Phường Đông Phong chủ động phòng, chống dịch bệnh dại ở chó, mèo
Chúng tôi cùng cán bộ thú y phường Đông Phong đi đến từng nhà để tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó mèo. Trong câu chuyện với cán bộ thú y, chúng tôi được biết, vài năm trở lại đây, người dân đã hiểu được mối nguy hiểm của bệnh dại nên đã chủ động trong việc tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó mèo. Thậm chí nhiều hộ dân còn chủ động liên lạc với cán bộ thú y phường nắm lịch tiêm tại các tổ dân phố, bố trí thời gian ở nhà để tiêm đầy đủ vắc-xin phòng dại cho chó, mèo.
Trên địa bàn phường Đông Phong hiện có hơn 700 con chó, mèo. Cùng với đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hằng năm, bước vào mùa nắng nóng, địa phương còn triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo trong toàn phường. Đây cũng là 1 trong những địa phương có tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh dại trên đàn chó mèo đạt trên 95%.
Cán bộ thú y phường Đông Phong tiêm vắc-xin phòng dại cho chó.
Được biết trước khi triển khai tiêm, UBND phường đã gửi văn bản về việc tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó mèo trên địa bàn tới tất cả các tổ dân phố, bản. Và đề nghị các đồng chí tổ trưởng tổ dân phố, trưởng bản phối hợp chặt chẽ với công chức, nhân viên thú y phường trong quá trình thực hiện công tác tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại địa bàn; đồng thời tuyên truyền, vận động các gia đình chấp hành nghiêm quy định về tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Nhờ chủ động trong công tác phòng chống nên nhiều năm trở lại đây, phường Đông Phong không ghi nhận trường hợp bệnh dại nào xảy ra trên địa bàn, đa số người dân đều chấp hành nghiêm quy định về tiêm phòng vắc-xin phòng chống dịch dại cho chó mèo.
Tuy nhiên, một thực trạng chung hiện nay xảy ra trên địa bàn phường nói riêng và toàn thành phố nói chung đó là tình trạng chó thả rông. Mặc dù, UBND phường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở; đi tuần tra bắt, xử lý các trường hợp vi phạm nhưng vẫn không triệt để.
UBND phường Đông Phong khuyến cáo và đề nghị người dân không thả rông chó. Chó ra đường phải được đeo rọ mõm ở nơi công cộng và có người dắt. Khi bị chó, mèo cắn, cào cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Quan trọng nhất là đến ngay Trung tâm Y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Hiện nay, bệnh dại chỉ có thể phòng, không thể cứu được vì khi đã bị phát bệnh sẽ dẫn đến tử vong. Do đó, khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện khác thường như trở nên hung dữ, cào cắn người hay động vật khác thì chủ vật nuôi phải có trách nhiệm khai báo với chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất để kịp thời khoanh vùng và xử lý.
Để phòng, chống dịch bệnh dại, thời gian tới, UBND phường sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại; quy định về quản lý đàn chó, mèo nuôi, trách nhiệm của người nuôi trong việc quản lý và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo. Triển khai thực hiện nghiêm công tác quản lý đàn chó, mèo; tiêm phòng vắc-xin, xử lý bệnh dại theo quy định của Luật Thú y. Tăng cường giám sát, phát hiện bệnh dại với sự tham gia của cộng đồng.
Trước diễn biến phức tạp của các ổ dịch như hiện nay ở một số tỉnh thành trong cả nước, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương thì rất cần sự chung tay của người dân trong việc nâng cao ý thức quản lý vật nuôi của gia đình, chủ động và tự giác phòng ngừa dịch dại, tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra cho bản thân và cộng đồng.
Bạch Dương
Bình luận