

Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi về thăm xã Nậm Tăm - một trong những địa phương có tỷ lệ tảo hôn nhiều nhất trong 5 xã thực hiện mô hình. Trong tốp người hối hả đi làm đồng về, qua dáng người và mái tóc chúng tôi nhận ra gương mặt nam, nữ còn trẻ nhưng lại chứa đựng vẻ mặt mệt mỏi. Trò chuyện với em Quàng Văn Khoa (15 tuổi) và Lò Thị Hiền (15 tuổi) ở bản Pá Khôm 1 chúng tôi được biết, Khoa và Hiền bén duyên với nhau trong một lần tình cờ đi chơi tết. Thích nhau rồi, 2 em xin bố mẹ cho tổ chức cưới. Khi bố mẹ không đồng ý, Khoa và Hiền đã dọa bỏ đi, thậm chí còn dọa tự tử. Tình thế bắt buộc, cha mẹ 2 bên gia đình phải đồng ý. Đầu năm 2019 đám cưới của Khoa, Hiền được tổ chức dưới sự chứng kiến của họ hàng thân thiết. Đến đây, giọng nói của Hiền trầm hẳn, tuy em không kể tiếp, nhưng chúng tôi hiểu ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, chân ướt chân ráo bước về nhà chồng với bao vụng dại, chắc chắn em sẽ không lường hết được những khó khăn làm vợ, làm mẹ, rồi cả nỗi lo cơm áo, gạo tiền đè nặng lên vai.
Cán bộ dân số xã Tả Phìn (huyện Sìn Hồ) tuyên truyền về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho người dân bản Tầm Choong.
Hay như trường hợp của em Tao Thị Vòn ở bản Nà Tăm 1 (xã Nậm Tăm), về nhà chồng khi mới 17 tuổi, em đã sớm phải gánh vác công việc từ làm ruộng, nương đến chăm sóc bố mẹ. Nếu như Vòn không lấy chồng sớm, thì có lẽ em không phải vất vả như bây giờ.
Trao đổi với anh Cà Văn Din - cán bộ dân số xã Nậm Tăm chúng tôi được biết, gần 8 năm xã triển khai thực hiện mô hình, tình trạng hôn nhân cận huyết không còn, riêng vấn đề tảo hôn có giảm so với trước, nhưng thời gian gần đây tình trạng này có xu hướng tăng, đặc biệt ở các đồng bào dân tộc Thái và Lự. Để chứng minh, anh Din giở cuốn sổ tay ghi chép cho chúng tôi xem, 9 tháng năm 2019, toàn xã có 9 cặp kết hôn thì có 5 cặp tảo hôn. Lý giải về tình trạng này, anh Din giải thích: Do nhận thức của bà con còn lạc hậu, họ muốn cho con lập gia đình sớm để có người làm. Chúng tôi đã tuyên truyền rất nhiều nhưng tình trạng này vẫn như muối bỏ bể. Có nhiều gia đình, chúng tôi đến tận nhà vận động thì họ đồng ý không cho con lập gia đình sớm, nhưng sau đó họ lại lén lút cho con kết hôn”.
Rời xã Nậm Tăm, chúng tôi ngược lên vùng cao xã Tả Phìn, tiếp chúng tôi anh Tẩn A U - cán bộ dân số xã chia sẻ: Từ khi triển khai thực hiện mô hình, xã thành lập và duy trì hoạt động tổ công tác thường trực. Ngoài Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS - KKHGĐ) huyện cử cán bộ đến từng bản vận động, tuyên truyền; hàng tháng, tổ thường trực thường xuyên liên hệ với trưởng bản, cộng tác viên dân số bản nắm tình hình các gia đình có con, em trong độ tuổi mới lớn để tư vấn cho bố mẹ và các em hiểu được tác hại của tảo hôn. Đồng thời, phối hợp với chi hội phụ nữ các bản nói chuyện chuyên đề về chất lượng dân số. Trong đó, tập trung vào tác hại của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Từ đó, giúp bà con thay đổi hành vi không để cho con em mình kết hôn sớm, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn có giảm nhưng không bền vững. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2019, toàn xã có 5/10 cặp vợ chồng tảo hôn”.
Theo thống kê của Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Sìn Hồ, 9 tháng năm nay, 5 xã thực hiện mô hình có 80 cặp kết hôn, trong đó có 34 cặp tảo hôn (chiếm 42,5%) tăng 5,9% so với năm 2018 (36,6%). Anh Triệu Cao Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Sìn Hồ cho biết: “Dù chúng tôi đã nỗ lực tuyên truyền nhưng cái khó nhất là nhận thức của bà con còn lạc hậu, họ lén lút kết hôn, không đến xã để trình báo. Đã nhiều lần chúng tôi đến vận động kết hôn đúng độ tuổi và khi kết hôn phải đến xã đăng ký nhưng kết quả vẫn không khả quan. Bên cạnh đó, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, không đủ sức răn đe giáo dục người dân tự giác chấp hành các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Một số trường hợp có xử lý nhưng chưa đến nơi đến chốn, người dân vẫn có tư tưởng sẵn sàng nộp phạt theo quy ước, hương ước của bản. Nhiều trường hợp khó can thiệp vì 2 bên gia đình đồng ý cho con họ cưới, hỏi mặc dù chưa đến tuổi và nếu can thiệp quá sâu thì đôi bạn trẻ thường tìm cách tự tử. Ngoài ra, bà con vẫn quan niệm, phụ nữ 15, 16 tuổi chưa ai đến dạm hỏi, 17 tuổi chưa lấy chồng thì khó xây dựng gia đình”.
Vẫn biết với trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế và việc xóa bỏ một thói quen, tập tục như tảo hôn không phải là chuyện ngày một ngày hai. Nhưng nếu các cấp chính quyền không cương quyết thì không biết đến bao giờ những em 14, 15 tuổi đã phải làm cha, làm mẹ mới chấm dứt.

Đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện trong mùa mưa

Cái giá đắt cho vợ chồng “hờ” bán “hải sản tươi”

Đừng để “ma men” dẫn lối đến tù tội

Tăng cường kiểm soát hàng hoá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Cần linh hoạt thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng
Lớp học “đặc biệt” ở một nơi “đặc biệt”
Lời tự thú sau “song sắt” của “bóng hồng” lạc lối

Rà soát, di dời, sắp xếp dân cư vùng có nguy cơ sạt lở








