

Cán bộ Trạm Y tế xã Nậm Loỏng thăm, kiểm tra sức khỏe của bé Sùng A Lâm sau xuất viện.
Gia đình anh Sùng A Hà ở bản Gia Khâu 1 (xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu) có con trai là Sùng A Lâm (sinh tháng 9/2018) vừa tiêm chủng tại Trạm Y tế xã. Trước khi tiêm, cán bộ Trạm thực hiện khám sàng lọc, xác định cháu đủ điều kiện thực hiện mũi tiêm vắcxin ComBE Five. Anh Hà chia sẻ: “Sau tiêm 4 giờ, thấy con sốt cao, vợ chồng tôi đã đưa đến Trạm Y tế xã và được chuyển lên tuyến trên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau 3 ngày sức khỏe của cháu đã trở lại bình thường và được xuất viện. Tôi cũng được tư vấn, giải thích hiện tượng sốt của con là do phản ứng thông thường của thuốc và sẽ tiếp tục cho con tiêm theo theo lịch”.
Được biết, quá trình khám sàng lọc trước tiêm chủng tại Trạm Y tế xã Nậm Lỏng được thực hiện đúng quy định. Theo đó, tổng số trẻ cần tiêm là 40, đến khám là 29, trong đó có 13 trẻ hoãn tiêm do không đủ điều kiện tiêm chủng (đang, ốm, ho hoặc uống thuốc…).
Bác sỹ chuyên khoa I Trần Đỗ Kiên - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế) cho biết: Trước khi áp dụng tiêm vắcxin 5 trong 1, trên địa bàn toàn tỉnh việc tiêm chủng mở rộng được thực hiện với vắcxin Quinvaxen do Công ty Berma Biotech Hàn Quốc sản xuất. Đây là vắcxin phòng bệnh bạch hầu, viên gan B, uốn ván, ho gà, viêm phổi viêm màng não mủ do vi khuẩn Hip. Từ năm 2016, vắcxin Quinvaxen đã ngừng sản xuất trên quy mô toàn cầu, Bộ Y tế xem xét và quyết định sử dụng vắcxin 5 trong 1 (Công ty Biologica E. Ltd Ấn Độ sản xuất) thay thế. Trong tháng 10, 11/2018, vắcxin này được thí điểm tiêm chủng tại 7 tỉnh trong cả nước, kết quả tỷ lệ xuất hiện phản ứng thông thường sau tiêm chủng là 5,5% và tháng 12/2018, triển khai trên toàn quốc. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Dự án tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã phân bổ vắcxin đến 63 tỉnh/thành phố và hướng dẫn triển khai tiêm vắcxin; chú trọng thực hành tiêm an toàn, đặc biệt là khám sàng lọc và tư vấn cho các bậc cha mẹ cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.
Vắc xin 5 trong 1 có thành phần tương tự như vắcxin Quinvaxen, theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (Immuinzation Safety Surveillance, WHO 2015), tỷ lệ phản ứng thông thường đối với các vắcxin chứa ho gà toàn tế bào: sốt từ 38 - 390C chiếm tới 44,5%; phản ứng sưng 38,5%; nóng đỏ tại chỗ tiêm 56,3%; đau 25,6% và các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài chiếm 3,5%. Các phản ứng nặng có thể gặp như: co giật, giảm trường lực cơ, sốc phản vệ (20 trường hợp/1 triệu liều vắcxin sử dụng), các phản ứng này cần được phát hiện sớm và xử lý kịp thời tại cơ sở y tế.
Đối với Lai Châu, thực hiện tiêm vắcxin ComBE Five từ tháng 1/2019 tại 5 huyện, thành phố (Tân Uyên, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, thành phố Lai Châu). Tổng số đối tượng trẻ trong tiêm chủng mở rộng của 5 địa phương này là 3.989 trẻ, trong đó, số đã được tiêm là 2.217 trẻ, đạt 55,6%. Số trẻ còn lại không thực hiện tiêm do không đủ tiêu chuẩn sức khỏe, xin hoãn tiêm vì lý do khác. Trẻ đủ tiêu chuẩn tiêm chủng đã được cán bộ, nhân viên y tế khám lâm sàng và kết luận sức khỏe tốt.
