

Những chiếc cọn nước khổng lồ với vòng quay chậm rãi từ lâu đã gắn liền với con suối trong mát, những cánh đồng lúa chín nặng bông. Đây cũng là một công cụ đặc biệt hỗ trợ đắc lực trong công việc dẫn nước tưới cho bà con dân bản. Đến bản Bo huyện Tam Đường, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến hàng chục chiếc cọn nước khổng lồ bên dòng Nậm Mu trong xanh ngày đêm quay đều không ngưng nghỉ.
Cách Tp.Lai Châu chừng 35km, xã Bản Bo là địa bàn sinh sống tập trung của dân tộc Lào. Có thể nói, canh tác ruộng nước và kĩ thuật thủy lợi là một trong những ưu điểm của người Lào, trong đó, cọn nước là vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của bà con, từ việc đưa nước sinh hoạt hàng ngày từ suối về nhà, hay dẫn nước đến những thửa ruộng bậc thang rộng lớn.
Chỉ là những guồng quay chậm rãi, nhịp nhàng nhưng giá trị của những cọn nước ấy lại hết sức to lớn. Mỗi cọn nước được dựng lên thể hiện sự công phu, làm việc tỉ mỉ, đây là sự kết hợp của những chàng trai sức vóc và những người già có kinh nghiệm, có sự sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú.
Sau những giờ làm việc mệt nhọc, bà con lại rủ nhau ra cọn nước để tắm mát, nghỉ nghơi. Hình ảnh những cô gái e ấp, ẩn mình trong làn nước trong xanh bên những guồng quay khổng lồ từ lâu luôn là niềm khao khát của những nhiếp ảnh gia.
Có thể nói những guồng quay êm đềm ấy cũng chính là cuộc sống của bà con nơi đây, chậm rãi, không xô bồ nhưng luôn bền chặt, khăng khít. Cũng chính từ những cọn nước này, biết bao đôi trai gái họ hẹn với nhau và nên duyên vợ chồng. Cứ như thế, từ thế hệ này sang thế hệ khác, cuộc sống của người dân lúc nào cũng có hình ảnh cọn nước bên cạnh, cọn nước đã trở thành một điểm tựa tinh thần vững chắc cho bà con. Mỗi chiếc cọn nước mới được dựng lên, người dân thêm một niềm vui có nước cho cánh đồng và thêm niềm tin vềcuộc sống.
Cọn nước bản Bo mang vẻ đẹp nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, tô điểm thêm cho cảnh sắc bản làng, đồng ruộng. Thể hiện bàn tay tài hoa, sự sáng tạo của bà con nơi trong việc chinh phục thiên nhiên, khi những chiếc cọn nước dẫn nước tới ruộng cũng là khi những nụ cười nở trên môi những người dân cần mẫn, báo hiệu một mùa no ấm lại về./.

Công bố Quyết định công nhận danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

Phát huy giá trị khoa học và văn hóa của di sản bãi cọc Bạch Đằng
Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2025

Báo Lai Châu - “Người kể chuyện” văn hoá trong thời kỳ mới

Nậm Hàng xây dựng đời sống văn hóa
Giữ gìn nét đẹp văn hoá từ những điều giản dị

Kỳ 3: Đoàn kết giữ gìn “hồn cốt” văn hóa, chắp cánh du lịch Lai Châu bay cao









