

Sữa giả tinh vi, khó phân biệt
Vụ việc trong 4 năm, hàng triệu hộp sữa giả của gần 600 nhãn hiệu được tiêu thụ trên thị trường, len lỏi vào từng gia đình, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe. Điều này khiến cho nhiều người có nhu cầu sử dụng sữa lo ngại. Chị Lê Thị Hoài (xã San Thàng, thành phố Lai Châu) lựa chọn sữa bột để bổ sung chất dinh dưỡng cho bản thân và các con. Ngay khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa thông tin về sữa bột giả, chị đã kiểm tra, dù không phải là nhãn hiệu thuộc sữa giả được nêu tên nhưng chị quyết định tạm dừng.
Theo chị Hoài, việc phân biệt sữa giả và thật là rất khó nếu chỉ nhìn vào bao bì bên ngoài. Chưa kể nhiều phụ huynh có thói quen săn hàng xách tay, giảm giá online, tin lời quảng cáo nhưng lại ít quan tâm tới hóa đơn, giấy kiểm định. Kinh nghiệm của chị là tải phần mềm nhận diện mã vạch của các nước về điện thoại để mỗi lần chọn sữa, dễ dàng kiểm tra mã vạch có đúng quốc gia sản xuất hay không. Người tiêu dùng nên thay đổi thói quen, quan điểm và cách thức lựa chọn sữa.
Cũng theo nhiều “mẹ bỉm sữa”, thị trường sữa như một “ma trận” với hàng trăm, hàng nghìn nhãn hiệu. Trong khi đó, các loại sữa có tên gọi thường na ná nhau nên rất dễ nhầm lẫn, không phải ai cũng đủ thông thái để chọn đúng.
Còn với những người cao tuổi có các bệnh nền mạn tính và bệnh liên quan đến xương khớp, thì sử dụng bữa bột đang trở thành ưu tiên nhằm tăng khả năng phục hồi, điều trị. Tuy nhiên, việc sử dụng sữa giả, đối với người khỏe mạnh có thể dẫn đến loãng xương, rối loạn chuyển hóa, thậm chí là ngộ độc do chức năng tiêu hóa suy giảm, còn với người bệnh thì sự nguy hại là khó lường. Và, bà Vũ Thị Liễu ở thôn Tây Nguyên (xã Mường So, huyện Phong Thổ) là một điển hình.
Từng dùng sữa giả nên bà Vũ Thị Liễu ở thôn Tây Nguyên (xã Mường So, huyện Phong Thổ) phân vân chưa biết chọn loại sữa nào để thay thế.
Bà Liễu cho biết: Tôi năm nay 60 tuổi. Khi đi khám tổng quát tại bệnh viện, bác sỹ kết luận tôi bị loãng xương và một số bệnh liên quan đến xương khớp, cần bổ sung canxi. Ngoài điều chỉnh chế độ ăn, tôi tìm mua thêm sữa bột uống. Với rất nhiều loại sữa trên thị trường, nhất là thông qua quảng cáo trên mạng xã hội, thấy loại nào tốt cho sức khỏe thì chọn mua thôi. Đến nay, tôi đã sử dụng hết 6 hộp sữa bột; ban đầu uống có chút tiến triển về sức khỏe, sau lại thấy cơ thể có dấu hiệu đau, mỏi chân, tay và vai gáy, cũng chỉ nghĩ là dấu hiệu của tuổi già. Khi con gái so sánh loại tôi thường dùng với các nhãn hiệu sữa giả được công bố thì phát hiện cùng loại, giờ thấy lo lắng thực sự. Rất mong cơ quan truyền thông thông tin rộng rãi các loại sữa giả để cảnh báo người dân; cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc kiểm tra, rà soát đảm bảo quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng và mỗi người thận trọng hơn khi lựa chọn sữa bột cho bản thân, gia đình.
Bà Liễu còn cho biết thêm, ở nơi sinh sống, có một số người bị bệnh tiểu đường và bệnh mạn tính khác lựa chọn sữa bột như một phương pháp hữu ích hỗ trợ tăng cường sức khỏe. Hiện, đã dừng sử dụng và đang rất lo lắng.
Qua vụ việc có thể thấy, quy trình sản xuất sữa giả rất tinh vi, bằng mắt thường rất khó phân biệt được sữa giả và sữa thật. Chỉ khi cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm mới phát hiện không đạt 70% chất lượng như đã công bố - nghĩa là doanh nghiệp sản xuất sữa giả về chất lượng, nhất là việc cố tình bớt xén nguyên liệu, tự ý thay đổi công thức sản xuất, là nguyên nhân trực tiếp khiến sản phẩm sữa bột thành phẩm không đảm bảo chất lượng như hồ sơ doanh nghiệp tự công bố tại Cục An toàn thực phẩm.
Trao đổi vấn đề này, ông Vũ Hữu Tiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo: Trước sự tinh vi về quy trình sản xuất và đa dạng kênh truyền thông, quảng cáo của các đơn vị sản xuất sữa giả, người tiêu dùng nên lựa chọn các loại sữa có thương hiệu. Đặc biệt là ghi nhớ các loại sữa giả đã được cơ quan chức năng thông tin, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để lựa chọn chính xác. Khi có vấn đề về sức khỏe hoặc nhu cầu thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, người dân nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn cho phù hợp.
Cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát
Phóng viên ghé thăm là Cửa hàng thế giới sữa non Natrumax trên đường Trần Phú. Cửa hàng có bán các loại sữa dành cho mẹ bầu, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người trưởng thành, người cao tuổi, người ốm, sau phẫu thuật của Natrumax. Ngoài ra, chủ cửa hàng cũng trưng bày, giới thiệu thêm một số ít các loại sữa của đơn vị khác. Tuy nhiên, dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng cũng vắng bóng khách hàng.
Lí giải điều này, chị Trịnh Thị Hồng Vân - chủ cửa hàng cho biết: Cửa hàng kinh doanh sản phẩm của đơn vị đã xây dựng uy tín trên thị trường nhiều năm và có cam kết về sản phẩm. Do vậy, đã xây dựng được lượng khách hàng khá ổn định. Tuy nhiên, từ vụ việc sữa giả thời gian qua, cũng ảnh hưởng ít nhiều đến doanh số kinh doanh.
Chị Vân cũng cho biết thêm: Nhiều khách hàng lựa chọn mua sữa hoặc thực phẩm chức năng trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là có nhiều hãng hàng được người nổi tiếng quảng bá, giới thiệu, giá thành thấp hơn tại các cửa hàng. Điều này cảnh báo nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Còn tại các cửa hàng kinh doanh có địa chỉ cụ thể như của gia đình tôi, có sự quản lý của cơ quan chức năng, khách hàng được đảm bảo về quyền lợi. Hy vọng cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng cũng như quyền lợi của các hộ kinh doanh chính đáng.
Trước tình trạng hàng loạt vụ việc sản xuất và buôn bán sữa giả, thuốc giả bị phát hiện, gây bức xúc trong dư luận, ngày 18/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành công điện khẩn, chỉ đạo toàn hệ thống quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, ngay khi thông tin về tình trạng sữa giả tràn lan trên cả nước, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) - Sở Công Thương Lai Châu đã chủ động nắm bắt, xây dựng kế hoạch và triển khai các đợt kiểm tra, kiểm soát đột xuất và định kỳ.
Chị Trịnh Thị Hồng Vân - chủ Cửa hàng thế giới sữa non Natrumax trên đường Trần Phú (thành phố Lai Châu) tư vấn khách hàng thông tin sản phẩm.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đỗ Văn Tính - Chi cục trưởng Chi Cục QLTT cho biết: Đây là nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đội QLTT tổ chức giám sát các cơ sở phân phối, đại lý sữa, cửa hàng chuyên sữa, siêu thị, cửa hàng tạp hóa có kinh doanh sản phẩm sữa trên địa bàn toàn tỉnh. Và, ngay khi có thông tin về sữa giả, hoạt động này được tăng cường hơn. Tính đến nay, đơn vị đã tổ chức giám sát 73 cơ sở phân phối, đại lý, cửa hàng, siêu thị. Trong đó, trên địa bàn thành phố có tổng số 41 cơ sở kinh doanh chuyên sản phẩm sữa và có sữa, Đội QLTT số 2 đã tiến hành giám sát 20 cơ sở. Qua giám sát, các cơ sở kinh doanh đảm bảo quy định, không bày bán sản phẩm sữa giả đã của các công ty vừa được công bố.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, sữa dùng nguyên liệu không rõ nguồn gốc và chất phụ gia không được kiểm soát gây nhiều rủi ro cho người dùng như: dị ứng, ngộ độc cấp tính, rối loạn tiêu hóa. Về lâu dài, cơ thể tích lũy kim loại nặng, chất độc, ảnh hưởng nội tiết và phát triển thần kinh, nhất là ở trẻ em. Vậy nên, ngoài sự vào cuộc thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng của tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người tiêu dùng, huy động sự tham gia của người dân trong phát hiện, tố giác các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Đối với người tiêu dùng, có thể kiểm tra từ quan sát bên ngoài (mã vạch sản phẩm, hạn sử dụng, bao bì) đến bên trong (mùi vị và màu sắc) để lựa chọn sản phẩm sữa an toàn, thực sự tốt cho sức khỏe.
Tin đọc nhiều

Kỳ 2: “Thắp đuốc” đi tìm lời giải

Nậm Pì - Thức tỉnh sau những hủ tục

Xử lý rác thải rắn: Vấn đề cũ, thách thức mới

Đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến kè thị trấn Mường Tè

Cần sớm có giải pháp sửa chữa cầu Phiêng Đanh

Tả Phùng mùa khát

Livestream trên wechat và cái kết bất ngờ
Đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân






