

Đã thành lệ, cứ sau 3 ngày tết là người Mông ở Dào San (huyện Phong Thổ) háo hức tổ chức hội “Gầu tào”. Nghi thức phần lễ trang trọng, tuyệt đối không có sự mê tín dị đoan, mọi người làm lễ mong cho dân bản yên bình, gặp nhiều may mắn, mùa màng tươi tốt. Sau phần lễ, khi cây nêu được dựng lên là lúc mọi người cùng vui hội. Là lễ hội lớn trong năm của người Mông sinh sống ở khu vực biên giới huyện Phong Thổ nên thường hội tụ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống. Vui hội, dân bản tổ chức nhiều trò chơi dân gian: tù lu, ném pao, bắn nỏ, đẩy gậy và kéo co. Lễ hội cũng là dịp các nghệ nhân văn hóa và đội văn nghệ của các thôn bản tề tựu và tranh tài. Giữa mênh mang đất trời biên cương, tiếng sáo Mông vút cao và kèn môi, khèn bè dìu dặt cùng điệu váy đung đưa của thiếu nữ Mông là những nét riêng vùng cao, chỉ có trong hội “Gầu tào” lúc xuân sang.
Vui văn nghệ trong lễ hội “Gầu tào” ở xã Dào San (huyện Phong Thổ).
Vào dịp đầu năm mới, nhằm tưởng nhớ vua Lê Lợi đã thân chinh giữ gìn bờ cõi Lai Châu cũng tổ chức Hội Đền Lê Lợi. Đây không chỉ là dịp để du khách thập phương tới vãn cảnh đền, cầu mong sức khỏe, bình an lúc xuân sang, còn được tham gia không khí hào hứng của lễ hội. Theo ông Lê Xuân Dũng - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Lai Châu, Lễ hội Đền Lê Lợi được tổ chức thường niên góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tạo không khí vui tết, đón xuân. Đây còn là dịp người dân Lai Châu tưởng nhớ công ơn vị vua anh minh, có công gìn giữ bờ cõi non sông.
“Nịn Xin” - lấy lộc cầu may đầu xuân là một trong những lễ hội độc đáo của người Dao đỏ xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ), đã được phục dựng theo nguyên mẫu. Phần lễ được cử hành trang trọng với nghi lễ rước nước cầu may, sau khi chủ tế tuyên bố khai hội bà con dân bản sẽ có cả 1 ngày vui chơi. Thường những gia đình thân thích, hàng xóm lân cận, người cùng dòng họ sẽ sang chúc xuân và chỉ chờ gia chủ sơ hở là khách sẽ lấy rượu, thịt và nhổ trộm hành để lấy may cho mình và cầu mong sức khỏe cho gia chủ. Nếu “phi vụ” trót lọt, sẽ phải làm lễ tạ gia chủ; còn nếu lỡ bị bắt tại trận thì phải chịu những thử thách của gia chủ để mong xóa tội. Thường là những hình phạt vui để tăng không khí phấn khởi, tinh thần gắn kết tình làng nghĩa xóm trong những ngày đầu xuân. “Nịn xin” còn nhiều phong tục đẹp mà chỉ người trực tiếp tham gia mới có dịp trải nghiệm, cảm nhận.
Không quá lời khi nói miền đất gió Phong Thổ là quê hương của các lễ hội dịp đầu năm mới. Khởi đầu là lễ hội “Gầu Tào” rồi lễ hội “Nịn Xin”, hội Nàng Han để rồi cùng chung vui trong Hội “Then Kin Pang” - ngày hội đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái trắng thường được tổ chức đúng dịp 10/3 (âm lịch). Trong “Then kin pang”, phần lễ đậm tín ngưỡng do bà Then làm chủ tế, phần hội thường được đánh giá là dịp hội tụ, tôn vinh nét đẹp văn hóa độc đáo của những người sống trong vùng có bề dày trầm tích văn hóa dân tộc Thái trắng. Ngày hội thường được kết thúc trong màn thi đấu té nước cầu may, mọi người cùng sũng nước và hân hoan khi vừa có một ngày sống trong không gian tưng bừng vui hội.
Ra giêng, ngày rộng tháng dài là dịp để các khu dân cư có đồng bào dân tộc Thái sinh sống tập trung của các huyện Tân Uyên, Than Uyên tổ chức hội xòe chiêng. Trong tiết xuân trong trẻo, rộn tiếng trống chiêng, dân bản không kể người già, người trẻ, trai gái tay trong tay chân bước theo điệu xòe không tuổi. Anh Lò Văn Muôn (bản Hua Puông, xã Nậm Cần) chia sẻ: Điệu xòe đầu xuân như sợi dây kết nối cộng đồng cùng chung tay, góp sức xây dựng bản làng ngày càng phát triển. Vui trong điệu xòe để cùng cầu mong cho cây cối tốt tươi, bản làng yên ấm, mùa màng bội thu. Mỗi độ xuân sang, theo nhịp trống chiêng, vòng xòe như đông vui hơn, đắm say và nồng nàn hương xuân của đất trời Tây Bắc.
Hòa chung không khí Lễ hội của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, người Giáy sinh sống ở San Thàng (thành phố Lai Châu) cũng tổ chức Lễ hội “Tú tỉ” vào dịp đầu năm mới. Đây là nghi lễ cúng rừng thiêng của cộng đồng, một nghi thức có từ lâu đời, nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng của người Giáy được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Dưới gốc cây to, trong khu rừng cấm chỉ cánh đàn ông, con trai mới được tiến hành các nghi thức cúng tế, với mong muốn tạ ơn đất trời, đấng siêu nhiên đã mang nhiều điều tốt lành tới dân bản. Trong dịp “Tú tỉ” dân bản thường tổ chức thi đấu thể thao, thi văn nghệ dân gian và thi ẩm thực. Qua đó, góp phần tạo không gian lễ hội vui xuân, tôn vinh nét đẹp văn hóa dân tộc Giáy.
Lai Châu, vùng đất đa sắc màu dân tộc, khi xuân sang, còn nhiều lễ hội được cộng đồng tổ chức, phục dựng. Qua không gian lễ hội không chỉ tạo không khí hào hứng vui xuân đón tết, còn góp phần lưu truyền những nét văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc.

Phát huy giá trị khoa học và văn hóa của di sản bãi cọc Bạch Đằng
Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2025

Báo Lai Châu - “Người kể chuyện” văn hoá trong thời kỳ mới

Nậm Hàng xây dựng đời sống văn hóa
Giữ gìn nét đẹp văn hoá từ những điều giản dị

Kỳ 3: Đoàn kết giữ gìn “hồn cốt” văn hóa, chắp cánh du lịch Lai Châu bay cao

Du lịch nâng tầm, nông nghiệp nâng chất

Thúc đẩy tăng trưởng du lịch hai con số








