 82,5%).
Thời gian tới, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền giáo dục trong Nhân dân và toàn thể cán bộ, đảng viên trên địa bàn về công tác gia đình, văn hóa ứng xử trong gia đình với nội dung phong phú, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về việc xây dựng gia đình văn hóa, gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Phát huy giá trị khoa học và văn hóa của di sản bãi cọc Bạch Đằng
Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2025

Báo Lai Châu - “Người kể chuyện” văn hoá trong thời kỳ mới

Nậm Hàng xây dựng đời sống văn hóa
Giữ gìn nét đẹp văn hoá từ những điều giản dị

Kỳ 3: Đoàn kết giữ gìn “hồn cốt” văn hóa, chắp cánh du lịch Lai Châu bay cao

Du lịch nâng tầm, nông nghiệp nâng chất

Thúc đẩy tăng trưởng du lịch hai con số