Sau tiêm tại 5 địa phương đã có 255 trẻ phản ứng sau tiêm chủng. Trong đó, thành phố Lai Châu 70 ca, huyện Tam Đường 76 ca, Sìn Hồ 53 ca, Tân Uyên 39 ca và Phong Thổ 17 ca. Số trẻ có triệu chứng lâm sàng sốt trên 390C được xử lý tại trạm y tế là 4 ca, trong đó huyện Tân Uyên 3 ca và thành phố Lai Châu 1 ca. Số trẻ sốt trên 390C phải nằm viện là 14 ca (Tân Uyên 2 , Phong Thổ 3 và thành phố Lai Châu 9). Đến ngày 10/1, chỉ còn cháu Mào Minh Khôi ở thành phố Lai Châu vẫn đang tiếp tục điều trị.
Thời gian thực hiện tiêm chủng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh là từ ngày 5 - 7 hàng tháng. Ngay sau khi có trẻ nhập viên sau tiêm vắcxin ComBE Five, ngành Y tế đã thành lập Đoàn kiểm tra quá trình thực hành các bước tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng mở rộng. Ngày 9/1, mời Đoàn chuyên gia gồm: Văn phòng tiêm chủng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra lại toàn bộ quy trình cấp, bảo quản vắcxin từ tỉnh đến cơ sở; quy trình thực hành khám sàng lọc… Các chuyên gia kết luận trẻ tiêm chủng thường xảy ra phản ứng phản vệ liên quan đến cơ địa, không liên quan đến chất lượng vắcxin và thực hành tiêm chủng.
Mặt khác, tỷ lệ số trẻ có phản ứng sau tiêm vắcxin ComBE Five của tỉnh ta là 11,5%, thấp hơn 33% theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới về tỷ lệ phản ứng thông thường đối với các vắcxin chứa ho gà toàn tế bào.
Ông Kiên cho biết thêm: Các bậc phụ huynh cần tiếp tục duy trì, thực hiện tiêm vắcxin ComBE Five cho trẻ nhưng cần thực hiện đúng khuyến cáo: đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc và theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng. Chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của con như: đang bị ốm, đang dùng thuốc, tiền sử dị ứng đặc biệt có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như: sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm. Sau tiêm chủng cho trẻ ở lại để cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra. Tiếp tục theo dõi thường xuyên trẻ tại nhà trong 1 - 2 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu: tinh thần, bú mẹ, ăn, ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Nếu trẻ sốt cần cặp nhiệt độ và theo dõi, dùng thuốc hạ sốt theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế. Khi trẻ có dấu hiệu bất thường như: sốt cao từ 390C trở lên, co giật, phát ban, khóc thét, khó thở, li bì, mệt lả, bú kém, bỏ bú… phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị. Nếu cha mẹ không yên tâm về sức khỏe của con, sau khi tiêm chủng đến gặp cán bộ y tế để được khám, tư vấn”.
Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần nhìn nhận đúng về phản ứng sau tiêm vắcxin ComBE Five của trẻ để công tác tiêm chủng mở rộng đạt kết quả cao và bảo vệ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho con em.

Tân Uyên – Nơi ánh sáng Nghị quyết 15 lan tỏa

Tam Đường tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

“Ma trận” sữa giả: Người tiêu dùng hoang mang

Kỳ 2: “Thắp đuốc” đi tìm lời giải

Nậm Pì - Thức tỉnh sau những hủ tục

Xử lý rác thải rắn: Vấn đề cũ, thách thức mới

Đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến kè thị trấn Mường Tè

Cần sớm có giải pháp sửa chữa cầu Phiêng Đanh






