

<> Bài 2: Cơ quan chức năng nói gì?
Theo số liệu báo cáo từ Sở Công thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 103 dự án thủy điện được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 3.551,9MW, trong đó: 18 dự án hoàn thành phát điện kinh doanh với tổng công suất lắp máy 2.242,25MW; 29 dự án đã có khối lượng xây dựng với tổng công suất lắp máy 571,65MW. Các dự án thủy điện đã hoàn thành, phát điện đều phát huy được hiệu quả, không có dự án nào phải dừng hoạt động.
Đánh giá một cách tổng thể, không thể phủ nhận, các công trình thủy điện đưa vào khai thác, sử dụng đã tác động tích cực đến đời sống kinh tế, xã hội của các địa phương, trong đó thấy rõ là giải quyết việc làm cho con em Nhân dân sở tại. Riêng đối với Nhà máy Thủy điện Nậm Bon đưa vào sử dụng đã tạo công ăn việc làm cho lao động là con em đồng bào nơi địa bàn đứng chân, góp phần ổn định an sinh xã hội. Mặt khác, nguồn thu từ thủy điện cũng đóng góp vào giá trị công nghiệp của địa phương, bổ sung nguồn điện năng, nguồn thuế quốc gia. Dự kiến hàng năm, bình quân dự án Thủy điện Nậm Bon sẽ phát lên hệ thống lưới điện quốc gia 14 triệu kWh, đóng góp vào nguồn ngân sách Nhà nước trên 3.376 triệu đồng, trong đó: thuế VAT 1.400 triệu đồng, thuế tài nguyên nước 1.300 triệu đồng, phí dịch vụ môi trường rừng 504 triệu đồng và phí cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước là 172 triệu đồng.
Nông dân xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên) bón phân cho lúa.
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế - xã hội nhưng thiết nghĩ việc vận hành thủy điện cũng cần tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, đảm bảo hạn chế các tác động tới môi trường, đời sống Nhân dân khu vực xung quanh, đặc biệt là ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân như Luật Tài nguyên nước đã quy định: “Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, phải ưu tiên việc điều tiết, cấp nước cho nông nghiệp, sinh hoạt ở hạ du”. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa với người dân tỉnh ta bởi với một tỉnh thuần nông như Lai Châu, có tới 90% dân số sống bằng nghề nông nghiệp thì vấn đề đảm bảo cho sản xuất, an ninh lương thực phải được quan tâm hàng đầu.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất tại xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên), ông Nguyễn Văn Chung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Lai Châu đề xuất: Vào mùa kiệt, Nhà máy Thủy điện Nậm Bon không được tích nước, ưu tiên nguồn nước cho phục vụ sản xuất vì thời điểm tháng 1 - 3 hàng năm, bà con rất cần nước để gieo cấy và đây cũng là thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây lúa, dưa hấu. Nếu vẫn không đủ nước thì chính quyền xã Phúc Khoa cần khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết. Về việc phối hợp thống nhất với Nhà máy Thủy điện Nậm Bon tìm giải pháp tận dụng tối đa nguồn nước trên dòng suối Nậm Bon, ông Chung cho rằng, việc sửa chữa đập thủy lợi do đơn vị quản lý là việc phải làm, dù sớm hay muộn. Song nếu sau khi công trình được sửa chữa hoàn thiện mà tình trạng nước sản xuất vẫn thiếu thì nguyên nhân không điều tiết nước sản xuất không thuộc về Công ty.
Còn đối với đoàn công tác liên ngành sau khi tiến hành kiểm tra các công trình thủy điện trên địa bàn xã Phúc Khoa cũng thống nhất yêu cầu Công ty Cổ phần Phát triển Năng lượng Tân Uyên thực hiện nghiêm túc các biên bản đã làm việc với các bên trong thời gian qua về khai thác sử dụng tài nguyên nước mặt của dự án thủy điện. Đồng thời, có trách nhiệm thanh thải dòng chảy trong quá trình thi công đã gây ảnh hưởng. Khắc phục kịp thời những hư hỏng do quá trình thi công công trình thủy điện ảnh hưởng tới công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt và các công trình khác. Phối hợp nạo vét và gia cố thân đập thủy lợi Nậm Bon. Khi công trình được cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt của Bộ Tài nguyên và Môi trường phải tuân thủ dòng chảy tối thiểu đảm bảo theo giấy phép được phê duyệt. Đối với trường hợp dòng chảy đến nhỏ hơn lưu lượng xả môi trường, đề nghị Công ty ngừng phát điện để ưu tiên cho việc điều tiết cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt vùng hạ du. Trong quá trình vận hành công trình thủy điện phải thông báo phát điện cho địa phương và Công ty TNHH MTV Quản lý thủy nông Lai Châu biết.
Được biết, ngay khi chúng tôi đang thực hiện bài viết này, Nhà máy Thủy điện Nậm Bon và Công ty Công ty TNHH MTV Thủy nông Lai Châu đã có sự trao đổi, bàn bạc, thống nhất giải pháp trước mắt để sữa chữa đập thủy lợi. Sau đó sẽ tiến hành đo đạc, dự toán và triển khai thi công sân chống thấm để không hao hụt nguồn nước xuống hạ nguồn. Hiện nay lác đác đã có những cơn mưa đầu mùa, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp không quá bức thiết như thời điểm trước đây song về lâu dài vẫn cần một giải pháp hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân.
Nếu bài toán về lợi ích giữa các bên tìm được một đáp án cân bằng thì việc phát triển công trình thủy điện Nậm Bon nói riêng, các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh nói chung sẽ phát huy được tiềm năng sẵn có của địa phương, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện trong mùa mưa

Cái giá đắt cho vợ chồng “hờ” bán “hải sản tươi”

Đừng để “ma men” dẫn lối đến tù tội

Tăng cường kiểm soát hàng hoá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Cần linh hoạt thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng
Lớp học “đặc biệt” ở một nơi “đặc biệt”
Lời tự thú sau “song sắt” của “bóng hồng” lạc lối

Rà soát, di dời, sắp xếp dân cư vùng có nguy cơ sạt lở








